Có cả tỷ đồng vẫn khó mua nhà
Anh Đỗ Long (Nam Định) - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội - cho biết, giá căn hộ chung cư tăng nhanh thời gian qua khiến giấc mơ có nhà của gia đình chị càng khó khăn hơn. Vợ chồng anh Long đang có công việc ổn định với thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng, mỗi tháng để ra được 10-12 triệu đồng.
Hiện vợ chồng anh dành dụm được khoảng 1 tỷ đồng và tính tới việc mua trả góp một căn hộ chung cư khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Đông. Tuy nhiên, khảo sát cả căn hộ mới và cũ, anh đều thấy giá cao, vượt khả năng tài chính của gia đình.
Anh nói, trung bình một căn hộ đã qua sử dụng có diện tích 70m2, 2 phòng ngủ ở quận Nam Từ Liêm và Hà Đông có giá quanh mức 3-4 tỷ đồng, tương đương khoảng 45-50 triệu đồng/m2. "Với số tiền dành dụm, để sở hữu căn hộ 2 phòng ngủ đã qua sử dụng, tôi phải vay hơn 2 tỷ đồng. Nhưng với số tiền dư hàng tháng, gia đình tôi có khi không đủ trả tiền gốc lãi cho ngân hàng", anh Long nói.
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Quang Hưng đang làm nhân viên truyền thông tại một công ty ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, mức thu nhập của gia đình anh khoảng gần 40 triệu đồng/tháng, mỗi tháng để dành được 15-17 triệu đồng.
Tuy nhiên, để mua chung cư ở quận Thanh Xuân, ít nhất anh cũng phải trả 4-4,5 tỷ đồng. Nếu như có sự hỗ trợ từ gia đình, anh phải vay khoảng 2 tỷ đồng. Giá nhà đang quá cao nên anh quyết định chờ thêm thời gian để nghe ngóng thông tin thị trường. Anh dự tính phải chọn nhà ở ngoại ô.
"Dù công việc của tôi khá ổn định nhưng thu nhập hiện tại vẫn không phù hợp để vay tiền tỷ mua nhà. Giá nhà cứ tăng như hiện nay không biết khi nào tôi mới mua được", anh Hưng nói.
Giá bất động sản tăng cao, thu nhập của người dân chưa "đuổi" kịp
Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III của một đơn vị nghiên cứu thị trường, mức giá sơ cấp đạt khoảng 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Trong 9 tháng qua, căn hộ trên 4 tỷ đồng chiếm 70% số lượng căn bán được, tăng mạnh từ mức 2% trong năm 2020. Căn hộ giá 2-4 tỷ đồng chiếm 29% thị phần và chỉ 1% có giá dưới 2 tỷ đồng.
Giá thứ cấp trung bình đạt 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm. Kể từ năm 2020, giá thứ cấp trung bình tăng 17%/năm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - cho rằng, khi giá nhà ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải "cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà.
Bà Miền nêu, việc giá bất động sản liên tục tăng cao đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Song song đó là thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận - khu vực có nhiều lựa chọn với mức giá phải chăng hơn, có nhiều dự án nhà ở xã hội dự kiến được triển khai hơn.
Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng về mặt dài hạn.
Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - nhìn tổng quan, dường như mức tăng thu nhập của người dân chưa theo kịp mức tăng giá bất động sản ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.
Trước đó, theo dữ liệu được công bố đầu năm, giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội hiện nay là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư.
Ước tính, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội năm ngoái là 135 triệu đồng/năm. Như vậy, đặt giả định người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà thì họ cần "cày cuốc" 169 năm để sở hữu một căn nhà mặt phố, Muốn sở hữu nhà riêng, họ cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm.