Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX,đạibiểuthamdựĐạihộiMặttrậnTổquốcViệtNamlầnthứkashima nhiệm kỳ 2019-2024 được tổ chức trong ba ngày từ ngày 18 đến ngày 20/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội.
Sáng 9/9, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác mặt trận đến cuối năm 2019; khai trương hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến và họp báo về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, ông Phùng Khánh Tài thông tin đại hội có sự tham dự của 1.300 đại biểu. Trong đó, đại biểu chính thức là 999 người, gồm 326 đại biểu là nữ (32,63%); 497 đại biểu là người ngoài Đảng (49,74%); 281 đại biểu là người dân tộc thiểu số (28,13%); đại biểu các tôn giáo: 192 người (19,22%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài: 25 người (2,5%); đại biểu là các nhà doanh nghiệp: 84 người (8,45%); đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách: 235 người (23,52%). Đại biểu từ 71 tuổi trở lên là 104 người.
Đại biểu cao tuổi nhất là Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 102 tuổi (sinh năm 1917).
Các đại biểu trẻ tuổi nhất: 21 tuổi (sinh năm 1998), đó là chị Lê Thị Nga, vận động viên bắn súng tỉnh Đồng Nai; anh Huỳnh Minh Phương, sinh viên K16 Khoa Luật, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Luật Thành phố Hồ Chí Minh; và anh Lý Xuân Lèng, cá nhân tiêu biểu dân tộc Cờ Lao (xã Bạch Dích, huyên Yên Minh, tỉnh Hà Giang).
Cũng tại hội hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, mặt trận các cấp đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận là đã tổ chức thành công đại hội mặt trận các cấp, đúng theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đảm bảo đúng hướng dẫn, tiến độ, nhiều nơi có cách làm sáng tạo, được dư luận, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Chúc mừng 487 người đã được hiệp thương tham gia Ban Thường trực của 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29 chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, 78 phó chủ tịch, 84 ủy viên thường trực mới tham gia khóa này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn mong muốn các ủy viên Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các địa phương xác định đây là trách nhiệm lớn mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân giao phó, từ đó phát huy tâm huyết, trí tuệ để tạo niềm tin cho Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công việc thời gian tới.
Khai trương hệ thống hội nghị trực tuyến Mặt trận Tổ quốc toàn quốc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận Tổ quốc các địa phương triển khai ngay nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong cả nước.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có 4.514/11.158 Chủ tịch là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy (chiếm 40,45%); 5.851/11.158 Chủ tịch là Đảng ủy viên (52,43%). Cấp huyện có 608/712 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy (85,39%), trong đó có 413 Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận (58%).
63/63 tỉnh, thành phố đều có Bí thư hoặc Phó Bí thư tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh theo đúng Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư. Có 47/63 Chủ tịch Mặt trận là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 16/63 Chủ tịch Mặt trận là Ủy viên Ban Chấp hành; 21/63 Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận.
Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc thực hiện kết hợp Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận cần đảm bảo cân bằng cả hai vai, thực hiện đúng chức trách và làm một cách tâm huyết.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn đánh giá rằng trong thời gian qua sự phối hợp của các cơ quan trong mặt trận còn rời rạc.
Ông dẫn chứng về vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và cho rằng cần đặt ra trách nhiệm, vai trò của các cơ quan giám sát về an toàn môi trường, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chưa có động thái vào giám sát.
“Đáng ra phải nghe ngóng ý kiến nhân dân xem tình hình thế nào để phản ánh kịp thời, và đặc biệt, phải giám sát độc lập trong vụ việc này,” ông Mẫn nói.
Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho biết, sau khi sự cố xảy ra Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức nắm bắt tình hình cũng như ý kiến của nhân dân trên hai phường trực tiếp chịu tác động của vụ cháy là phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung. Mặt trận Tổ quốc thành phố sẽ tham gia giám sát việc khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn. Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân hai phường.
Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khai trương hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Việc đưa vào hoạt động Hội nghị truyền hình trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hoạt động của Mặt trận, việc xây dựng, củng cố hệ thống mặt trận được thường xuyên hơn, tăng cường gắn bó phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương./.
Theo TTXVN