Với nhạc Trịnh Công Sơn,ụthẫngsaukhixemEmvàTrịsporting – estoril bạn là một tín đồ, là kẻ qua đường không hề hay biết, coi đó như một thể loại nhạc bất kỳ, hay cũng là một người có nghe, có tìm hiểu đôi chút để có thể góp vui trong những lúc trà dư tửu hậu cùng bạn bè. Vậy thì, nếu dùng một từ để diễn tả cảm xúc sau khi xem xong (nếu bạn có xem) phim điện ảnh Em và Trịnhbạn sẽ dùng từ gì? Còn với tôi, đó là từ “hụt hẫng”.
Nhưng trước khi nói cho bạn nghe rằng tôi hụt hẫng về Em và Trịnhra sao cũng xin bày tỏ ở một góc nhìn khác, có thể không khắt khe lắm, để thấy rằng tác phẩm này cũng có nhiều điểm cộng.
Dễ thấy đầu tiên đó là sự nghiêm túc, cố gắng của ekip Em và Trịnh.Những cảnh phim đẹp, thơ mộng dễ gây thiện cảm cho người xem (nếu như bạn không phải là một người xem quá khó tính). Điều đó dường như được mường tượng trước bởi nhân vật chính của chúng ta là một trong những nhạc sỹ kiệt xuất với những nhạc phẩm đầy chất thơ và lãng mạn. Từ Huế, Đà Lạt hay Sài Gòn, qua sự chăm chút từng khung hình đã mang đến cái “đã” cho người nhìn về đất nước Việt Nam một thời xa ấy, dẫu đạn bom có khốc liệt đến đâu vẫn đẹp đến nao lòng.
Với một người sắp bước sang tuổi 40 và một nửa thời gian qua tôi đã nghe nhạc Trịnh và xem đó như một thứ không thể thiếu trong đời thì những bài hát trong Em và Trịnhđã đánh động đến tâm hồn yêu nhạc. Tuy đấy không phải là chất giọng của những danh ca huyền thoại nhưng thú thật tôi đã “sởn da gà” khi nhân vật Thanh Thúy cất lên ca khúc Ướt mi, Michiko hát Diễm Xưabằng tiếng Nhật hay Khánh Ly ca Ta đã thấy gì trong đêm nay.Mọi thứ rất trong trẻo, đẹp đến lạ thường như lần đầu tôi nghe nhạc Trịnh vậy.
Thế nhưng đó lại cũng là hụt hẫng đầu tiên. Với một người cũng có thâm niên nghe nhạc Trịnh thú thật tôi hơi có chút khó chịu khi các bài hát trong phim cứ cất lên vài câu rồi ngưng kiểu “đang vui thì đứt dây dàn”. Dẫu biết do thời lượng phim không cho phép nhưng cái cảm giác đang lâng lâng nghe nhạc mà bị ngưng ngang chẳng dễ chịu chút nào.
Vậy thì một người bất kỳ chưa từng nghe nhạc Trịnh họ sẽ cảm nhận các bài hát “lưng chừng” đó là sao? Có cảm giác nhà làm phim như các giảng viên trường đại học, chỉ nêu ra vấn đề, còn ai thích, muốn tìm hiểu thêm đó là tùy vào các anh các chị sinh viên ngồi bên dưới. Vậy thì, nếu bạn là một “kẻ ngoại đạo” với nhạc Trịnh sẽ tìm hiểu thêm nhạc của ông sau khi xem Em và Trịnhchứ?
Một câu hỏi thường thấy các bộ phim là “thông điệp muốn truyền tải”, vậy thì Em và Trịnh truyền tải thông điệp gì: lên án chiến tranh hay thông điệp cuộc sống hoặc một cách nhìn về tình yêu? Điều gì đọng lại sau khi phim kết thúc? Những cuộc tình giữa người nhạc sĩ họ Trịnh và các bóng hồng? Vấn đề này cũng không khó trả lời nếu nhìn vào tựa đề bộ phim. Tuy nhiên, nội dung phim không hẳn như vậy.
Dù hơn 120 phút, những nàng thơ của Trịnh Công Sơn dần xuất hiện cả như Bích Diễm, Dao Ánh, Michiko, Khánh Ly và cả Hồng Nhung nhưng cái gọi là “những cuộc tình” ấy sao mà nhạt đến nao lòng. Có chăng thông qua đó người ta biết được hoàn cảnh ra đời của những Diễm xưa, Hạ trắng, Nắng thủy tinh… ra sao, còn lại người ta chưa thấy (hoặc không hề thấy) đâu là những cuộc tình đã đi vào huyền thoại. Xem xong phim tôi tiếc là tại sao nhà làm phim không “tham” hơn một chút, táo bạo hơn một chút là làm hẳn 4, 5 phần phim, mỗi phần sẽ là thế giới riêng của Trịnh Công Sơn với mối tình đầu Bích Diễm, với mối tình khắc cốt ghi tâm Dao Ánh… Như vậy người xem sẽ thỏa mãn hơn là chứng kiến sự dàn trải, nhợt nhạt như trongEm và Trịnh.
Nếu như những nàng thơ như Bích Diễm, Dao Ánh, Michiko hay Khánh Lý dù ít dù nhiều đã khá nổi bật trong Em và Trịnhthì nhân vật trung tâm Trịnh Công Sơn lại không được như vậy, không muốn nói là thất vọng. Xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, Trịnh Công Sơn dường như đều ở thế bị động xung quanh những mối tình của mình. Chàng thanh niên Trịnh Công Sơn bất lực trong giấc mơ mang tên Bích Diễm và vô vọng bảo vệ mối tình với Dao Ánh. Hai lần Khánh Ly đưa muỗng sữa chua cho Trịnh Công Sơn đều thể hiện một cái tôi mạnh mẽ trong khi người nhạc sĩ xứ Huế thiếu đi cái bản lĩnh nam nhi cần có. Và trong cuộc tình với Michiko càng khiến người ta khó chịu và khó hiểu về Trịnh Công Sơn.
Tại sao một người đã đi qua hơn nửa đời người, đã trải qua biết bao sóng gió lại không biết lòng mình yêu ai và giá trị hôn nhân là ở đâu? Để rồi ông cầu hôn Michiko một phần vì điều mong mỏi của người mẹ khi còn sống và điều đó dẫn đến hệ lụy lòng Trịnh Công Sơn dao động khi Dao Ánh xuất hiện sau 20 năm. Hãy tạm bỏ qua diễn xuất của các diễn viên thủ vai Trịnh Công Sơn nhưng qua từng ấy chi tiết, chúng ta chẳng thấy đâu hình ảnh một nhạc sĩ viết nên những lời ca thấm thía cuộc sống, sự trải nghiệm của thời cuộc, của đời người và tâm tư của một tâm hồn lớn. Em và Trịnhchỉ cho thấy một Trịnh Công Sơn rất thực và mềm yếu trong dòng xoáy của cuộc đời.
Dẫu chưa làm thỏa lòng của giới mộ điệu nhưng một lời chân thành gửi đến những ai chưa hoặc không có ý định xem Em và Trịnh: bạn hãy xem, một lần thôi cũng được. Bởi đó là kết tinh của sự lao động nghiêm túc và một sự dũng cảm đáng khích lệ khi nhà làm phim dám chạm vào một một đề tài mà sự thành công không hề dễ. Hơn hết, Em và Trịnh như là một chất lạ, thú vị đáng cho chúng ta thưởng thức trong vô vàn những đề tài phim đã cũ.
Độc giả Thông Tòng
Độc giả có thể gửi ý kiến về bộ phim Em và Trịnh theo địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn