Nguyễn Anh Thư (1998),̉khoatrườngLuậtvượtquaáplựclàconnhànòbóng da wap sinh viên ngành Luật chất lượng cao, là tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2020. Bốn năm trước, Thư cũng từng là á khoa đầu vào của ngôi trường này.
Yêu ngành luật từ những cuốn sách của mẹ
Cả bố và mẹ đều làm việc trong ngành luật nên ngay từ khi còn bé, Thư đã có cơ hội được tiếp xúc với những cuốn sách dày cộp về các vấn đề liên quan đến luật pháp.
“Thời điểm em học cấp 1 cũng là lúc mẹ đang làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về luật hình sự, trong đó xoay quanh nội dung về tội phạm ma tuý. Những bức ảnh mô tả ảo giác tạo ra bởi ma tuý khiến em cảm thấy tò mò”.
Lâu dần, sự tò mò ấy càng thôi thúc Thư khám phá và tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này.
Vốn là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, trong khi các bạn cùng lớp mải tìm kiếm cơ hội vào những trường chuyên sâu về nghiên cứu ngôn ngữ hay phiên dịch, Thư chỉ coi đó là một công cụ giúp bản thân chinh phục được nhiều lĩnh vực mới mẻ khác trong tương lai.
Thời điểm nộp hồ sơ, nữ sinh cũng chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Kết quả, năm 2016, cô đã trở thành á khoa khối D1 của trường với số điểm 25,5.
Nguyễn Anh Thư (1998), sinh viên ngành Luật chất lượng cao, Trường ĐH Luật Hà Nội
Ngày đầu tiên con gái bước chân vào giảng đường đại học, mẹ của Thư - vốn là giảng viên tại Trường ĐH Luật Hà Nội - dặn dò tỉ mỉ: “Học đại học sẽ khác hẳn với hồi cấp 3. Do đó vào trường, dù thủ khoa hay là người chỉ vừa đủ điểm đỗ, khởi điểm của tất cả đều như nhau”.
Còn với Thư, việc có mẹ là giảng viên trong trường không phải lợi thế mà còn là áp lực.
“Mọi người càng đặt nhiều kỳ vọng, em càng phải phấn đấu, không cho phép bản thân chểnh mảng hay lười học”, Anh Thư nói.
Vì thế trong mọi tiết học, nữ sinh luôn chủ động đặt câu hỏi, thậm chí không ngần ngại tranh luận với giảng viên. Vốn là người hoạt ngôn, Thư gây ấn tượng với nhiều thầy cô bộ môn vì sự tích cực phát biểu trong mỗi giờ học.
“Ngành luật có sự đặc thù là sinh viên cần phải nói ra, thậm chí tranh luận. Vì thế, dù đúng hay sai em cũng muốn nói lên quan điểm của mình”.
Những ngày học đến 3h sáng
Với thành tích học tập tốt, cuối năm thứ 3 đại học, Thư là sinh viên duy nhất của trường được chọn đi học trao đổi tại Khoa Luật, ĐH Quốc gia Singapore trong vòng nửa năm.
Điều khiến Thư cảm thấy ấn tượng nhất là sự khác biệt trong cách tính điểm tại Singapore.
“Nếu như ở Việt Nam tính điểm theo kiểu barem, tức sinh viên làm đúng đến đâu sẽ được chấm điểm đến đó, thì tại các trường Singapore sẽ tính điểm theo tỉ lệ, ví dụ 5% học sinh giỏi nhất sẽ được A+, 10% tiếp theo được A...
Làm như vậy, các sinh viên trong lớp sẽ phải cạnh tranh với nhau để lọt vào top những người có điểm cao nhất”.
Nhiều đêm, từ khu ký túc xá nhìn xuống phòng tự học, Thư vẫn thấy các phòng vẫn còn rất đông sinh viên ngồi học vào lúc 3-4h sáng.
“Em rất sợ bị bỏ lại phía sau. Vì thế giai đoạn ấy em cũng lao vào học. Chỉ khi nào nhìn xuống phòng tự học thấy vơi người, em mới dám nghỉ”.
Kết thúc khoá học, Anh Thư đã lọt vào top 5 sinh viên quốc tế xuất sắc nhất. Kết quả này cũng giúp Thư được xét tuyển thẳng lên bậc thạc sĩ tại Singapore.
Thư được lựa chọn đi học trao đổi tại Khoa Luật, ĐH Quốc gia Singapore trong vòng nửa năm.
Trở về Việt Nam, năm 2019, nữ sinh thử sức tại cuộc thi “Hoà giải quốc tế Singapore” do Viện Hòa giải quốc tế Singapore tổ chức. Vẫn với phong thái tự tin, kiến thức chuyên môn vững, Thư đã vượt qua 140 đội chơi đến từ 40 quốc gia và giành Huy chương Vàng hạng mục Hoà giải viên. Đây cũng là lần đầu tiên Trường ĐH Luật Hà Nội có sinh viên đoạt huy chương tại một sân chơi quốc tế.
Ước mơ theo đuổi luật sở hữu trí tuệ
Trong suốt quá trình học, Anh Thư có nhiều cơ hội được tham dự các phiên toà. Ám ảnh nhất trong cô vẫn là khi chứng kiến ánh nhìn của những đứa trẻ trong các phiên toà ly hôn.
“Có lẽ đó là một phần lý do khiến em muốn chọn theo hướng đi khác”, Thư nói.
Năm thứ 4 đại học, vì muốn thử thách bản thân, Thư đã lựa chọn đề tài “Sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng xã hội” và viết bằng Tiếng Anh cho khóa luận tốt nghiệp của mình. Đây là một đề tài được đánh giá hay và mới, nhưng vẫn còn ít tài liệu tại Việt Nam. Nhờ sự táo bạo và khả năng tìm tòi, Anh Thư đã hoàn thành khoá luận và đạt điểm tuyệt đối - mức điểm hiếm có trước đó.
Cô sinh viên tài năng của Trường ĐH Luật Hà Nội
Song song thời gian đi học, Thư cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các công ty Luật. Nữ sinh cho rằng, sinh viên Luật nên tự tìm công việc thay vì chỉ trông chờ vào quãng thời gian thực tập.
Cũng nhờ sự chủ động này, Thư được nhận vào làm tại một công ty luật đa quốc gia từ năm thứ 4.
“Cũng có những bỡ ngỡ nhưng hơn hết, em được làm việc một cách thực sự và phải tìm ra đáp áp để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề còn khúc mắc”.
Những ngày trước khi nhận bằng tốt nghiệp, Thư vẫn miệt mài tại nơi làm việc. Nữ thủ khoa cho biết bản thân sẽ dành 2 năm sau khi ra trường để hoàn thành các chứng chỉ cần thiết. Trong tương lai, Anh Thư sẽ tiếp tục học lên bậc thạc sĩ. Lĩnh vực cô muốn theo đuổi là Luật sở hữu trí tuệ.
Thúy Nga
Nỗ lực giành học bổng với hi vọng trang trải học phí và đỡ gánh nặng cho mẹ, kết thúc 5 năm học tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Ánh được vinh danh thủ khoa toàn khóa với số điểm 3,72/4.