Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 12/11 thông báo đề cử ông Pete Hegseth, 44 tuổi, cựu quân nhân Mỹ và hiện là người dẫn chương trình của Fox News, làm Bộ trưởng Quốc phòng - một trong những vị trí quan trọng nhất của chính quyền. Tuy nhiên, quyết định chọn ông Hegset của ông Trump đã khiến chính giới Mỹ thực sự ngỡ ngàng, cùng với đó là lo ngại về việc nội bộ Lầu Năm Góc có thể bị chia rẽ.
Ông Hegseth được giới quốc phòng Mỹ đánh giá là "người tương đối ngoài cuộc", không có kinh nghiệm về Lầu Năm Góc hoặc chính phủ ngoài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Công chúng Mỹ chủ yếu biết đến ông Hegseth với vai trò người dẫn chương trình của Fox News, đồng thời là một người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump và thường có các bình luận mạnh mẽ về cải cách quân đội, kêu gọi hạn chế phụ nữ tham gia lực lượng chiến đấu... Các cuốn sách mà Hegseth viết, trong đó có "The War on Warriors" (Cuộc chiến với các chiến binh) nhận được nhiều lời khen từ ông Trump.
Việc lựa chọn ông Hegseth cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đánh giá là thực sự khác biệt so với lựa chọn nhân sự trước đó của ông Trump liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Cho đến nay, ông Trump đã chọn Hạ nghị sĩ Mike Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia, Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng và cả hai người này đều có quan điểm truyền thống về sức mạnh, ảnh hưởng ngoại giao, quân sự của Mỹ trên toàn cầu.
Phản ứng của cộng đồng quốc phòng Mỹ
Các quan chức an ninh quốc gia và các nhà phân tích quốc phòng đã chuẩn bị tinh thần cho những bất ngờ từ ông Trump sau 4 năm cầm quyền đầu tiên, nhưng vẫn kỳ vọng ông sẽ lựa chọn một nhà lập pháp dày dạn kinh nghiệm hoặc một nhân vật có kinh nghiệm về chính sách quốc phòng làm người đứng đầu Lầu Năm Góc. Do đó, việc ông Trump quyết định chọn Pete Hegseth - một nhân vật gần như "ngoại đạo" cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - đã thực sự gây bất ngờ.
Tờ Politicodẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, họ không biết Hegseth là ai cho đến khi ông này được Trump "xướng tên", thậm chí phải ngay lập tức tra Google về nhân vật này. Một số nhà ngoại giao nước ngoài tại Washington còn đặt mua cuốn "The War on Warriors" của Hegseth để tìm hiểu lý do tại sao ông ấy lại được ông Trump chọn.
Một số nghị sĩ Cộng hòa ngỡ ngàng với lựa chọn này của ông Trump. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski cảm thấy ngạc nhiên vì ông Hegseth từng không có tên trong danh sách ứng viên tiềm năng cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy khi nghe tin Hegseth được đề cử còn hỏi "Ông ấy là ai vậy?".
Một số nghị sĩ khác cho rằng, ông Hegseth là ứng viên ít đủ điều kiện nhất cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, ông Hegseth còn đối mặt với cáo buộc "tấn công tình dục" phụ nữ vào năm 2017, điều mà ông bác bỏ và khẳng định là "có sự đồng thuận".
Đa phần các nhà phân tích đều cho rằng, lựa chọn này của ông Trump cho thấy ông rất coi trọng lòng trung thành và Hegseth rõ ràng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành của ông. Ông Trump không chỉ đang tìm kiếm một nhà quản lý mà còn tìm kiếm người có tầm nhìn đồng điệu với các mục tiêu chiến lược của mình, nhất là trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang cần phải cải tổ để thích ứng một cách linh hoạt với các thay đổi an ninh toàn cầu mới.
Tiêu chuẩn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng
Vậy đâu là tiêu chuẩn đối với người đứng đầu một trong những cơ quan lớn nhất, phức tạp nhất và quan trọng nhất trong chính phủ Mỹ?
Theo quy định tại Mục 113, Điều 10, Bộ luật Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng là: (1) người đứng đầu Bộ Quốc phòng, do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm từ một người thuộc giới dân sự nhưng phải được Thượng viện Mỹ chấp thuận; (2) một người không được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong vòng (a) 7 năm sau khi thôi phục vụ tại ngũ với tư cách là sĩ quan chính quy của lực lượng vũ trang ở cấp độ dưới O - 7 hoặc (b) trong vòng 10 năm sau khi thôi phục vụ tại ngũ với tư cách là sĩ quan chính quy của một bộ phận chính quy của lực lượng vũ trang ở cấp độ O-7 trở lên.
Do đó, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn luôn là người thuộc giới dân sự chứ không phải một quân nhân Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là người thứ sáu trong thứ tự kế vị chức vụ Tổng thống Mỹ.
Theo luật, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thực hiện quyền lực, chỉ đạo và kiểm soát đối với 3 bộ trưởng quân chủng (Bộ trưởng Lục quân, Bộ trưởng Hải quân và Bộ trưởng Không quân Mỹ), Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và các thành viên khác trong Bộ Tổng tham mưu Liên quân Mỹ, các tư lệnh tác chiến của các Bộ Tư lệnh Tác chiến Thống nhất, các Giám đốc các cơ quan quân sự (như Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ)... Tất cả những chức vụ cao cấp này đều phải được Thượng viện Mỹ chấp thuận sau khi được Tổng thống Mỹ đề cử.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Tài chính Mỹ được xem là bộ 4 các viên chức nội các quan trọng nhất trong chính quyền Mỹ. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần phải có nền tảng kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm phong phú để lãnh đạo và duy trì tính liên tục của các chính sách quốc phòng quốc gia cũng như có thể điều hành một cơ quan đặc thù với hàng chục tướng lĩnh "sừng sỏ" có nhiều kinh nghiệm trận mạc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quân sự Mỹ và các chuyên gia, kinh nghiệm quản lý của ông Hegseth mới chỉ dừng ở mức chỉ huy một đơn vị nhỏ trong Vệ binh Quốc gia với quân hàm cao nhất là thiếu tá. Ông Hegseth đã có 3 lần làm nhiệm vụ tại nước ngoài bao gồm đến Vịnh Guantanamo vào năm 2004-2005, Iraq vào năm 2005-2006 và Afghanistan vào năm 2011-2012. Trong 10 năm qua, ông Hegseth chỉ hoạt động trong lĩnh vực người dẫn chương trình.
Theo quan điểm của mình, ông Trump tin rằng, thiếu tá dự bị Vệ binh Quốc gia Pete Hegseth sẽ đủ sức giúp "quân đội Mỹ vĩ đại trở lại", điều hành bộ máy quốc phòng khổng lồ với 1,3 triệu quân nhân thường trực, gần 1 triệu nhân viên dân sự, ngân sách hơn 800 tỷ USD, đồng thời xử lý cùng lúc hai cuộc xung đột tại Trung Đông và Ukraine hiện nay.
Trong thời gian tới, Thượng viện Mỹ sẽ xem xét liệu có phê duyệt ông Pete Hegseth đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng như đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không.
Thách thức không nhỏ
Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua, ông Pete Hegseth sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nhiệm vụ sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là rất gian nan bởi sẽ phải căng mình để lãnh đạo một cơ quan quốc phòng đang bị quá tải vì hàng loạt thách thức từ các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông, cuộc chiến Ukraine đến tình hình gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc…. Trong khi đó, áp lực về việc phải gia tăng hiện diện quân sự lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc cũng không hề nhỏ.
Mặc dù từng phục vụ trong quân đội nhưng ông Hegseth không có nhiều kinh nghiệm ở cấp cao về các vấn đề quân sự và an ninh quốc gia. Nghị sĩ Adam Smith cho rằng tuy kinh nghiệm chiến đấu của ông Hegseth là một điểm cộng nhưng việc điều hành Lầu Năm Góc đòi hỏi nhiều kỹ năng khác. Hơn nữa, nghị sĩ Smith còn lo ngại về việc ông Hegseth không có mối quan hệ rộng rãi với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Việc đề cử ông Hegseth - một nhân vật trung thành với ông Trump - sẽ giúp tổng thống dễ dàng trong việc triển khai các chính sách quốc phòng cũng như các cải tổ cần thiết nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ trong chính nội bộ Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã trải qua thời kỳ sóng gió. Nhiều người lo ngại, ông Trump có thể sẽ "chính trị hóa" Bộ Quốc phòng Mỹ trong nỗ lực cải tổ để có sự thay đổi cơ bản trong các ưu tiên quân sự của Mỹ vì lo ngại sự tập trung hiện nay của quân đội Mỹ vào sự đa dạng và toàn diện đang làm suy yếu khả năng phòng thủ của Mỹ.
Lập trường của ông Hegseth cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyết sách sắp tới của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Hegseth là người luôn ủng hộ Israel, đồng thời là một tín đồ Cơ đốc theo phái Phúc Âm, ông nhìn nhận cuộc xung đột giữa Israel và Palestine qua lăng kính Kinh thánh. Ông cũng có lập trường cứng rắn với Iran, đã từng gọi Tehran là "chế độ tà ác" hồi năm 2020.
Hơn nữa, ông Hegseth đã từng lên tiếng chỉ trích gay gắt các đồng minh châu Âu của Mỹ, và việc ông được bổ nhiệm có thể làm tăng thêm mối lo ngại của các thành viên NATO. Ông Hegseth cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và đã từng nói trên podcast và trên truyền hình rằng "Trung Quốc đang xây dựng một quân đội "chuyên tâm dốc sức cho việc đánh bại Mỹ". Đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Hegseth quan điểm đây dường như là "cuộc chiến nhảm nhí" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Để có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Pete Hegseth cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng việc ông Hegseth thiếu kinh nghiệm cấp cao về an ninh quốc gia sẽ khiến việc Thượng viện phê chuẩn trở lên khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng ông Hegseth sẽ vượt qua "cửa ải" này.
Mặc dù quyết định chọn Pete Hegseth cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thực sự gây bất ngờ cho chính giới Mỹ và gây ra hoài nghi, nhưng nó đã thể hiện phong cách lãnh đạo mang tính đổi mới của ông Trump nhằm thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện mà ông muốn thực hiện tại Lầu Năm Góc.
Ông Trump đã tạo cơ hội cho một người sẵn sàng hành động vì lợi ích quốc gia, không ngại thách thức các nguyên tắc truyền thống, với hy vọng rằng ông Hegseth sẽ đem lại sự thay đổi tích cực và bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Theo Politico, NPR