Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy định phân cấp,ệuquảtừthựchiệncácquyđịnhphâncấpủyquyềkq suwon ủy quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cơ bản có sự thống nhất và hiệu quả. Phân cấp, ủy quyền đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của các cơ quan, địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
Thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền thẩm quyền quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, lao động - thương binh và xã hội (trừ mua sắm tài sản công), giai đoạn từ ngày 1-1- 2022 đến 31-7-2024.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về cấp giấy phép lao động
Theo đó, UBND tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền theo quy định tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24-6-2020 và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 1-1-2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước (Nghị quyết số 04/NQ-CP); ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực để cụ thể hóa các quy định của Trung ương; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong thời gian qua đã tạo sự chủ động, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh, hiện nay, tình hình biên chế công chức của tỉnh được Trung ương giao thấp, biên chế bố trí cho các sở, ngành, địa phương không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời vẫn phải thực hiện nhiệm vụ giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021. Do đó, thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực, địa bàn quản lý gặp nhiều áp lực và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền… |
Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sở nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa việc phân cấp, ủy quyền bảo đảm theo đúng quy định ở các lĩnh vực thuộc Văn phòng sở; lĩnh vực thuộc Phòng Bảo trợ xã hội; lĩnh vực thuộc Phòng Chính sách lao động; lĩnh vực thuộc Phòng Người có công; lĩnh vực thuộc Phòng Kế hoạch - Tài chính; lĩnh vực thuộc Phòng Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, lĩnh vực thuộc Phòng Chính sách lao động, sở thực hiện ủy quyền của UBND tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận lao động cho người nước ngoài. Từ ngày 12- 6-2023 đến ngày 17-9-2023, sở đã tiếp nhận nhu cầu sử dụng người lao động (NLĐ) nước ngoài, thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài, chấp thuận vị trí công việc sử dụng NLĐ nước ngoài trên địa bàn tỉnh cho 2.389 người sử dụng lao động (NSDLĐ) với 3.417 vị trí công việc được chấp thuận; không chấp thuận vị trí công việc sử dụng NLĐ nước ngoài với 1.200 NSDLĐ.
“Việc được ủy quyền đã tạo nhiều thuận lợi cho sở chủ động trong việc thực hiện kiểm tra, giải quyết đề nghị của NSDLĐ. Sở có nhiều thời gian để xử lý hồ sơ theo thủ tục hành chính, hạn chế tối đa hồ sơ bị trễ hạn. Đối với NSDLĐ, sở đã tiếp nhận, kiểm tra và giải quyết bảo đảm thời gian theo quy định. Qua đó, NSDLĐ chủ động được công việc và không làm ảnh hưởng đến các công việc có liên quan khác”, ông Trịnh Đức Tài cho hay.
Tương tự, việc phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành. Đơn cử, việc UBND tỉnh phân cấp cho sở thực hiện thẩm quyền người quyết định đầu tư xây dựng đối với các công trình sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường tỉnh trên địa bàn tỉnh. “Với việc phân cấp cho giám đốc sở thực hiện thẩm quyền người quyết định đầu tư xây dựng đối với các công trình sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường tỉnh theo phân cấp đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư công trình chủ động trong quá trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện công trình duy tu, sửa chữa, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết.
Kiến nghị biên chế, nâng cao hiệu quả phân cấp, ủy quyền
Theo ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, đối với thực hiện nhiệm vụ được phân cấp trong lĩnh vực môi trường đang gặp khó khăn về số lượng biên chế để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, hiện nay Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giao cho ngành môi trường một số nhiệm vụ mới, như cấp phép xả nước thải vào nguồn nước lồng ghép trong giấy phép môi trường; quản lý rác thải sinh hoạt; thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học… nên sẽ có một số vị trí việc làm mới và phải bố trí biên chế để thực hiện, đặc biệt có sự phân cấp mạnh về cho địa phương làm khối lượng công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, biên chế cho ngành môi trường ngày càng giảm, do đó với số lượng biên chế được giao như hiện nay thì đội ngũ công chức, viên chức đang gặp áp lực và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.
Ông Trịnh Đức Tài chia sẻ khối lượng các công việc sau khi sở được phân cấp, ủy quyền phải giải quyết tăng thêm, trong khi thiếu biên chế đã gây áp lực về nhân sự trong thực hiện nhiệm vụ, công tác này tại sở. Các địa phương cũng phản ánh về khó khăn, vướng mắc chung trong thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, như biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí; các địa phương phải tự cân đối kinh phí hoặc giao thêm nhiệm vụ cho cán bộ, công chức để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ.
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh quan tâm, đồng thuận và kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế công chức cho tỉnh để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và trình kỳ họp cuối năm 2024, HĐND tỉnh xem xét, thông qua để triển khai thực hiện…
ĐỖ TRỌNG - THANH TUYÊN