Đoàn Xúc tiến Thương mại (XTTM) quốc gia tới Nam Phi lần này bao gồm 40 thành viên, do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, UBND thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch Hà Nội. Với 22 doanh nghiệp (DN) đi cùng, đây là phái đoàn thương mại lớn nhất của Việt Nam đến Nam Phi từ trước đến nay.
Chương trình làm việc của đoàn tập trung tại 2 thành phố lớn của Nam Phi là Johannesburg và Capetown với hai hội thảo Kết nối Doanh nghiệp, tiếp xúc trực tiếp B2B ngày 24/6 và 27/6; trưng bày gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế khu vực Nam châu Phi SAITEX 2019 từ 22-25/6; làm việc với các cơ quan chính phủ và địa phương, hiệp hội ngành như: Bộ Công thương Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg, Phòng Thương mại và Công nghiệp Capetown, Cơ quan XTTM, Đầu tư và Du lịch thành phố Cape Town và tỉnh Western Cape (WESGRO); khảo sát thị trường và làm việc với các nhà nhập khẩu và hệ thống siêu thị, kênh phân phối của Nam Phi...
Hội thảo Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam – Nam Phi và tiếp xúc B2B trực tiếp.
Tiềm năng, dư địa mở
Phát biểu tại hội thảo “Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi” tại thành phố Johannesburg, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng cho biết, quan hệ song phương Việt Nam - Nam Phi đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trên mọi lĩnh vực: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.
Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại, thể hiện rõ trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 là số lượng các đoàn XTTM, DN Việt Nam sang Nam Phi tăng mạnh so với các năm trước đây, cho thấy triển vọng, tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục còn nhiều triển vọng phía trước.
Đại sứ Vũ Văn Dũng nhấn mạnh, xác định vai trò là cầu nối, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi luôn đánh giá việc thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM - Bộ Công thương, Trưởng đoàn XTTM lần này tới Nam Phi cho biết, mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi liên tục tăng trưởng trong những năm qua từ mức hơn 600 triệu USD năm 2010 lên hơn 1 tỷ USD năm 2018, nhưng tiềm năng của hai bên vẫn còn rất lớn, tận dụng lợi thế nhiều hơn của Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, một địa bàn cửa ngõ để các DN Việt có thể thâm nhập thị trường rộng lớn của cả lục địa 1,2 tỷ dân này.
Theo bà An, mục tiêu mà đoàn XTTM xác định rõ là giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các DN đang xuất khẩu sang khối thị trường Châu Phi, đặc biệt là thị trường Nam Phi; hỗ trợ DN đã thành công tại các thị trường khác thâm nhập thị trường Nam Phi, làm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam, phát triển các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng...
Cần Doanh nghiệp “kiên trì”, “quyết liệt”
22 DN tham gia đoàn lần này tập trung là các DN mạnh, có kinh nghiệm xuất khẩu, trong đó có những DN đã thành công tại thị trường châu Phi, bao gồm các DN thuộc các lĩnh vực: đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ; hàng may mặt, gạo, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, cà phê; cao su, vật liệu xây dựng mới, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, hàng kim khí, phụ tùng ô tô, xe máy... Các DN đến từ 5 tỉnh thành địa phương trên cả nước là TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Tháp.
Doanh nghiệp Nam Phi quan tâm sản phẩm Việt Nam.
Bà Lâm Lệ Chi, Giám đốc công ty Panoramas Commodity, đại diện cho ý kiến chung của các DN Việt Nam cho biết, trải qua hơn 1 tuần làm việc, tiếp xúc trực tiếp với khá nhiều khách hàng từ các công ty nhập khẩu, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối, các DN Việt Nam đã có cơ hội để nắm bắt, hiểu rõ hơn về thị trường, về thị hiếu khách hàng, các tiêu chuẩn quy đinh về hàng hóa, xác định các sản phẩm tiềm năng, thích hợp với thị trường châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng.
Tuy nhiên, để có thể thành công, theo kinh nghiệm của các DN đã có doanh thu tại châu Phi, DN Việt cần lưu ý một số đặc trưng của thị trường khu vực này như: khó khăn về địa lý, độ tin cậy trong các giao dịch thanh toán, cách thức thanh toán, xác minh năng lực khách hàng...và hơn hết là sự kiên trì , quyết liệt cần có đối với mỗi DN tìm đường xuất khẩu.
Trong cuộc gặp với Bộ Công thương Nam Phi ngày 25/6 tại thủ đô Pretoria, Trưởng đoàn XTTM Việt Nam Bùi Thị Thanh An đã đề nghị với ông Victor Mashabela, Vụ trưởng Vụ hợp tác song phương về việc tăng cường trao đổi các đoàn DN hai nước. Bà An đề nghị, song song với việc phía Việt Nam tổ chức các đoàn DN sang Nam Phi, phía Nam Phi cũng cần thúc đẩy các đoàn DN của Nam Phi đến tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Đề cập đến tầm quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bà Bùi Thị Thanh An và ông Victor Mashabela đều mong muốn hai bên có thể sớm nghiên cứu xây dựng FTA, nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Chương trình XTTMQG do Bộ Công thương chủ trì trong nhiều năm qua đã trở thành kênh phát triển thị trường hiệu quả cho DN Việt. Năm 2018, Cục XTTM, Bộ Công thương đã thực hiện 171 đề án với tổng kinh phí là 103 tỷ đồng, chương trình đã hỗ trợ khoảng gần 5.000 lượt DN tham gia. Tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD và trên 106 tỷ đồng. Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141 tỷ đồng; thu hút gần 1,5 triệu lượt khách tham quan; trong đó, có 100.000 lượt khách giao dịch thương mại.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thương mại với các thị trường đã phát triển, các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiếp cận, khai phá các thị trường mới, xa hơn như khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh… nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Huyền Sâm
Từ Johannesburg, Nam Phi