Ngày của bố!
Con gửi ngàn lời yêu thương tới bố. Cảm ơn cuộc đời đã cho con một người bố đáng kính! Bố là niềm tự hào,àycủaChaNhậtkýtràonướcmắtcủangườiconnămxaxứgửkeo toi nay là mẫu người đàn ông của con đặt ra khi biết đến cuộc sống gia đình. Con yêu bố nhiều lắm. Bố hãy sống vui sống khỏe, cùng tận hưởng niềm hạnh phúc bên con cháu và cuộc sống thời 4.0 bố nhé.
Sau 30 năm xa xứ, lần đầu tiên được gội đầu kỳ lưng cho bố, con thật sự thấy có lỗi. Cuộc sống của con bây giờ mới tạm gọi là bình yên thì tay bố đã run, mắt đã mờ dần và tai cũng khó nghe, tính lẩm cẩm bắt đầu theo bám bố mất rồi.
Nhưng có lẽ sẽ là không muộn để nói ra điều này: 'Con may mắn và hạnh phúc hơn các bạn, vẫn còn cơ hội nói với bố và bố cũng phải hạnh phúc nhé vì bố vẫn còn cơ hội được nghe các con của bố nói lời yêu thương'...
Tác giả của bài viết - chị Lips Phạm đang sống và làm việc tại Hà Lan. Trong hình, chị Lips Phạm chụp cùng con trai. Ảnh NVCC |
Bạn nhớ gì về bố mình lúc còn nhỏ? Tôi nhớ cái ôm hôn cọ râu của bố vào má; nhớ ra ngõ đứng chờ bố đi làm về; nhớ được bố bế ngồi vào sau xe đạp dắt đi dắt lại; nhớ bố giữ tập cho đi trên chiếc xe đạp nam của bố, tôi luồn chân qua khung, có hôm bị xích cắn rách ống quần ...
Tôi nhớ lúc học lớp 4, khi đi học về, tôi kể cho bố nghe có cô bạn cùng lớp, nhà bạn quá nghèo, không đủ quần áo ấm mùa đông mặc, trời lạnh, thâm môi. Bố đã tự bỏ tiền lương ra mua cho bạn cái áo bông xanh ka ki Trung Quốc giống của tôi và bảo tôi cầm tới lớp cho bạn.
Tôi nhớ bố chở đi bị kẹp gót chân vào bánh xe, bung cả mảng thịt. Tôi nhớ và mong chờ từng ngày bố đi công tác nơi vùng sâu vùng xa. Khi trở về, bố sẽ cầm một nắm xôi hay mấy con cá suối nướng, con gà rừng chân đen hay chùm dâu da, giỏ lan rừng người dân cho tặng …
Tôi cũng nhớ cái bóng dáng gầy mảnh khảnh áo trắng của bố mỗi khi bố đạp xe bên kia sườn đồi về nhà, đi qua con đường đê, 2 bên là những rặng xoan tím....
Tôi cũng nhớ thật nhiều một tuổi thơ chưa bao giờ nghe thấy bố phàn nàn la mắng hay đánh đòn…
Bây giờ, bố đã bước sang tuổi 85, cái tuổi ‘gần đất xa trời’, không biết số lần gặp bố sẽ là bao nhiêu nữa.
Bố mẹ chị Lips Phạm. Ảnh NVCC |
Cuối năm 2018, sau một mùa mưa gió, cơn hen suyễn đã hành bố, tưởng bố không qua khỏi, tôi gọi điện về và báo tin đã mua vé về thăm bố trong ngày Tết cổ truyền.
Bố nghe xong, mừng rỡ. Ngày nào bố cũng hỏi mẹ rằng, tôi sắp về chưa, còn mấy ngày nữa là Tết? Nghe đâu liều thuốc tinh thần này có hiệu lực nên sức khỏe bố khá hơn nhiều.
Tết về, tôi chụp cho bố vài tấm hình và khen bố trẻ đẹp hơn thanh niên chứ không giống ông cụ 85. Bố cười xòa. Được thể, bố kể lại cho tôi nghe về những ngày còn trẻ.
Ông bà nội ngày xưa đói, bệnh tật mất sớm. Để có tiền ăn, bố và các anh chị lúc đi làm thuê cho mấy nhà địa chủ, lúc đi làm hàng xay xát mướn để có chút cám mang về nấu cháo ăn cùng củ chuối qua ngày.
Năm 17 tuổi, bố khai thêm tuổi để xin nhập ngũ ra chiến trường, vào đội quân yểm trợ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Con đường ra chiến trận, bố bảo, đường khó đi. Đoàn quân phải đi qua các ngọn núi, rừng hiểm trở, mưa vắt ra bám đầy chân, rừng núi còn có chim sáo, voi, báo, khỉ...
Nhìn bố tóc bạc trắng, da đầy đồi mồi nhưng khi kể về những năm tháng xưa, bố hào hứng, nói to lắm. Mẹ tôi đang nấu cơm trong bếp còn phải nói vọng ra, ‘Ông nói cười gì to thế? Nói nhỏ thôi không lại phải thở oxy giờ’ ... Bố cười khà khà, chảy cả nước mắt.
Chị Lips Phạm (áo đen ngoài cùng bên trái) chụp cùng bố và gia đình trong dịp mừng thọ bố tuổi 85 Tết Nguyên đán 2019 vừa qua. Ảnh: NVCC |
Bố kể, sau 6 năm trong quân đội bố vẫn tập luyện và cùng giúp người dân ở Điện Biên ổn định lại cuộc sống sau chiến tranh. Tới năm 1960 bố chuyển ngành sang làm một anh thủ kho, bán hàng, luôn đi xã, vùng sâu vùng xa. Và rồi, công ty thương nghiệp (ở Điện Biên - nv) được thành lập, bố được ủy nhiệm lên phó, lên trưởng phòng, rồi lên chủ nhiệm.
Hơn 30 năm trên các nẻo đường vào dân bản đều có dấu chân bố. Nghỉ hưu, bố mới tạm biệt Điện Biên, trở về nơi sinh ra cùng họ hàng - tỉnh Hải Dương. Tròn 30 năm sau bố trở lại nơi trọn một thời tuổi trẻ.
Gặp lại những người dân cũ và con cháu họ. Mọi người và bố vẫn nhận, nhớ nhau như in. Thấy nhau họ chạy ùa ra ôm, cười, khóc. Nắm tay nhau thật chặt, khoác vai nhau vào nhà… Bố vui lắm, hạnh phúc lắm.
Điểm đến đầu tiên, bố đến nghĩa trang liệt sỹ thắp nén hương cho các đồng đội cũ. ‘Các anh ấy không có cơ hội trở về nơi chôn rau cắt rốn như bố con à’. Thương lắm. Rồi bố đi thăm lại các đồng nghiệp cũ, dân bản cũ. Nhưng hầu hết tuổi cùng lứa, đàn ông đã đi gần hết, chỉ còn lại các bà.
Nhưng sau đó, bố lại ngậm ngùi. Bố bảo, dân bản còn nhiều hộ nghèo lắm con à... Bố có chút tiền gọi là đồng quà tấm bánh vào gặp hộ nghèo thì tặng luôn.
Con biết bố có tiền lương hưu dư và thỉnh thoảng có quà bằng tiền của con cháu biếu không tiêu tới nên bố muốn được làm điều ý nghĩa.
Chúng con biết rồi, khi trở về quê, bố vẫn làm công tác xã hội và từ thiện mà. Bố cũng luôn động viên con cháu, những đứa thành đạt giúp gia tổ họ hàng, làng xóm và xã hội ...
‘Bố kể, con à, Điện Biên giờ thay đổi nhiều. Cũng có nhiều các con cháu của bạn bố thành đạt. Họ cũng làm được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội.
Nhân tiện bố lên, các anh chị đã tổ chức họp mặt cho những cựu cán bộ xưa. Gặp được nhiều người, bố vui mừng và xúc động lắm. Cảm ơn các anh chị ý. Món quà thật ý nghĩa cho lần cuối tạm biệt mảnh đất lịch sử yêu dấu này’...
Bố chị Lips Phạm trong chuyến thăm và tặng quà cho người dân nghèo ở Điện Biên. Ảnh: NVCC |
Hôm nay khi thấy đứa cháu ngoại của bố (con của con) đang tự tay làm quà cho Ngày của Cha 16/6, con chạnh lòng ra vườn ngồi một mình và nhớ tới bố thật nhiều. Nhớ cái ôm tay nắm chặt đi từng bước ra cổng tiễn con ngày con trở lại xứ sở hoa tulips Hà Lan. Tiếng gió nhẹ, tiếng lá xào xạc như lời thì thầm của bố bên tai còn đây: 'Con đi nhé, nhớ giữ gìn sức khoẻ và dạy các cháu tiếng Việt, gọi điện nói chuyện với ông nha con'.
Con cảm ơn những việc làm và lời tâm sự của của bố. Con ngưỡng mộ và học được ở bố rất nhiều điều hay trong cuộc sống. Và giờ đây bố cũng đang rất tự hào và hạnh phúc về con gái của bố phải không bố?
Con cảm ơn bố với những lá thư viết tay dài 4,5 tờ giấy phê-đúp hàng tuần, hàng tháng xưa, thời con mới xa quê hương, chính nó đã cho cho con một ý chí vững vàng. Tiếp sức cho con những khi con mỏi mệt ở xứ người.
Con luôn nhớ lời bố dặn, chỉ có chăm chỉ, thật chăm chỉ, lắng nghe, học hỏi, áp dụng và nắm bắt cơ hội, sống tiết kiệm, vị tha, cuộc đời mới mang lại cho ta những điều tốt đẹp.
Giờ con đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại, con có một gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan. Bố yên tâm nhé, bố ơi!
Father’s Day (Ngày của Cha) rơi vào ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu hàng năm. Vào ngày này, bạn có thể gửi đến cha những lời chúc bày tỏ tình yêu thương, kính trọng.