“Kình ngư” 21 tuổi gốc Hoa mang về cho Canada HCV 100m bơi bướm nữ đầu tiên
Maggie MacNeil (21 tuổi) hiện là sinh viên ĐH Michigan (Mỹ). Cô theo học ở ĐH Michigan và mong muốn tiếp tục theo đuổi ngành Luật hoặc Y khoa.
Mới đây,ủnhânhuychươngOlympichọcngànhgìởtrườngđạihọnhan dinh tran mu Maggie MacNeil đã đánh bại “kình ngư” nổi tiếng Zhang Yufei người Trung Quốc, giúp Canada lần đầu đoạt Huy chương Vàng nội dung 100m bơi bướm nữ.
“Kình ngư” 21 tuổi gốc Hoa giúp Canada đoạt Huy chương Vàng bơi lội
Sinh năm 2000 tại Giang Tây (Trung Quốc), nhưng Maggie MacNeil bị bố mẹ ruột bỏ rơi khi mới vài tháng tuổi. Một năm sau, cô và em gái được một cặp vợ chồng đến từ Canada nhận làm con nuôi.
Năm lên 2 tuổi, cô bé bắt đầu được bố mẹ nuôi cho làm quen với bơi lội. 8 tuổi, Maggie đã tham gia vào các cuộc thi bơi lội và liên tục giành chiến thắng. Tài năng bơi lội của Maggie bắt đầu được Liên đoàn thể thao Canada chú ý.
18 tuổi, Maggie McNeil trở thành ngôi sao sáng trong đội bơi của Trường ĐH Michigan (Mỹ), bên cạnh Siobhan Haughey, “kình ngư” đang thi đấu ở Olympic cho đội tuyển Hồng Kông. Ngay khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, Maggie đã giành Huy chương Vàng vô địch thế giới ở Gwangju (Hàn Quốc) cự ly 100m bơi bướm với thành tích 55 giây 83.
Sinh viên ĐH Thanh Hoa giành 2 Huy chương Vàng môn bắn súng
Cùng tuổi với Maggie McNeil, Yang Qian, vận động viên bắn súng sinh ra ở Chiết Giang, Trung Quốc cũng là cái tên đi vào lịch sử Thế vận hội. Cô gái sinh năm 2000, với sự tập trung và bản lĩnh, đã giành được điểm cao nhất, phá cả kỷ lục Olympic ở nội dung 10 m súng trường hơi đơn nữ.
Yang Qian giúp Trung Quốc đoạt Huy chương Vàng môn bắn súng
Yang Qian đã sớm bộc lộ niềm đam mê với môn bắn súng và tham gia trường thể thao Ninh Ba ngay từ khi lên lớp 4. Ngoài tài năng bắn súng, cô còn học rất giỏi. Năm 2018, Yang Qian trở thành sinh viên khoa Kinh tế và Quản trị của Trường ĐH Thanh Hoa – ngôi trường danh tiếng nhất Trung Quốc và cũng là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Tại đây, Yang Qian vừa học vừa luyện tập môn bắn súng.
“Điều gây ấn tượng ở Yang Qian là cô ấy rất bình tĩnh, không bao giờ tỏ ra kém tập trung hay vội vàng. Còn ít tuổi nhưng Yang luôn chú trọng đến chất lượng, hiệu quả trong công việc. Tâm lý của cô ấy gần như không bị tác động bởi ngoại cảnh. Tất cả yếu tố trên giúp tạo nên một nhà vô địch bắn súng”, huấn luyện viên Yu Linhua nói về học trò.
Tại Tokyo, Yang Qian đã giành Huy chương Vàng với số điểm kỷ lục 251,8 điểm.
Ngoài ra, Yang Qian còn cùng đồng đội của mình là Yang Haoran đã đánh bại đội tuyển Mỹ với tỷ số 17-13 trong trận chung kết nội dung 10m súng trường hơi đồng đội hỗn hợp để mang về tấm Huy chương Vàng thứ 9 cho Trung Quốc.
Cựu sinh viên Harvard đầu tiên đoạt huy chương trên đường chạy Olympic
Gabby Thomas được kỳ vọng sẽ giành tấm Huy chương Vàng điền kinh tại Tokyo. Cô gái sinh năm 1996 là cựu sinh viên ĐH Harvard.
Mẹ của Gabby Thomas – TS. Jennifer Randall đã sớm nhận ra năng khiếu thể thao của con và khích lệ Gabby Thomas đi theo con đường này. Nhờ vậy, trong quãng thời gian theo học tại Harvard, Gabby Thomas đã gặt hái được nhiều thành tích.
Hồi tháng 6, tại cuộc thi Olympic Hoa Kỳ, Thomas đã chạy đường đua 200m trong 21,61s, trở thành người chạy nhanh thứ 2 trong lịch sử của môn thể thao này, chỉ sau huyền thoại Florence Griffith Joyner - người đã lập kỷ lục thế giới chạy 200m vào năm 1988.
Tuy nhiên, tại Thế vận hội Olympic năm nay, đối thủ của Gabby Thomas đều là những người từng giành Huy chương Vàng Olympic. Gabby Thomas chỉ giành được tấm Huy chương Đồng khi về thứ 3 trong trận chung kết với thời gian 21,87s, xếp sau Thompson - Herah và Christine Mboma với thành tích lần lượt là 21,53s và 21,81s.
Gabby Thomas là cựu sinh viên Trường ĐH Harvard.
Tuy chưa đạt đến được giấc mơ Huy chương Vàng, nhưng Gabby Thomas đã trở thành sinh viên Harvard đầu tiên (đã tốt nghiệp) đoạt được huy chương tại đại hội thể thao lớn nhất toàn cầu.
Khi còn học tại Harvard, cô theo đuổi chuyên ngành Sinh học thần kinh và Sức khỏe toàn cầu.
“Người anh trai sinh đôi của tôi bị mắc chứng tăng động, còn em trai lại mắc chứng tự kỷ. Họ chính là lý do khiến tôi mong muốn tìm hiểu ngành học này tại Harvard”, Gabby Thomas nói.
Sau đó, Thomas tiếp tục theo học thạc sĩ về Dịch tễ học và Quản lý chăm sóc sức khỏe tại ĐH Texas.
Trường đại học đầu tư mạnh cho thể thao
Tại kỳ Olympic năm nay, nhiều vận động viên góp mặt tranh giải vô địch khi còn đang là sinh viên đại học.
Trường ĐH Lovely Professional đóng góp tới 11 tuyển thủ (tương ứng với 10% toàn đội hình) của Ấn Độ như đấu vật, khúc côn cầu, điền kinh,...
Còn tại ĐH Stanford danh tiếng của Mỹ, có tới 31 sinh viên và cựu sinh viên tham gia thi đấu ở các môn như bơi lội, chèo thuyền, thể dục dụng cụ, bóng đá, đấu kiếm,...
Kể từ năm 1912, trường đại học này đã mang về cho Mỹ ít nhất một Huy chương Vàng ở mỗi kỳ Thế vận hội. Riêng năm 2016, trường đã đạt kỷ lục khi mang về 27 huy chương cho Mỹ.
Trường tập bắn súng của ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc. Nguồn: Fanpage Tsinghua University
Ở đại học số 1 Trung Quốc - ĐH Thanh Hoa, mỗi chiều thứ Ba và thứ Tư, tiếng nổ lại vang lên xung quanh tầng hầm của nhà thi đấu khi sinh viên thực hành các bài tập cơ bản về bắn súng hơi.
Các buổi học kéo dài 45 phút là một phần trong các khóa học tùy chọn của trường dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp và rất được yêu thích. 40 suất học trong chương trình 16 tuần thường được chốt trong vòng vài giờ sau khi mở đơn ở mỗi học kỳ.
Kể từ khi thành lập vào tháng 10 năm 1999, theo thông tin trên Chinadaily, Đội Bắn súng Thanh Hoa đã đào tạo hơn 300 nhà vô địch ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Hiện nay, 26 vận động viên trong đội bắn súng hầu hết theo học ngành Quản trị Kinh doanh. Ngoài học tập và thi đấu, họ còn giúp sinh viên có trải nghiệm được đào tạo bởi các vận động viên hàng đầu thế giới.
Một Phó Hiệu trưởng của trường từng cho rằng: “Thành tích xuất sắc của Thanh Hoa tại trường bắn đã xứng đáng với uy tín học thuật của trường ở trong và ngoài nước. Nỗ lực tiên phong trong việc phát triển các tài năng thể thao cấp độ ưu tú trong trường đại học nhằm đa dạng hóa hệ thống đào tạo nhân tài do Nhà nước quản lý có ý nghĩa lớn hơn việc giành được huy chương".
Theo truyền thống trước đây, các vận động viên ưu tú ở Trung Quốc được phát hiện ngay từ khi còn nhỏ và được đào tạo bởi hệ thống riêng, cách biệt với các trường học bình thường. Vì vậy, nhiều tài năng trẻ đã từng từ bỏ việc theo đuổi sự nghiệp thể thao nghiêm túc để tập trung vào các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh đại học.
Thời Vũ(SCMP, AFP, Time, Chinadaily)
Kim Je Deok, vận động viên đến từ Hàn Quốc, vừa xuất sắc giành Huy chương Vàng môn Bắn cung tại Olympic Tokyo 2020. Nhưng ít ai ngờ, hiện Kim Je Deok mới chỉ 17 tuổi, đang là học sinh lớp 12.