BáoNikkei Asiacủa Nhật Bản ngày 25/11 đưa tin, Ấn Độ sẽ sớm thu thuế chống ùn tắc giao thông tại 13 khu trung tâm ở vùng New Delhi. Theo đó, các phương tiện giao thông đi vào khu vực trung tâm này trong các khung giờ cao điểm 8h-10h sáng và 17h30-19h30 sẽ bị tính phí.
Thành phố Bengaluru ở miền Nam Ấn Độ cũng đang xem xét triển khai chương trình tương tự.
Chính phủ Thái Lan gần đây cũng vạch ra kế hoạch thu phí 40 đến 50 baht (1,16 đến 1,45 USD) một ngày đối với các phương tiện chạy qua trung tâm Bangkok. Chi tiết chính sách, bao gồm khu vực trong diện áp dụng cũng như việc thu phí sẽ được thông qua vào năm 2025.
Lưu lượng giao thông hàng ngày ở trung tâm Bangkok đạt khoảng 700.000 xe/ngày. Theo ước tính, thuế tắc nghẽn sẽ mang lại nguồn thu hàng năm khoảng 10 tỷ baht và chính quyền địa phương có thể sử dụng nguồn ngân sách này để hỗ trợ giá vé tàu.
Tắc nghẽn giao thông đã trở thành một vấn đề xã hội ở châu Á. Khi mọi người chuyển đến các thành phố có nền kinh tế phát triển, đường sắt và cơ sở hạ tầng vận chuyển khác không theo kịp tốc độ. Tình trạng tắc nghẽn kinh niên cũng gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, ngành vận tải chiếm 13% lượng khí thải CO2 của châu Á trong năm 2018.
Thái Lan đã cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon và đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc sử dụng xe điện tại các nước này vẫn ít hơn so với ở châu Âu. Chương trình thu phí chống tắc nghẽn là một phần trong nỗ lực giảm bớt việc sử dụng ô tô chạy bằng xăng thực hiện song song với các chương trình nhằm thúc đẩy sự phổ biến của xe điện.
Ở châu Âu, việc thu phí tắc nghẽn gắn liền với nỗ lực thúc đẩy xe điện và quá trình khử cacbon trong một số trường hợp.
Ví dụ, London đã mở rộng vùng phát thải siêu thấp cho toàn bộ thành phố kể từ tháng 8/2023, với những phương tiện không tuân thủ sẽ bị tính phí hàng ngày tách biệt với phí tắc nghẽn.
New York thu phí chống tắc nghẽn từ tháng 1/2025
Trên thế giới, một số thành phố lớn đã bắt đầu áp dụng chương trình thu phí chống tắc nghẽn. Cơ quan giao thông vận tải London cho biết lưu lượng giao thông trong tuần trong khu vực thu phí tắc nghẽn thấp hơn 18% so với trước khi chương trình được triển khai vào năm 2003.
Nối gót London (Anh), Stockholm (Thụy Điển) và Singapore, chính quyền New York, Mỹ mới đây cũng công bố chính sách mới nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông ở trung tâm.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang Mỹ đầu tháng này đã đưa ra phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất thu phí chống tắc nghẽn của New York.
Theo đó, hầu hết tài xế các phương tiện khi đi vào trung tâm Manhattan sẽ phải trả phí 9 USD. Xe tải và xe buýt sẽ phải trả mức phí cao hơn, nhưng sẽ được giảm phí khi di chuyển vào giờ thấp điểm.
Chính sách bắt đầu áp dụng từ ngày 5/1/2025. Mức phí sẽ tăng lên 12 USD sau 3 năm và sau đó lên 15 USD vào năm 2031.
Mục tiêu trọng tâm của chương trình là huy động 15 tỷ USD tài trợ cho Cơ quan Giao thông Đô thị để chi trả cho việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông của thành phố.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết, chương trình cũng sẽ giúp giảm tắc nghẽn, cắt giảm khí thải và cải thiện môi trường sống.
New York sẽ là thành phố tiên phong ở Mỹ áp dụng biện pháp thu phí nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí nội đô. Tuy nhiên, kế hoạch thu phí này của New York vẫn có nguy cơ bị hủy bỏ do đối mặt với một loạt vụ kiện.
Kendra Hems, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đường bộ New York, nói rằng kế hoạch thu phí chống tắc nghẽn bất lợi cho nền kinh tế, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng giá hàng hóa. "Hiệp hội Vận tải Đường bộ New York sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ có sẵn để chống lại kế hoạch này", ông tuyên bố.
Một cuộc khảo sát của Siena College được thực hiện vào tháng 4 cho thấy khoảng 2/3 cư dân bang New York phản đối chương trình này.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng phản đối kế hoạch thu phí, nói rằng chi phí tăng có thể khiến khách du lịch rời xa Manhattan và gây tổn hại cho doanh nghiệp. Ông cam kết sẽ hủy bỏ kế hoạch này ngay những ngày đầu khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới mặc dù các lựa chọn của ông hiện bị hạn chế vì chính phủ liên bang đã phê duyệt.
Vào những năm 1950, ý tưởng thu phí tắc nghẽn lần đầu tiên được đưa ra tại New York bởi nhà kinh tế William Vickrey của Đại học Columbia nhằm hạn chế tình trạng tắc đường. Giới chức trách khi đó vẫn coi đây là ý tưởng khó khả thi bởi vì có những người đi làm không có lựa chọn nào khác ngoài lái xe vào trung tâm Manhattan.
Trên thế giới, một số thành phố bắt đầu áp dụng chương trình thu phí này. Ban đầu, người dân cũng tỏ ra không mặn mà với chính sách mới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người thừa nhận chương trình này có hiệu quả trong việc giảm tắc nghẽn phương tiện và cắt giảm ô nhiễm đồng thời gây quỹ cho ngân sách công.
Theo các chuyên gia, kết quả chương trình thu phí của New York sẽ là hình mẫu cho các thành phố khác ở Mỹ.
"Mặc dù giai đoạn điều chỉnh là không thể tránh khỏi, nhưng lợi ích lâu dài đối với khả năng di chuyển trong đô thị, chất lượng không khí và khả năng phục hồi khí hậu là rất đáng kể và sẽ được các thế hệ hiện tại và tương lai đón nhận", Jimena González-Ramírez, giáo sư chuyên về kinh tế môi trường tại Đại học Manhattan, bình luận.
Theo Nikkei Asia, New York Times