Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội,Đạihộiđảngbộcáccấköln đấu với freiburg nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp bộ đảng, là gạch nối quan trọng giữa hai nhiệm kỳ. Thành công của đại hội thể hiện năng lực, sự đoàn kết của cấp ủy, sự lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước, là bước khởi động quan trọng, tạo động lực cho nhiệm kỳ mới. Mỗi kỳ đại hội lại đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy để tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ mới.
Bài 1: Chất lượng văn kiện và tư duy phát triển
Một trong những công việc hết sức quan trọng ở mỗi kỳ đại hội đảng là xây dựng văn kiện đại hội. Trong đó, báo cáo chính trị (BCCT) được coi là văn kiện trung tâm. Đó là sự tổng kết, đúc rút kết quả, kinh nghiệm, bài học thực tiễn, đồng thời thể hiện tầm nhìn của cấp ủy, khả năng định hướng cho tiến trình phát triển của địa phương, đơn vị. Qua một số đại hội đảng bộ đã diễn ra cho thấy, hầu hết BCCT được các cấp ủy đầu tư có chiều sâu, bám sát thực tiễn và chỉ đạo của cấp trên, đề ra những mục tiêu khả thi, sẵn sàng tâm thế bước vào hành trình mới.
Bài học từ thực tiễn
Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu, BCCT của đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên tất cả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là lĩnh vực xây dựng Đảng. BCCT là phần đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp gắn với tình hình thực tế địa phương, đơn vị. Ở đó không chỉ là tổng kết các mô hình hay, cách làm sáng tạo, được chắt lọc, khái quát và bổ sung lý luận, mà còn là vấn đề thực tiễn đặt ra cần được giải quyết.
Huyện Quế Võ (Bắc Ninh) từng trải qua giai đoạn khó khăn khi trên địa bàn diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản và công tác cán bộ... Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng tự phê bình và phê bình, thiếu đoàn kết, thống nhất, dẫn đến tập thể Ban Thường vụ cùng nhiều cán bộ cơ sở bị kỷ luật. Để ổn định tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã quyết định điều động nhân sự, củng cố cấp ủy song song với sự chỉ đạo quyết liệt giải quyết tình hình. Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, Huyện ủy Quế Võ tập trung khắc phục sự cố, tạo dựng lại niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đơn vị yếu kém (nhiệm kỳ 2010 - 2015), năm 2019, Đảng bộ huyện Quế Võ trở thành một trong hai đảng bộ được Tỉnh ủy tặng Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung cho biết, bài học của Quế Võ đã trở thành bài học sâu sắc chung trong Đảng bộ tỉnh về công tác xây dựng Đảng, góp phần đúc kết kinh nghiệm về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo phương châm hướng về cơ sở. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp đối với cơ sở. Trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, bài học này tiếp tục được thảo luận để hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ tới.
Một trong ba bài học kinh nghiệm được Đảng bộ huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đúc kết trong nhiệm kỳ qua, đó là xác định đúng ba nhiệm vụ trọng tâm phù hợp điều kiện của địa phương. Ba nhiệm vụ đó là phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Trong BCCT trình Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua, Huyện ủy đã tổng kết và nêu bật hiệu quả thực tế của ba nhiệm vụ trọng tâm này. Theo Huyện ủy Hồng Dân, góp phần tạo bứt phá cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hiệu quả từ thực hiện hai nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng khuyến khích hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, từng bước chuyển đổi từ coi trọng sản lượng sang chất lượng; từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp sản xuất hàng hóa, hợp tác theo chuỗi giá trị. Giao thông nông thôn, đường sá, cầu cống được xây dựng đã thay đổi thói quen và phương tiện đi lại, xe gắn máy dần thay thế thuyền, đò ở vùng sông nước này. Nông thôn mới vì thế mà về đích sớm hơn hạn định. Cuối năm 2019, huyện trở thành địa phương thứ hai trong tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tế ở Hồng Dân góp phần làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu về lựa chọn một trong năm trụ cột phát triển kinh tế là nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung thực tế để Tỉnh ủy có những đánh giá toàn diện, tiếp tục định hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Tại Đảng bộ Quân đội, Đoàn công tác của Quân ủy T.Ư do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát, kiểm tra và nắm tình hình công tác chuẩn bị trước khi diễn ra đại hội đối với Đảng bộ Tổng cục Hậu cần. Kết quả kiểm tra, về dự thảo văn kiện đại hội, cùng với bám sát chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, đơn vị đã căn cứ vào thực tế nhiệm vụ đơn vị để có những đánh giá đúng và sát kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời xác định rõ nội dung trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm phù hợp thực tế, có tính khả thi cao, làm cơ sở đề xuất với Quân ủy T.Ư những chủ trương, giải pháp hiệu quả trong lãnh đạo xây dựng quân đội nhiệm kỳ mới.
Việc chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp của Đảng ủy Công an T.Ư cũng được đánh giá cao. Dự thảo văn kiện của các đảng bộ đặt trọng tâm vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, siết chặt kỷ cương, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tầm nhìn và tính đột phá
Quá trình xây dựng dự thảo BCCT cần dự báo đúng tình hình tác động tới sự phát triển của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, định hướng, xác định khâu đột phá, cân đối mục tiêu phát triển. Những giải pháp, mục tiêu được nêu trong BCCT phải thể hiện tầm nhìn, vừa có tính cơ bản trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, đơn vị, đồng thời là sự quán triệt quan điểm, chỉ đạo của các cấp ủy cấp trên. Bởi thế, dự thảo BCCT chính là sự tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, là nhiệm vụ không thể lơ là trong mỗi kỳ đại hội.
Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 vừa kết thúc thành công. Là đảng bộ lớn, quản lý 68 tổ chức đảng, gần 9.000 đảng viên công tác tại các cơ quan đầu não của thành phố, Đảng bộ khối đã xác định hai khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới, trong đó đạo đức công vụ với tinh thần đổi mới, sáng tạo và chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp tục được đề cao. Theo Bí thư Đảng ủy khối Nguyễn Doãn Hoàn, đây là sự kế thừa và phát huy thành tựu, kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, với kỳ vọng và quyết tâm ở mức cao hơn trong điều kiện mới.
Một trong những nguyên nhân thành công của Đại hội Đảng bộ TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) là phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong thảo luận các văn kiện đại hội để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong những năm tiếp theo. Dự thảo văn kiện bảo đảm huy động sự tham gia trí tuệ của cộng đồng xã hội. Đại biểu An Viết Lâm, đại biểu cao tuổi Đảng nhất tham dự đại hội (52 tuổi Đảng) phấn khởi bày tỏ rằng, các ý kiến tham luận đã đi thẳng vào những vấn đề đông đảo nhân dân quan tâm như định hướng phát triển nông nghiệp an toàn, sạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị…
Các đoàn công tác của Trung ương khi tiến hành chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương và rút kinh nghiệm qua việc tổ chức đại hội cấp cơ sở và đại hội điểm cấp trên cơ sở đã tổng hợp nhiều vấn đề có giá trị trong chỉ đạo. Từ đó, Ban Tổ chức T.Ư có công văn đề nghị các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các văn kiện và tổ chức thật tốt phiên thảo luận tại đại hội; yêu cầu đánh giá nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải kết hợp chặt chẽ việc đánh giá thực hiện nghị quyết của đảng bộ với sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược mà Đại hội XII của Đảng đã xác định.
Sự đổi mới được ghi nhận
Điểm mới trong đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là Chương trình hành động (CTHĐ) được tiến hành thảo luận và thông qua ngay tại đại hội. Do vậy, việc lựa chọn khâu đột phá trúng, đúng là tiền đề để xây dựng và ban hành nghị quyết, CTHĐ và các nhóm giải pháp hiệu quả.
Trước đây, việc xây dựng CTHĐ do Ban Chấp hành (BCH) khóa mới thực hiện sau đại hội, tại nhiệm kỳ này đây là việc của BCH khóa cũ. Trong chỉ đạo của Huyện ủy Bạch Thông (Bắc Kạn), cấp cơ sở phải xác định xây dựng CTHÐ là văn kiện chính thức. Từ trước khi tổ chức đại hội cấp cơ sở, dự thảo CTHÐ của Ðảng bộ huyện đã hoàn thành, đưa xuống cơ sở lấy ý kiến, đồng thời cấp cơ sở bám vào nội dung đó để cụ thể hóa vào dự thảo CTHÐ của mình, đưa ra đại hội thảo luận, thông qua. Tính sáng tạo của Huyện ủy Bạch Thông thể hiện trong việc xây dựng đồng thời các chương trình, đề án cụ thể hóa dự thảo CTHÐ. Đó là, sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất nội dung dự thảo CTHÐ, giao các thành viên Ban Thường vụ, cơ quan chuyên môn lựa chọn các vấn đề theo dự thảo, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch. Mặc dù các chương trình, kế hoạch, đề án này không đưa ra thảo luận tại đại hội nhưng đã được lấy ý kiến từ trước, do vậy hoàn toàn sát với CTHÐ được đại hội thông qua. Bí thư Huyện ủy Ðồng Văn Lưu nhìn nhận, việc thảo luận, góp ý tại đại hội với 350 đại biểu sẽ tập trung được nhiều trí tuệ, kinh nghiệm hơn là chỉ có 35 ủy viên BCH khóa mới thảo luận. Hoàn thành đại hội, BCH khóa mới triển khai ngay được chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Về chủ trương này, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Thành ủy đã quán triệt đầy đủ đến tận chi bộ cơ sở; đặc biệt là lưu ý cấp trên cơ sở những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng văn kiện. Riêng Hà Nội, có Chương trình 20 là chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố. Những nội dung, kết quả của chương trình này là từng sản phẩm rất cụ thể để các tổ chức đảng nghiên cứu đánh giá tình hình nhiệm kỳ 5 năm qua, tổng kết bài học kinh nghiệm và định hướng trong nhiệm kỳ mới. Đó cũng là một trong những “đòn bẩy” nâng cao chất lượng văn kiện, bảo đảm sát thực tiễn và khả thi. Việc xây dựng CTHĐ trước, trong đại hội là một chủ trương đúng đắn của Trung ương. Cách làm này buộc các cấp ủy và đại hội tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề lớn theo nguyên tắc rõ việc, thời gian làm, ai làm, làm như thế nào. Như vậy, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Một số ý kiến cho rằng, khi đưa ra chỉ tiêu nhiệm kỳ thường phải đề xuất mức cao hơn nhiệm kỳ trước nhằm kích thích sự phấn đấu phát triển. Theo Bí thư Thành ủy Hải Dương (tỉnh Hải Dương) Lê Đình Long, cần ghi nhận nguyện vọng xác đáng, tuy nhiên, mỗi một chỉ tiêu đưa ra đều được tập thể cấp ủy thành phố tổ chức thảo luận, đánh giá trên cơ sở thực tiễn của đảng bộ để phân tích, lựa chọn sao cho tạo được động lực, phản ánh đúng bản chất, có tính khích lệ và khả thi, phù hợp điều kiện thực tế, không chạy theo thành tích ảo.
Trong thảo luận, tham luận tại đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà nêu kinh nghiệm: Việc định hướng trước về cơ cấu, nội dung và phân công tham luận là cần thiết nhưng cũng cần tạo ra diễn đàn thật sự dân chủ, phát huy tối đa trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu. Bên cạnh những tham luận được chuẩn bị sẵn, cần dẫn dắt tốt phần thảo luận trực tiếp tại đại hội, khắc phục tình trạng thảo luận một chiều hoặc kể lể thành tích.
Thực tiễn đại hội cấp cơ sở và đại hội cấp trên cơ sở của nhiều tỉnh, thành phố đã diễn ra cho thấy công tác chuẩn bị văn kiện đại hội cơ bản bám sát yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của cấp ủy địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều đại hội, vẫn lặp lại một số hạn chế đã được chỉ ra từ các nhiệm kỳ trước nhưng chậm khắc phục như: Bố cục của BCCT chưa bảo đảm cân đối giữa các phần, nội dung còn dàn trải, chưa tập trung vấn đề trọng tâm, trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ; nội dung xây dựng Đảng chưa thỏa đáng. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy còn nặng về thực hiện nhiệm vụ chính trị, lặp lại nội dung BCCT. Bố cục dự thảo CTHĐ chưa hợp lý, còn trùng lặp với phương hướng nhiệm vụ trong BCCT. Nội dung thảo luận CTHĐ tại đại hội còn sơ sài, chưa chất lượng. Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của Trung ương, của cấp trên trực tiếp ở một số đại hội chưa cụ thể, sâu sắc...
(Còn nữa)
TheoNDĐT