Tổng Bí thư,áocáotómtắttổngkếtcôngtácnhiệmkỳsoi kèo mu vs wolverhampton Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 24/3, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo.
Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước
Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ tịch nước trân trọng báo cáo Quốc hội công tác nhiệm kỳ 2016-2021 như sau:
Nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lụt liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Phần thứ nhất: Kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021
I. Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
II. Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động đối nội
1.Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Chỉ đạo sát sao việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; chỉ đạo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước để báo cáo Quốc hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
2.Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực hành pháp
Qua thực tiễn các chuyến công tác cơ sở, thăm, làm việc với các ban, bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương; định hướng, trao đổi, tham gia ý kiến với Chính phủ và các địa phương về việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và những vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm.
Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền; trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến biên giới quốc gia, hợp tác thương mại, đầu tư... được tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua.
Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, phối hợp chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước và việc thực hiện chính sách khen thưởng trong cả nước; quyết định tặng thưởng: 343.718 Huân, Huy chương; 25.146 danh hiệu vinh dự Nhà nước, trong đó phong tặng 314 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 84 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.[1]
3.Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực tư pháp
Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Đôn đốc các ban, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra trong Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng.
Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
4. Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia...), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
5. Về công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Nêu cao tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đã dự, phát biểu tại nhiều Lễ kỷ niệm lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong các chuyến công tác địa phương, cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; thăm và tặng quà các cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đồng bào các dân tộc thiểu số; tặng học bổng cho học sinh nghèo...
Qua kiểm tra, tìm hiểu thực tiễn, Chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; góp ý, gợi mở nhiều vấn đề với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
III. Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động đối ngoại
Trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 của Việt Nam, Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước, để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã có các hoạt động đối ngoại chủ động và phù hợp như: phát biểu ghi hình trực tuyến tại một số hội nghị quốc tế quan trọng, điện đàm với lãnh đạo một số nước lớn, láng giềng, một số nước có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước ta với các nước, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Về hoạt động của Phó Chủ tịch nước
Thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật và theo sự phân công của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, góp phần quan trọng vào kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước đã giúp Chủ tịch nước trong việc bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Phó Chủ tịch nước đã chủ trì nhiều phiên họp thường kỳ, đột xuất của Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X thành công tốt đẹp, được nhân dân đánh giá cao.
Phó Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp quan trọng và nổi bật trong công tác xã hội; vận động quyên góp, ủng hộ, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nơi biên giới, hải đảo, người nghèo, người có công...
Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch nước đã chỉ đạo, huy động lớn nhiều nguồn lực, các nhà hảo tâm tham gia công tác trẻ em, mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả và chất lượng hoạt động của Quỹ, góp phần quan trọng để Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam năm 2020 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Phó Chủ tịch nước đã thực hiện tốt chương trình công tác đối nội và đối ngoại, góp phần tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường hợp tác quốc tế.
Phó Chủ tịch nước đã đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ trong thời gian giữ Quyền Chủ tịch nước và các nhiệm vụ được Chủ tịch nước ủy nhiệm trong những năm gần đây.
Phần thứ hai: Đánh giá chung, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
I. Đánh giá chung
1. Ưu điểm
Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân; trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
2. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế như: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
II. Nguyên nhân
1. Nguyên nhân của kết quả đạt được
- Bên cạnh sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của bản thân, Chủ tịch nước đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và cử tri trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức và hoạt động, tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, đổi mới quy trình xử lý công việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, phục vụ hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước.
2. Nguyên nhân của hạn chế
- Trong lĩnh vực cải cách tư pháp, một số quy định của pháp luật hiện hành còn chưa thống nhất và đồng bộ; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp hiệu quả chưa cao.
- Trong việc Chủ tịch nước quyết định ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền và quản lý trong quá trình triển khai, thực hiện cũng như trong đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
III. Bài học kinh nghiệm
Từ những kết quả đã đạt được cùng những hạn chế và nguyên nhân trong nhiệm kỳ vừa qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát nhiệm vụ được giao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, thực hiện tốt hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Ba là, luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc;" nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Bốn là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Năm là, tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao quan hệ đối ngoại, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
IV. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện các văn bản luật liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.
Ba là, tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng-an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Năm là, quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ban, bộ, ngành, địa phương và đồng bào, đồng chí, cử tri trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho./.
Theo TTXVN
[1]Số lượng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới giảm nhiều so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước đã phong tặng 1.086 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 101 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới).