- Chàng thanh niên Giàng Seo Châu đã quyết tâm theo đuổi con đường học tập,ủtịchxãvàcâuchuyệnchứngminhchobốđihọcratiềkeonhacai bongdatv phát triển kinh tế để rồi thay đổi suy nghĩ của bố rằng “chưa thấy ai đi học mà có tiền” bằng việc đưa lại thu nhập tiền tỷ cho bà con địa phương.
Quyết tâm theo con đường tri thức
Trở thành một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 là một vinh dự xứng đáng với Giàng Seo Châu (Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) khi là người đầu tiên đưa cây tam thất cho thu hoạch hoa, củ giá trị tiền tỷ về bản, giúp thay đổi cuộc sống hàng nghìn người dân khó khăn.
Anh Giàng Seo Châu, Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. |
Tự nhận mình là người không có tài năng gì đặc biệt, Châu chia sẻ nhờ sự nỗ lực, cố gắng học tập, anh đã vượt qua tất cả để có được vinh dự ngày hôm nay. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông nghèo có 6 anh chị em, thậm chí bố mẹ còn không biết chữ, mãi đến 10 tuổi Châu mới bắt đầu được đến trường. Xuất thân khó khăn, Châu hiểu rằng chỉ có học mới giúp bản thân mà gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Vì vậy quyết tâm vượt qua cả chục cây số đường rừng nhiều năm để tới lớp và nỗ lực trong học tập.
Những nỗ lực của Châu cũng được đền đáp khi anh nhận được cùng lúc hai giấy báo trúng tuyển vào ĐH Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2007.
Biết tin Châu đã vui mừng đến nỗi bật khóc. Thế nhưng, khi chia sẻ niềm vui với bố mẹ thì bố anh bảo: “Không có tiền mà đi học đâu con. Tao chỉ thấy người ta đi làm nương làm rẫy có tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà có tiền cả”.
Nghe bố nói vậy lúc đó, nước mắt chàng trai trẻ lại lăn dài trên má.
Bố không ủng hộ và chỉ thuyết phục được mẹ, song chàng trai trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi con đường tri thức. Thời điểm đó, anh quyết định lựa chọn trường nông nghiệp đơn giản với hy vọng có thể mang những kiến thức học được trong trường để áp dụng vào nghề nông.
Anh Giàng Seo Châu vận động bà con phát triển các mô hình nông nghiệp. |
Thuộc diện miễn học phí, nhưng để trang trải sinh hoạt, Châu tìm cách làm đủ mọi nghề từ rửa bát, bốc hàng thuê cho đến tỉa cây, chiết cành tại các trại cây giống. Vừa học vừa làm, mỗi tháng Châu cũng kiếm thêm được từ 300-400 nghìn đồng.
Tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội lúc đó với tấm bằng loại khá, Châu nhận được lời mời làm việc tại trường. Thế nhưng chàng trai trẻ khéo léo từ chối và tiếp tục sự nghiệp học hành khi quyết định theo học thạc sĩ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Nội vụ triển khai dự án Tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo, Giàng Seo Châu hăng hái tham gia và trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn từ năm 2012.
Chứng minh cho bố đi học ra tiền
Điều khiến người dân nhắc nhiều đến anh là người thành công trong việc đưa cây dược liệu tam thất về cho bà con nông dân phát triển kinh tế.
Giàng Seo Châu được bà con tín nhiệm bởi anh là một lãnh đạo gần dân, có uy tín, luôn hết lòng vì sự phát triển của vùng đất Si Ma Cai. |
“Học xong đại học mình nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp bà con nông dân còn khó khăn. Đặc biệt mình nghĩ càng phải cống hiến sức lực và trí tuệ cho quê hương, nơi mà mình sinh ra và lớn lên. Cây tam thất đã được biết đến từ lâu nhưng chưa được địa phương trồng và phát triển để mang lại thu nhập cho người dân. Nhận thấy mang lại giá trị cao nên mình đã quyết tâm vận động bà con trồng và phát triển kinh tế”.
Năm 2014, anh đưa cây tam thất về trồng tại xã Mản Thẩn, đây là loài cây hứa hẹn sẽ mang tới thu nhập hàng tỉ đồng từ việc sản xuất hoa và củ sau 3-4 năm. Anh cũng là người tạo ra mô hình trồng rau bắp cải, mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai phát triển tốt và được nhân rộng trong nhân dân…
Là người địa phương, hiểu được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của bà con nên anh bắt tay vào công việc rất nhanh và thuận lợi. Việc được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp, đúng với lĩnh vực theo học cũng giúp Châu phát huy các kiến thức và năng lực bản thân để giúp đỡ bà con trong sản xuất.
Xây dựng được nhiều mô hình điểm sáng tạo, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con như mô hình trồng bắp cải, su hào, nuôi bò và đề xuất làm các tuyến đường liên thôn giúp bà con đi lại thuận tiện, sau 3 năm, anh Châu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã Mản Thẩn.
Anh Giàng Seo Châu chia sẻ tại lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Thanh Hùng. |
Riêng năm 2016, Giàng Seo Châu đã chỉ đạo nhân dân thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lúa, ngô, đao giềng, gừng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1,2 nghìn tấn, tăng 91 tấn so với cùng kỳ năm 2015.
Giàng Seo Châu không chỉ là là nhân tố giúp sản lượng lương thực bình quân đầu người địa phương/năm là 614 kg (tăng 47 kg so với 2015) mà còn tổ chức thực hiện trồng rau tăng vụ được 20 ha rau các loại, xây dựng được hai mô hình trồng cây tam thất với diện tích 4.2 ha... Từ đó nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác lên 34.5 triệu đồng và đẩy thu nhập bình quân đầu người lên mức hơn 22 triệu đồng.
Không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ, Giàng Seo Châu hiện là thạc sĩ đầu tiên ở Si Ma Cai, là lãnh đạo gần dân, có uy tín, luôn hết lòng vì sự phát triển của vùng đất Si Ma Cai.
Điều khiến Giàng Seo Châu vui hơn cả có lẽ không chỉ chứng minh được cho cha anh mà còn thay đổi nhận thức của bà con nơi đây rằng việc áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn hoàn toàn có thể kiếm ra tiền, nâng cao đời sống.
Anh Giàng Seo Châu cùng vợ của mình. |
Châu cho biết anh đang ấp ủ rất nhiều những dự định để làm giàu cho bà con, nhưng điều anh muốn tập trung tối đa trong năm nay là tiếp tục làm các con đường bê tông cho địa phương.
Để thay đổi nhận thức của người già ở vùng cao rất khó nên hiện Châu cùng mọi người đã và đang hướng đầu tư tập trung tuyên truyền từ các bạn trẻ rằng có học thì mới có thể phát triển. “Nếu chúng ta còn mang tư tưởng ở nhà làm nương làm rẫy thì cuộc sống sẽ khó thay đổi”, Châu nói.
Thanh Hùng