Bài 1: Cảm xúc tháng tư
Bài 2: Đi lên từ gian khó
Bài 3: Kỳ tích Bình Dương
Những thành tựu tự hào
25 năm kể từ ngày bước vào quá trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện, trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trong điểm phía Nam và cả nước.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, 25 năm qua, tỉnh đã không ngừng nỗ lực phát huy những lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng, lao động; nắm bắt và tận dụng hiệu quả chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn 2 thập niên nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, Bình Dương đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển KT-XH nhanh của cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của Bình Dương thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà khoa học nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” do Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây, TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng Bình Dương hiện nay đã hình thành cơ cấu kinh tế của một tỉnh công nghiệp. “Sau 25 năm tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đãđạt được những thành tựu KT-XH rất ấn tượng. Với diện tích không lớn và khởi đầu là một địa bàn “không có tên tuổi” trên bản đồ kinh tế của cả nước cũng như khu vực phía Nam, nhưng đến nay Bình Dương đã là địa phương có GRDP/người thuộc hàng cao nhất nước (năm 2021 đạt 152 triệu đồng/người) và cũng là địa bàn có sức hút lao động mạnh mẽ từ nhiều địa phương trong cả nước. Sức hấp dẫn lao động của Bình Dương đến mức “ai cần việc làm thì rủ nhau đi Bình Dương”. Đây là chỉ báo quan trọng của một địa phương đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, có thể khẳng định Bình Dương là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Bên cạnh các DN trong nước, Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Số DN FDI đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội). Trong cơ cấu GRDP, khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 68%; thương mại - dịch vụ 21,3% và nông nghiệp chỉ khoảng 3%. Nếu xét về cơ cấu giá trị trong cơ cấu kinh tế, Bình Dương đang là tỉnh công nghiệp...”, TS.Trần Du Lịch phân tích.
Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích khá toàn diện. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 9,35%, thuộc nhóm tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, giảm loại hình công nghiệp thâm dụng lao động phổ thông, tăng ứng dụng khoa học công nghệ. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Phát triển sản xuất công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, ưu tiên công nghiệp chế tạo...
Bảo đảm an sinh xã hội
Nhờ kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nên Bình Dương đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng trong phát triển KT-XH. Cũng tại Hội thảo khoa học: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khi phát biểu tham luận đã rất ấn tượng trước sự phát triển ngoạn mục của tỉnh. PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng từ một tỉnh nghèo, Bình Dương đã tiến kịp và đang vượt các địa phương đi trước, thậm chí đi đầu cả nước, tại nhiều phương diện chủ yếu. “Lúc đầu, quy mô kinh tế Bình Dương chỉ đạt 3.919 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, quy mô kinh tế tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh giai đoạn 1997-2021 đạt 10,86%/năm; GRDP/đầu người vượt TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, vươn lên đứng thứ 3 cả nước. Tháng 2-2022, Bình Dương được vinh danh là 1 trong 21 cộng đồng có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) của năm 2022. Đây là lần thứ 4 Bình Dương lọt vào danh sách “Top Smart 21” của ICF (Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới). Những thành tích trên mang bóng dáng của một kỳtích phát triển. Và chỉ có thể giải thích nó bằng việc Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt...”, PGS-TS Thiên dẫn giải; đồng thời khẳng định, sự phát triển của Bình Dương trong thời gian qua là một kỳ tích: “Từ kỳ tích không quá to lớn hay thổi phồng mà đối với Bình Dương là rất xứng đáng. So với Hàn Quốc hay Singapore thì vẫn còn cố gắng nhiều nhưng so với trong nước thì Bình Dương đúng là kỳ tích”.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, sớm nhận thấy tầm quan trọng của đô thị hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng, tỉnh đã thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp: Xây dựng khu đô thị mới, hình thành khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ- đôthị, phát triển đô thị thông minh; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, vùng phát triển mới cho tỉnh trong cả trung và dài hạn.
Không chỉ quan tâm phát triển KT-XH và xây dựng đô thị thông minh, Bình Dương còn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thực hiện xuyên suốt các chủ trương về bảo đảm an sinh xã hội. Từ năm 2017, Bình Dương là tỉnh đầu tiên và duy nhất không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước 1 năm. Hầu hết các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được quan tâm, chăm lo và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Song song với công tác bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh còn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu phục vụ văn hóa, đời sống tinh thần của người dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp... Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng rà soát, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử tại địa phương gắn với phát triển du lịch.
25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã vươn vai trở thành một địa phương đi đầu trong phát triển KT-XH. Đây vừa là thành tựu đáng tự hào vừa là tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển, trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống giàu mạnh cho nhân dân.
Từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 25 năm qua, quy mô dân số tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng gấp 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm (gần 7.000 đô la Mỹ), được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.