Bộ GD-ĐT đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh,étchotấtcảhọcsinhtoànquốcnghỉhọchếttháti so ma cao sinh viên, học viện do dịch bệnh Covid-19. |
Công văn nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành và sẽ có hướng dẫn chi tiết các địa phương xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo.
TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ cho nghỉ học hết tháng 3
Hiện nay đã có một số địa phương chốt cho nghỉ học thêm 1 tuần hoặc nghỉ hết tháng 2.
Chiều 14/2, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký văn bản thông báo học sinh thành phố sẽ nghỉ cho đến ngày cuối cùng của tháng 2. UBND thành phố cũng sẽ tiếp tục báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cở sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nghỉ học đến hết tháng 3/2020. Cùng với đó, sẽ điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020 để hoàn tất chương trình.
Hà Nội: 3 Sở đề xuất nghỉ học là cần thiết
Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội chiều nay, lãnh đạo các huyện Sóc Sơn, quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng cho hay nhiều phụ huynh mong muốn UBND thành phố xem xét tiếp tục cho học sinh nghỉ học, đặc biệt với cấp mầm non và tiểu học.
Hà Nội tổ chức sát khuẩn tại Trường THCS Trưng Vương sáng 14/2. Ảnh: Thanh Tùng |
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Về việc các nhà trường bày tỏ lo lắng việc dạy bù trong thời gian nghỉ 2 tuần vừa qua, Sở sẽ xin ý kiến Bộ để có điều chỉnh nhằm đảm bảo khung thời gian năm học và kiến thức chương trình.
"Trong các ngày giữa tuần vừa qua, dư luận và đặc biệt cha mẹ học sinh phấn khởi đề xuất tiếp tục đi học, nhưng từ hôm qua 13/2, sau khi có thông tin về số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc tăng cao thì dư luận có chiều hướng mong muốn đề xuất cho con nghỉ học. Chúng tôi được thành phố giao cho công tác tham mưu, đã họp với Sở LĐ- TB&XH, Sở Y tế. Trước tình hình bệnh dịch, chúng tôi thấy việc đề xuất UBND TP cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần để tiếp tục thực hiện khử khuẩn là phù hợp", ông Dũng nói.
Sau buổi họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định cho học sinh Thủ đô nghỉ học đến ngày 23/2.
Đà Nẵng, Đồng Nai, Tuyên Quang: Quyết đi quyết lại
Không ngoài dự đoán, tỉnh Vĩnh Phúc sáng nay đã ra quyết định lần 3, tiếp tục "nối dài" kỳ nghỉ tới ngày 23/2.
Trong ngày hôm nay, một số địa phương vừa ban hành đi học trở lại từ ngày 17/2 cũng vừa thay đổi quyết định.
Tỉnh Đồng Nai buổi chiều đã họp thống nhất cho học sinh nghỉ thêm, thay vì cho đi học như 2 ngày trước đó.
Tại Tuyên Quang, buổi trưa phụ huynh nhận được thông tin "tiếp tục đi học" thì đến 16h chiều lại có "lênh" thay đổi là sẽ nghỉ tiếp.
Tỉnh Hưng Yên cũng đã cho nghỉ hết tuần sau, dù trước đó dự định chỉ nghỉ hết tuần này.
Tương tự, tỉnh Thanh Hoá cũng đã cho học sinh "nối dài" kỳ nghỉ với 7 ngày tới đây.
Cho đến tối nay, Đà Nẵng cũng quyết cho học sinh nghỉ hết tháng 2, thay cho quyết định "đi học trở lại ngày 17/2" trước đó.
Tỉnh Hải Dương "phân luồng" cho học sinh bậc mầm non, tiểu học nghỉ đến 19/2, còn học sinh các cấp từ THCS trở lên sẽ tiếp tục đi học bình thường.
Hiện nay, có khoảng 30 tỉnh, thành đã ra văn bản cho học sinh đi học từ ngày 17/2, trước khi Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương tính tới phương án kéo dài thời gian nghỉ học.
Theo thông tin mà VietNamNet nắm được, sau văn bản hoả tốc mà Bộ GD-ĐT "phát hành" lúc 22h đêm 14/2, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hội ý giữa các ban ngành để xem xét.
Tính đến ngày 14/2, nhiều trường đại học đã chính thức ra thông báo tiếp tục cho sinh viên nghỉ học hoặc học theo hình thức trực tuyến.
Trưa cùng ngày, sau thông báo tiếp tục cho sinh viên của trường nghỉ học, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã viết:
"Xin lỗi các em đang sẵn sàng và tự tin chuẩn bị lên trường, rất tiếc chúng ta phải tiếp tục lùi lịch lên lớp một tuần nữa. Chúng ta có công cụ phòng chống dịch, nhưng chưa đủ thông tin cần thiết để kiểm soát dịch bệnh".
Sáng sớm 15/2, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT (hệ thống này cũng có các trường phổ thông từ tiểu học), chia sẻ ngắn gọn trên trang cá nhân: "Trong một ngày nhận 5 văn bản của Bộ GD-ĐT, UBND Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tất cả các văn bản đều bao gồm các đủ các đối tượng "học sinh, học viên, sinh viên. Lịch sử".
Có thể lùi thời điểm kết thúc năm học 2-3 tuần
TS Giáo dục học Trần Thị Bích Liễu (TP.HCM) bày tỏ: "Tôi mong các nhà quản lý bình tĩnh xem xét, dù virus covid-19 này là nguy hiểm và phức tạp. Hi vọng hết tháng 2, thông tin về dịch bệnh sẽ rõ ràng hơn như khả năng ngăn chặn lây lan, khả năng hạn chế ca nhiễm và năng lực y tế. Một phương án cần tính nếu đến lúc đó mà vẫn không sáng sủa thì chắc các cháu có thể học online. Các trường học nên tập trung vào sử dụng các chương trình giáo dục online sẵn có và phát triển hệ thông học online của mình để đối phó với dịch bệnh...Việc học online nên làm từ lâu để cá thể hóa việc giáo dục học sinh và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, tạo điều kiện để thích ứng với các công nghệ dạy và học. Nhà trường và bố mẹ kết hợp với nhau để hướng dẫn và giám sát việc học, việc chơi của học sinh ở nhà".
Trao đổi với VietNamNet tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong trường hợp diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn nữa thì thời điểm kết thúc năm học cũng có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần.
Để cho các địa phương có căn cứ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian, tới đây, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc này. Nếu điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học lùi 2 tuần thì những mốc thời gian sau đó cũng phải điều chỉnh; theo nguyên tắc là mốc cuối cùng phải đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của năm học tiếp theo.
Hạ Anh
Clip: Thanh Hùng
- Một số trường triển khai học trực tuyến bằng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiệu quả thực chất đến đâu là vấn đề còn băn khoăn.