Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần như là điều không thể tưởng tượng được, chỉ tới khi lực lượng đối lập bắt đầu chiến dịch tấn công từ thanh trì ở Idlib, phía Tây Bắc đất nước.
Đây là bước ngoặt đối với Syria. Ông Assad lên nắm quyền vào năm 2000 sau khi cha ông là Hafez, người đã lãnh đạo đất nước trong 29 năm, qua đời. Ông Assad kế thừa một cấu trúc chính trị được kiểm soát chặt chẽ, khiến cho phe đối lập gần như không thể trỗi dậy.
Với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, ông Assad đã đánh bại lực lượng đối lập và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nga đã sử dụng sức mạnh không quân của mình, còn Iran cử cố vấn quân sự đến Syria, trong khi Hezbollah, lực lượng dân quân ở Li Băng do Iran hậu thuẫn, cũng triển khai các chiến binh được huấn luyện bài bản cho Damascus.
Tuy nhiên, lần này, Syria đã không được hỗ trợ, khiến cho chính quyền của ông Assad buộc phải đầu hàng và Damascus rơi vào sự kiểm soát của nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Thời kỳ lãnh đạo kéo dài 50 năm của gia tộc ông Assad kết thúc rõ ràng sẽ định hình lại cán cân quyền lực trong khu vực.
Iran
Đầu tiên, Iran sẽ phải chấp nhận tầm ảnh hưởng của mình bị suy giảm. Syria dưới thời ông Assad là "cây cầu" liên hệ giữa Iran và Hezbollah, và là chìa khóa để chuyển giao vũ khí và đạn dược cho nhóm này.
Bản thân Hezbollah đã bị suy yếu nghiêm trọng sau cuộc chiến kéo dài một năm với Israel và tương lai của họ vẫn chưa chắc chắn.
Trong khi đó, tại Syria, Israel liên tục nhắm mục tiêu vào nhân sự Iran và các tuyến đường tiếp tế được sử dụng để chuyển vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của mình.
Sự sụp đổ của Aleppo và có khả năng là các thành phố khác giáp biên giới với Li Băng có thể làm gián đoạn thêm các tuyến đường đó, khiến Iran rơi vào thế khó.
Theo ông Trita Parsi, phó chủ tịch Quincy Institute, việc mất tầm ảnh hưởng ở Syria sẽ là "một đòn giáng mạnh" đối với Iran.
"Khoản đầu tư mà Iran đã thực hiện ở Syria là rất lớn, bao gồm một cây cầu đất liền quan trọng dẫn đến Li Băng. Chưa kể, liên minh mà Iran thiết lập với chính quyền ông Assad cũng đã tồn tại trong suốt lịch sử của nước này", ông nói.
Houthis ở Yemen, một lực lượng khác được Iran hỗ trợ, cũng nhiều lần bị nhắm mục tiêu trong các cuộc không kích. Tất cả các lực lượng này, cùng với lực lượng dân quân ở Iraq và Hamas ở Gaza, hiện đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Ông Parsi cho biết Iran có thể sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của mình trong khu vực để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
"Nếu Iran mất quá nhiều vị thế của họ trong khu vực, liệu họ có quá yếu thế để đàm phán không? Nhưng nếu họ phản công để cố gắng giữ lại vị thế, liệu họ có khiến cuộc chiến leo thang đến mức không còn khả thi về mặt ngoại giao nữa không? Rõ ràng, họ đang giữ thăng băng trên một sợi dây mong manh".
Israel
Cục diện hiện nay rõ ràng sẽ có lợi cho Israel, nơi Iran bị coi là mối đe dọa hiện hữu. Tuy nhiên, Israel cũng bị kẹt trong một tình thế khó khăn.
Trước đây, ông Assad vốn không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào cho đất nước này, cụ thể là ông đã chọn không đáp trả các cuộc không kích thường xuyên của Israel vào Syria trong năm qua. Nhưng hiện tại, HTS lên nắm quyền lại có thủ lĩnh là Abu Muhammad Al Jolani, một cựu chiến binh al-Qaeda có tư tưởng Hồi giáo chống lại Israel.
Avi Melamed, một cựu quan chức tình báo Israel, nhận định: "Israel đang ở giữa Iran, các lực lượng ủy nhiệm của nước này và phiến quân Hồi giáo Syria. Không có lựa chọn nào là tốt đối với Israel, nhưng trước mắt, Iran và các lực lượng ủy nhiệm đang bị suy yếu, đó là tin tốt cho Israel".
Theo ông Melamed, miễn là Israel phải đảm bảo rằng cuộc chiến hiện tại của HTS sẽ không phát triển thành một "thách thức mới" cho nước này.
Các quốc gia Ả Rập
Thực tế mới của Syria đã thúc đẩy các quốc gia Ả Rập đưa tay ra giúp đỡ chính quyền ông Assad. Trong vài năm qua, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dẫn đầu các nỗ lực nhằm phục hồi chế độ này trong khu vực và quốc tế. Năm 2023, Syria được tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập.
Sau hơn một thập niên bày tỏ sự ủng hộ đối với phe đối lập Syria, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Xê Út và UAE, hiện đứng về phía ông Assad.
Ông Parsi nói: "Vào năm 2011, rất nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa ra quan điểm rằng họ sẽ tốt hơn nếu chính quyền Assad sụp đổ và họ muốn loại bỏ ông ấy. Nhưng, Ả Rập Xê Út, UAE và các quốc gia khác trong khu vực hiện coi đây là một tình huống đầy thách thức và bất ổn đối với họ nếu ông Assad sụp đổ vào thời điểm này".
Theo BBC