Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Putin cho biết Nga đã nhận được một đề xuất từ Ukraine thông qua một đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nắm được đề xuất của Kiev trong phiên họp tháng 9 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ và sau đó đã chuyển thông tin cho Điện Kremlin.
Ông Putin không nêu rõ cụ thể đề xuất của Ukraine là gì.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra sáng kiến liên quan đến tình hình Biển Đen: Đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải, thiết lập một số thỏa thuận nhất định. Ankara kêu gọi 2 bên đạt được các thỏa thuận an ninh liên quan đến các cơ sở năng lượng hạt nhân.
Theo ông Putin, ông ban đầu đã đồng ý với đề xuất nhưng sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố kế hoạch chiến thắng Moscow, Nga cho rằng động thái này đã "vô hiệu hóa khả năng 2 bên đàm phán".
Khi được yêu cầu đánh giá cơ hội giải quyết cuộc chiến với Ukraine theo thang điểm từ 1-10, ông Putin cho biết ông thấy không phù hợp khi đưa ra bất kỳ điểm số nào.
Tuần trước, ông Zelensky đã trình lên quốc hội lộ trình để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, bao gồm 5 điểm công khai và 3 phụ lục bí mật.
Trong kế hoạch ông Zelensky trình bày, ông kêu gọi các nước phương Tây nên mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức để chứng minh ý định rõ ràng là đưa Ukraine vào hệ thống an ninh phương Tây. Theo ông Zelensky, đây cũng là dấu hiệu cho thấy lòng dũng cảm và quyết tâm của phương Tây.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí tầm xa cho Ukraine và cho phép dùng chúng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ông Zelensky cũng đề nghị các nước phương Tây triển khai lực lượng quân sự phi hạt nhân ở Ukraine sau chiến sự để ngăn chặn Nga tiếp tục tấn công.
Ngay sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ kế hoạch của ông Zelensky, cho rằng nó chỉ khiến xung đột kéo dài hơn. Ông kêu gọi Ukraine "tỉnh táo lại và suy ngẫm về những nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột".
Nga cũng kêu gọi Kiev cần phải công nhận "thực tế lãnh thổ" mới, điều mà Ukraine nhiều lần bác bỏ. Sự lệch pha trong quan điểm giữa Nga và Ukraine khiến cho 2 bên chưa thể nối lại đàm phán, hoạt động vốn đã bị gián đoạn từ hơn 2 năm trước.
Trong một diễn biến khác, ông Putin bác bỏ thông tin trên giới truyền thông rằng ông vẫn còn duy trì liên lạc với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
"Vấn đề này đã được quan tâm nhiều năm nay. Có một thời điểm, ông Trump và Nga bị cáo buộc có liên quan tới nhau. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra được tiến hành tại Mỹ, mọi người, bao gồm cả Quốc hội Mỹ, đều kết luận rằng đó là điều hoàn toàn vô lý và không có chuyện gì như vậy từng xảy ra. Lúc đó, chúng tôi không có liên lạc nào cả, và bây giờ cũng không có", ông nhấn mạnh.
Theo UP