Người dân đói đầu tư
Phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) diễn ra sáng ngày 10/8 gây xôn xao dư luận. Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 60m2 đến 85m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2. Hết phiên, lô góc có giá trúng cao nhất là gần 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2, gấp 5 đến 6,4 lần so với giá khởi điểm.
Tại hội thảo "Động lực mới, cơ hội mới, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan" do Tạp chí Thương Giatổ chức sáng 15/8, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng hiện tượng này chính là vấn đề của thị trường.
Theo ông thời gian qua do quá trình sửa luật, làm luật kéo dài dẫn đến thị trường bật động sản ít biến động. Ngay tại Hà Nội trong 3-4 năm nay gần như không có dự án mới chính thống tham gia thị trường. Các dự án về đất đai cũng gần như không có. Nhiều phiên đấu giá đất trong năm 2022-2023 không thành công.
Ông cho biết nguồn cung bất động sản yếu nhưng lực cầu rất mạnh. Số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho đo lường cho thấy lực cầu trong dân rất lớn kể cả nhà ở và cầu về đầu tư. Họ mong chờ các dự án có đủ pháp lý như vụ đấu giá đất Thanh Oai vừa qua. Đó là lý do có vài nghìn người quan tâm đến vài chục lô đất, khoảng nghìn người mua hồ sơ tham gia đấu giá.
"Cung ít, cầu nhiều thì khi có hiện tượng cung ra thì người ta xông vào. Người ta đói đầu tư lắm rồi, đói hàng hóa lắm rồi", ông Đính nhận xét. Ông cho rằng hiện tượng này là bình thường tuy nhiên mức giá cao hơn so với mặt bằng thị trường.
Việc đẩy giá do người tham gia có sự tính toán tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh của cung cầu. Ông Đính cho biết vài ngày gần đây đã có người vội cắt lỗ. Vì vậy người tham gia thị trường cần có kiến thức và chuyên môn.
Cần ban hành chính sách thuế về bất động sản bỏ hoang
Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội - đánh giá 3 luật bất động sản đã có những quy định giúp thị trường minh bạch, công bằng, toàn diện. Tuy nhiên, ông cho rằng Luật Đất đai sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề của thị trường.
"Tôi sẽ nói vấn đề này đến lúc nào tôi về hưu thì thôi. Luật Đất đai sẽ không giải quyết được toàn diện câu chuyện về giá trị quyền sử dụng đất", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông cho biết Luật Đất đai hiện nay tiếp cận theo hướng toàn diện, giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, nếu cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai thì có khả năng giá đất chỉ tăng không giảm.
Nghị quyết 18 cũng nêu rõ Nhà nước bên cạnh Luật Đất đai phải có chính sách thuế để đánh vào việc sử dụng nhiều đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang gọi là thuế tài sản đối với đất. Nếu như Chính phủ không sớm ban hành chính sách thuế này thì không thể xử lý toàn diện các vấn đề của thị trường bất động sản.
"Tôi cho rằng ở nước ta hiện không phải là cần thiết mà là rất cấp bách cần ban hành ngay chính sách thuế đối với bất động sản bỏ hoang", ông Hiếu nhấn mạnh. Ông Hiếu cho biết không thể dùng cơ chế hành chính để bắt giá đất tăng hoặc giảm được mà phải sử dụng đồng bộ các cơ chế thị trường và cách thức can thiệp mới.
Nếu Chính phủ không sớm khởi động lại dự án về thuế bất động sản để điều tiết theo công cụ thị trường với thị trường bất động sản thì Luật Đất đai không thể giải quyết được bài toán trên. Tất nhiên các tiêu chí để đánh giá thuế cần đảm bảo tính công bằng.
"Sắc thuế này được ban hành tôi tin rằng ảnh hưởng ngay đến thị trường bất động sản. Chỉ cần khởi động dự thảo thôi, chưa cần bấm nút thông qua thì đã tác động đến thị trường rồi", ông Phan Đức Hiếu khẳng định.