“…Đây Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Đây Thăng Long,àNộiơiMộttráitimhồnam dinh vs slna ngày nay chiến công rạng danh non sông…”. Trong tiến trình lịch sử phát triển thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của thủ đô và đất nước. Với vai trò là thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn có những đóng góp to lớn cho đất nước, cũng như luôn chứng minh được vị trí đầu tàu của mình.
Đại lộ Thăng Long - Công trình chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến. Ảnh: T.SƠN
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội, thủ đô mến yêu đã trải qua hơn 1.000 năm lịch sử với biết bao thăng trầm. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam bộ (23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; buộc phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Sáng mát trong như sáng năm xưa…
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị Quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Khi ấy, Hà Nội hừng hực khí thế của các đoàn quân tiến về: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố. Trùng trùng say trong câu hát. Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời. Chúng ta đem vinh quang. Sức dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui về đây…” (Tiến về Hà Nội)
20 vạn nhân dân thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị Quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội và cả miền Bắc lại trở thành hậu phương vững chắc, chi viện cho chiến trường miền Nam và trực tiếp chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972.
Hà Nội - một trái tim hồng
Là trái tim cả nước, Hà Nội luôn hòa chung nhịp đập, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thành phố có quy mô dân số, kinh tế nhỏ bé, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò trung tâm lớn của đất nước về mọi mặt. Đặc biệt, sau ngày Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính 1-8- 2008 đã tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển bền vững, lâu dài.
Kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) chiếm 10% cả nước; tốc độ phát triển bình quân đạt hơn 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách năm 2013 đạt 163.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 lần trước khi hợp nhất, chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 52,3 triệu đồng.
Với những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng và phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần gửi thư khen, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương “Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”; được Nhà nước 3 lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; lực lượng vũ trang Hà Nội 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến. Hà Nội cũng đang phấn đấu là địa phương đi đầu, về đích sớm từ 1 - 2 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
60 năm kể từ ngày được giải phóng, Hà Nội 36 phố phường nay đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên, đi trên đường phố thủ đô trong ngày mới, chúng ta vẫn nghe vang vang âm hưởng của những khúc ca hùng tráng: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử. Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân…”. Hay một sự lắng đọng đến dịu dàng trong cảm xúc rất riêng biệt: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…” và “…Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ. Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ. Mùa thu đi qua từng phố nhỏ. Ơi hồ Gươm như một bài thơ…”… Hà Nội ơi một trái tim hồng…
THU THẢO