Ngày 30/11,êntiếpbấtổnvớiđấugiáđấtMộtsốngườicoiđâygiốngnhưquottròđùkq bong y tất cả 22 lô đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) được mang ra đấu giá đều không thành công.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - cho biết, đến vòng thứ 8, giá cao nhất khoảng 70 triệu đồng/m2, nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công.
"Đa phần những người tham gia đấu giá nhiều vòng là của văn phòng nhà đất. Chỉ một vài phiên đấu giá được tổ chức những người này sẽ quen nhau hết và móc nối với nhau. Việc đấu giá không thành công 22 lô đất lần này sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách của huyện", lãnh đạo huyện Thanh Oai chia sẻ.
Tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), phiên đấu giá ngày 29/11 gây xôn xao dự luận khi có 3 lô đất được trả giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2. Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, có một nhóm khách hàng có hành vi "phá" đấu giá.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó có khách hàng P.N.T trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 03 thửa đất. Bên cạnh đó, khách hàng N.V.D trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất.
Khách hàng N.T.Q và N.T.T trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất. Ngoài ra, 2 khách hàng N.T.Q.L, N.Đ.T trả giá 50,4 triệu đồng/m2, 59,4 triệu đồng/m2, 62,4 triệu đồng/m2, 68,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất.
Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá và 22 thửa đất khách hàng trả giá.
Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỷ đồng. 36 thửa đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).
Từ tháng 8 tới nay, các phiên đấu giá đất tại Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận vì mức giá cao đột biến. Tại huyện Hoài Đức hay huyện Thanh Oai giá đất trúng đều vượt 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, 55 trường hợp trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai đã bỏ cọc khi đến hạn nộp tiền. 13 lô đất được nộp đủ tiền, mức giá cao nhất là 55 triệu đồng/m2.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Phạm Thanh Tuấn - chuyên gia pháp lý bất động sản - cho rằng, các luật hiện hành không xác định, mô tả và xử lý về hành vi thổi giá, thao túng giá trong lĩnh vực bất động sản.
Do đó, việc người tham gia trả giá lên tới 30 tỷ đồng/m2 sau đó không bỏ cuộc tại vòng cuối thì việc xử lý mới chỉ xem xét đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Các chế tài hành chính, hình sự nếu có với các hành vi này cần phải đợt kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
"Luật không có những quy định xử phạt về hành vi thao túng, thổi giá hay lũng đoạn thị trường bất động sản. Chúng ta mới chỉ quy định và một số dạng cụ thể của hành vi trên như gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin về bất động sản... Đang có bất cập trong hướng xử lý với những hành vi có tính chất giống như thổi giá, lũng đoạn thị trường bất động sản", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, một số người, nhóm người coi đấu giá đất giống như một trò đùa. Hậu quả để lại là gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản đồng thời, sẽ tạo tâm lý của người dân rằng giá bất động sản đang lên cao và đồng loạt đi đầu cơ đất đấu giá.
Theo ông, Luật Đấu giá tài sản 2024 sửa đổi đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.
Tuy nhiên, quy định này đến 1/1/2025 mới có hiệu lực và cũng chỉ áp dụng cho trường hợp người đấu giá làm dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản.
Để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh cho thị trường bất động sản, vị Luật sư cho rằng, nên hạn chế việc tổ chức đấu giá đất cá nhân, ưu tiên việc đấu giá đất cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho đến khi các địa phương đã ban hành bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024. Ngoài ra, cần tính toán tới việc sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản trong điều kiện hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu đất đai, giá đất.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, việc tham gia đấu giá đất và trả với mức giá cao không tưởng có thể gây lũng đoạn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu xác định được hành vi gây lũng đoạn hoặc đầu cơ bất động sản thì hiện pháp luật chưa có quy định, chế tài xử lý.
"Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn giao thoa giữa luật mới và luật cũ nên có nhiều bất cập, đặc biệt là giá khởi điểm", vị chuyên gia nêu.
Theo ông, hiện giá khởi điểm đất đấu giá xác định theo bảng giá đất cũ, chỉ bằng 10% giá đất thị trường hiện tại. Giá khởi điểm thấp dẫn tới tiền đặt trước ít. Theo đó, nhiều nhóm đầu cơ bất động sản chấp nhận bỏ số tiền rất thấp đặt cọc để tham gia với mục đích trúng sẽ bán chênh hoặc đẩy giá thị trường khu vực.
Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng, nên xem xét cho phép các địa phương thuê đơn vị tư vấn để xác định giá khởi điểm sát với thị trường giống trước kia. Từ đó, tiền đặt cọc trước sẽ cao hơn khiến các nhóm đầu cơ nhụt chí không tham gia.
"Nếu chúng ta xác định là nền kinh tế thị trường thì giá khởi điểm đấu giá cũng phải theo giá thị trường. Không thể lấy một mức giá trong bảng giá đất cách đây hàng chục năm để xác định giá khởi điểm cho đấu giá đất hiện tại", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cho rằng, những quy định về đấu giá đất cá nhân cũng cần chặt chẽ như với tổ chức doanh nghiệp. Những người tham gia đấu giá đất phải cam kết sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng để ở hoặc cho thuê nhằm phát triển kinh tế địa phương và tránh bỏ hoang gây lãng phí.
Đồng thời, người tham gia đấu giá cũng cần phải chứng minh được năng lực tài chính. Tránh trường hợp một người tham gia đấu giá rất nhiều lô đất và chỉ có mục đích chờ bán chênh.
"Bằng những biện pháp kỹ thuật thông thường chúng ta có thể hạn chế được việc nhóm đầu cơ tham gia đấu giá đất gây lũng đoạn, thổi phồng thị trường bất động sản", vị chuyên gia nhấn mạnh.