Tôi vào Sài Gòn học đại học năm 2006. Ngày trước,êhươngchàođólịch sử đối đầu mu vs chelsea chúng tôi thi xong học kỳ là vội vàng chuẩn bị hành lý để kịp về quê. Đứa thì ra bến xe về miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên. Tôi và vài người bạn ra ga đón tàu về Bắc. Quê tôi ở Thái Bình, mỗi năm tôi về một lần vào dịp Tết.
Ký ức về những chuyến tàu Tết còn nguyên trong tâm trí tôi. Ngồi tàu chưa đến bốn chục giờ đồng hồ nhưng thời gian luôn như dài hơn bình thường vì tâm trạng "ngóng quê hương".
Trên chuyến tàu Tết năm 2009, tôi và một bác gái ở Bình Phước ngồi chung chiếc ghế cứng. Từ lúc tàu chạy được nửa đường là bác thường xuyên hỏi: "Đến đâu rồi cháu, còn bao lâu nữa thì tới Nam Định?". Bác vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 20 tuổi, 25 năm chưa về quê. Lần này, người mẹ sức khỏe yếu nên bác quyết tâm thu xếp về thăm. Nói chuyện với tôi nhưng thi thoảng bác nhìn ra cửa sổ, giấu nước mắt. Tối hôm ấy, bác ngủ trên ghế còn tôi chui xuống gầm ghế nằm ra sàn tàu. Nửa đêm, nước mắt bác lọt qua khe thanh gỗ, lăn rơi xuống má tôi.
Năm 2011, tôi ra sân bay tiễn cô bạn Thanh Vân qua Mỹ du học. Chuẩn bị đến quầy an ninh thì Vân bất ngờ quay lại ôm lấy từng người khóc nghẹn, khác với vẻ cứng cáp thường ngày.
Cuối năm đó, gia đình tôi cũng đón cô Út đi lao động ở Cyprus về. Hơn 5 năm xa quê, giây phút gặp lại ở sân bay mắt cô thẫm đỏ. Cô nói đã khóc suốt hành trình từ Cyprus về Việt Nam.
Dù là người đi hay người về, quê hương luôn là chốn thiêng liêng như lời thơ của Đỗ Trung Quân: "Quê hương mỗi người chỉ một".
Thái Bình quê tôi là tỉnh thuần nông nên người dân đi lao động, học tập ở phương xa rất nhiều. Ngày ấy, mỗi lần về đến cầu Tân Đệ, tôi lại ao ước được nhìn thấy tấm biển chào đón những người con xa xứ với dòng chữ "Chào bạn về nhà". Mặt sau của tấm biển có thể là lời tạm biệt "Chúc bạn lên đường bình an".
Xóm tôi có gần 20 con em đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; đa phần là lao động phổ thông. Mọi người chia sẻ, cuộc sống nơi đất khách không dễ dàng, đồng tiền kiếm được tuy khá hơn nhưng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Họ gắng gượng vượt qua được là nhờ nghĩ đến gia đình, quê hương.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2023, lượng kiều hối đạt kỷ lục 16 tỷ USD. Tính chung từ năm 1993 đến năm 2023 lượng kiều hối Việt Nam nhận được là hơn 200 tỷ USD, nhiều hơn cả vốn FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay. Số tiền kiều hối hàng năm có ý nghĩa rất lớn, giúp tăng dự trữ ngoại tệ và trực tiếp thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Hàng tỷ USD kiều hối là công sức đóng góp hàng triệu kiều bào, hàng trăm nghìn người lao động ở nước ngoài gửi về Tổ quốc.
Trên đường đi công tác, tôi thấy không ít tỉnh thành xây dựng cổng chào trị giá hàng tỷ đồng nhưng nội dung hoặc khẩu hiệu có vẻ đơn điệu, hình thức. Còn ở các sân bay hay cửa khẩu quốc tế, chúng ta đặt không ít biển quảng cáo nhưng chưa có nhiều tấm biển chào đón, tạm biệt người Việt khi họ về quê hương hoặc đi lao động, học tập ở nước ngoài. Một tấm biển ở vị trí trang trọng, thể hiện sự tri ân và cũng là lời động viên công dân của mình vượt qua khó khăn, chấp hành luật pháp nước sở tại. Sao lại không?
Tấm biển yêu thương có thể làm ấm lòng những người xa quê hương, thể hiện nghĩa tình của người Mẹ Tổ quốc có con đi xa.
Bùi Võ