Theánggiáoviênchaođảovìchứngchỉchứcdanhnghềnghiệlịch bóng đá bundesligao văn bản số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3 của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT báo cáo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng CDNN và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.
Cũng trong văn bản này, Bộ GD-ĐT đã có một số hướng dẫn cụ thể:
Yêu cầu chứng chỉ CDNN giáo viên hạng III áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới; giáo viên THCS, THPT được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.
Những trường hợp giáo viên đã có chứng chỉ CDNN của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì không có giá trị thay thế. Do đó, cần bổ sung chứng chỉ CDNN của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Những trường hợp không thuộc các đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN theo quy định.
Giáo viên hạng I nếu không có bằng thạc sĩ sẽ không được giữ hạng. Tuy nhiên, chứng chỉ hạng cao hơn lại không được thay thế cho hạng thấp hơn. Vì vậy, những giáo viên này không chỉ bị tụt hạng, mà còn phải học chứng chỉ CDNN hạng II để được bổ nhiệm hạng II. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, hướng dẫn này ra đời sau gần 1,5 tháng Bộ ban hành chùm thông tư hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương giáo viên. Và mặc dù đây là quy định theo Luật Viên chức 2010, nhưng không thể phủ nhận, sau khi chùm thông tư được ban hành đã xảy ra tình trạng giáo viên "đổ xô" đi học chứng chỉ dù chưa thuộc diện bắt buộc phải có ngay.
"Chẳng biết cần hay chưa nhưng mọi người đi học thì mình cũng phải đi cho an tâm, không đến lúc cần lại không có” - một giáo viên ở Quảng Trị chia sẻ.
Có thể đây cũng là tâm lý của hàng trăm giáo viên mầm non mạo hiểm đến trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để học bồi dưỡng hồi tháng 5 vừa qua trong khi tỉnh này là một trong những điểm nóng về Covid-19.
Chứng chỉ 2-3 triệu đồng 'ship tận giường'
Theo phản hồi của độc giả VietNamNet, ngay sau khi các Thông tư 01,02,03,04 được ban hành, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm có chức năng đào tạo chứng chỉ CDNN hoặc các trung tâm liên kết với những trường này đã gửi thông báo chiêu sinh đến các địa phương, các trường. Tùy từng nơi mà chi phí cho một khóa bồi dưỡng và thi chứng chỉ vào khoảng 2-3,5 triệu đồng. Thậm chí, có người cho rằng, đó là "giá cứng", còn trọn gói phải lên tới... 5 triệu đồng.
Đáng chú ý, do dịch Covid-19 nên rất nhiều lớp học được mở với hình thức online. Thậm chí, xuất hiện một số tài khoản bình luận liên tục trên các hội, nhóm, trên Facebook cá nhân của giáo viên để quảng cáo về các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Anh Trần Bân cho biết “Ở TP.HCM 3,5 triệu đồng, học online. Mà cứ đóng tiền thì coi như đã xong”. Cùng ở TP.HCM, nhưng chị Thu Hương khẳng định: “Bình Thạnh chỗ tôi toàn học 3 triệu”.
“Ở An Giang học online giá 2,5 triệu, ở nhà cũng có chứng chỉ, khỏe re” – chị Khánh Ngọc cho hay.
“Ở Quảng Nam cũng vậy, đăng ký học và phải nộp 2 triệu đồng. Thôi thì học cũng được” – một cô giáo ở Quảng Nam than thở.
Một giáo viên ở TP.HCM "ví von": "Đăng ký học online chỉ mở máy ngủ ngon rồi vẫn có chứng chỉ. Bạn bè đùa nhau đó là chứng chỉ 'ship tận giường'".
Độc giả Vũ Việt Hà thông tin chỗ anh học 5 buổi giá 2,5 triệu đồng, đồng thời đặt câu hỏi “Giáo viên đi học với tâm lý chỉ để kiếm cái chứng chỉ chứ không học thật. Thế thì cần chứng chỉ để làm gì?”.
Anh Nguyễn Trọng Xuân bức xúc nhận xét “Cuối cùng bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để thăng hạng chỉ là hình thức, hoàn thiện hồ sơ chống đối, học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, học lại những gì trong trường sư phạm đã được đào tạo, quá tốn kém (hơn 2 triệu/một học viên, học có 3 - 4 ngày)...
Hàng triệu giáo viên nếu bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, số tiền ấy dùng để xây trường học, mua trang thiết bị dạy học ở những vùng đặc biệt khó khăn thì tốt”.
“Tôi thấy kiến thức mà giáo viên lĩnh hội không được bao nhiêu. Nhưng tốn tiền là sự thật” – chị Thu Hà, giáo viên ở Hà Nội nhìn nhận.
"Tự nguyện" nên náo loạn?
Hiên nay, việc học chứng chỉ CDNN hầu hết do giáo viên tự bỏ tiền ra để học.
Ngoài 49 đơn vị được Bộ cho phép tổ chức các lớp bồi dưỡng, thì còn mọc ra hàng loạt các trung tâm, công ty cũng quảng cáo tuyển sinh cấp chứng chỉ. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa về chứng chỉ CDNN sẽ ra hàng loạt các trang web liên tục đăng thông tin tuyển sinh các lớp bồi dưỡng online.
Xem kĩ sẽ thấy có những sự kết hợp khá kỳ lạ và bi hài như một trường trung cấp điều dưỡng, quản trị kinh doanh hay truyền thông liên kết với trường đại học sư phạm để bồi dưỡng chứng chỉ CDNN cho giáo viên...
Hiệu trưởng 1 trường sư phạm "cười chảy nước mắt" cho rằng, dù có thể không sai về luật, nhưng nó cho thấy việc bồi dưỡng chứng chỉ cho giáo viên là một miếng bánh béo bở. Có tình trạng "bát nháo", hạ giá đào tạo như đi chợ mua rau dưa hành, không thống nhất giữa các địa phương.
Vị này phân tích: "Việc tổ chức một số lớp quá đơn giản, chỉ 3-5 ngày thu 2-3,5 triệu đồng/người trong khi chi phí bỏ ra thấp, nên các trung tâm, đơn vị liên kết tuyển sinh mới mọc ra nhiều như vậy. Giáo viên ít thông tin, nên khi không có hướng dẫn từ cơ quan quản lý họ sẽ đi học theo quảng cáo, hoặc người nọ chỉ cho người kia. Hơn nữa, sự thật là đa phần giáo viên không thiết tha học mà chỉ cần chứng chỉ, nên chất lượng lớp bồi dưỡng thấp là dễ hiểu".
Khi được hỏi có nắm tình hình giáo viên đi học chứng chỉ CDNN không, lãnh đạo một Sở GD-ĐT trả lời: "Sao mà biết được, đây là tự nguyện mà".
Mặc dù vậy, tình trạng giáo viên ồ ạt đăng ký học chứng chỉ CDNN khi có thông tư mới là có thật. Bởi vậy, Sở GD-ĐT Quảng Trị thời điểm đó đã phải ra công văn hỏa tốc, nêu rõ "giáo viên phải xác định bản thân đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng nào để chọn lựa, đăng ký bồi dưỡng lấy chứng chỉ phù hợp, đảm bảo các quy định...".
Bỏ tiền đi học nhưng lại không nắm rõ nên tình trạng học nhầm chứng chỉ đã từng xảy ra tại Nghệ An. Sở này đã yêu cầu rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo thông tư mới.
"Trong đó, lưu ý xác định từng giáo viên phải đào tạo trình độ nào, phải bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng bao nhiêu và khuyến cáo giáo viên không tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không đủ điều kiện, không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí không đáng có" - công văn nêu rõ.
Nhưng những công văn kịp thời như trên được công khai dường như không nhiều.
Một giáo viên ở Hà Tĩnh cho rằng "Không có hướng dẫn cụ thể, ai cần học, ai không cần nên cứ loạn cả lên, ai cũng sợ không đủ điều kiện, không được xếp hạng thì ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo!".
Trước thông tin Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đề xuất, đồng thuận việc cắt giảm một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, dù rất quan tâm, song nhiều người không mấy phấn khởi, bởi 3 tháng qua đã đủ để rất nhiều giáo viên "học xong và mất tiền cả rồi".
Phương Chi
13/87 chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến viên chức mà Bộ Nội vụ đề nghị bỏ thuộc ngành giáo dục.
Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.