Tự học tiếng Anh từ nhỏ nhờ bán hàng rong
"Vào dịp năm mới,ôgáiMôngởSapanóitiếngAnhnhưgiógâysốtmạcách đánh liêng chúng tôi làm thịt những con lợn có cân nặng khoảng 100kg. Chúng tôi sẽ treo thịt ở các gian bếp làm món thịt hun khói. Đây là khu vực người Mông thường dùng khói để hun thịt.
Cách làm này có thể giúp bảo quản thịt để ăn trong vài ba tháng", cô gái người Mông nói tiếng Anh lưu loát, chia sẻ về cuộc sống văn hóa của dân tộc mình với đoàn du khách khi tới thăm bản Cát Cát ở Sapa (Lào Cai).
Không lâu sau khi được chia sẻ, đoạn video nhanh chóng thu hút gần 2 triệu lượt xem với nhiều bình luận bày tỏ sự thán phục trước phong thái tự tin và ngữ điệu tiếng Anh không kém gì người bản xứ của cô gái dân tộc.
"Tôi học tiếng Anh hơn chục năm nhưng chưa chắc giao tiếp tốt và có chất giọng tự nhiên như cô gái. Chắc hẳn cô ấy được tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên mới thuần thục như vậy", một tài khoản có tên Long Trần nhận xét.
Cùng với đó, danh tính về cô gái trẻ cũng được nhiều người tìm kiếm.
Theo tìm hiểu, nhân vật xuất hiện trong video gây sốt là Giàng Thị La, 26 tuổi, là người dân tộc Mông, hiện sống ở bản Lao Chải, Sapa.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, La cho biết đã có thể giao tiếp tiếng Anh từ nhỏ do hồi bé thường cùng bạn bè đồng trang lứa đi bán hàng rong cho khách du lịch ở Sapa.
"Tôi chưa từng luyện qua trường lớp tiếng Anh nào và đều tự học hoàn toàn. Nghe và tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ với người nước ngoài, có lẽ ngôn ngữ này cứ ngấm dần. Tôi cũng mạnh dạn nói chuyện và rồi thuần thục trong giao tiếp lúc nào không hay", cô gái người Mông chia sẻ.
Cũng vì học tiếng Anh theo cách này nên La không thấy việc học ngoại ngữ quá khó khăn. Cô tiết lộ, hiện tại bản thân hoàn toàn tự tin khi nói chuyện bằng ngôn ngữ này với khách quốc tế. Mỗi cuộc trò chuyện lại cho cô thêm vốn từ vựng mới để học hỏi. Cô cho rằng, đây là cách học dễ ngấm nhất.
Từ năm 2014, cô gái trẻ đã trở thành lao động chính trong gia đình. Nhờ có vốn tiếng Anh, La bắt đầu với công việc làm hướng dẫn viên du lịch, chuyên dẫn đoàn khách nước ngoài tới trải nghiệm các điểm đến ở Sapa.
"Sapa có nét đẹp nguyên sơ nên nhiều khách Tây rất thích. Khi dẫn đoàn, tôi sẽ đưa họ tham quan thung lũng Mường La, tới bản Tả Phìn hay lên đỉnh Fansipan. Những nơi nào càng nguyên sơ, khách càng thích.
Cùng với đó, tôi dẫn khách tới thăm các bản làng của người dân tộc, giới thiệu cho họ về văn hóa truyền thống của người Mông ở địa phương như ngày lễ Tết ra sao, phong tục tập quán thế nào. Được tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống nên phần lớn khách đều hài lòng", La nói.
Lao động chính trong gia đình 7 thành viên
Nhớ ngày đầu mới vào nghề, tháng đầu tiên La nhận về 3 triệu đồng. Đó vẫn là con số khá lớn so với thu nhập mặt bằng chung của người dân địa phương. Đến nay với chục năm trong nghề, nhờ vốn liếng tiếng Anh, con số hiện tại tăng lên vài lần, đủ để cô trang trải cuộc sống cho cả gia đình 7 thành viên.
Năm 2016, cô gái Mông lập gia đình với một chàng trai người địa phương. Gia đình 2 bên đều làm nông nên La trở thành lao động chính trong nhà.
Đôi vợ chồng trẻ hiện có 3 con, trong đó bé nhỏ nhất 2,5 tuổi, được bố mẹ chồng hỗ trợ chăm sóc quán xuyến. Chồng cô vẫn làm ruộng nương và hoàn toàn ủng hộ vợ ra ngoài làm việc. Những ngày mùa, nhà neo người nên cô tạm dừng nhận khách, ở nhà hỗ trợ chồng cày cấy.
"Tôi may mắn được nhà chồng hỗ trợ hết sức. Nhờ có ông bà giúp đỡ việc nhà, đưa đón con nhỏ nên tôi có thời gian theo đuổi công việc yêu thích", cô bộc bạch.
Giai đoạn Sapa ảnh hưởng nặng vì sạt lở đất, ngành du lịch tỉnh nhà cũng gặp khó khăn. Đó là giai đoạn cô gái người Mông phải ở nhà một thời gian và không có thu nhập. Nhưng từ tháng 11, khách quốc tế tới đây đông dần, những hướng dẫn viên du lịch như cô lại hân hoan bước vào giai đoạn bận rộn mới.
"Tôi cũng muốn 3 bạn nhỏ được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm. Có thể sau này các con không chọn làm nghề hướng dẫn viên như mẹ, nhưng với khả năng ngoại ngữ tốt, con có nhiều lựa chọn hơn cho công việc của mình", cô gái Mông giãi bày.