Nếu như trước đây mỗi lần sinh hoạt chi bộ, bà Nguyễn Thị Huyền - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận ở tổ dân phố số 5 phải mất thời gian đi thông báo tới từng đảng viên về thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ thì nay, những công việc của Chi bộ đã được giải quyết nhanh gọn bởi cả 25/25 đảng viên của Chi bộ tổ dân phố số 5 đều sử dụng điện thoại thông minh, có cài đặt và sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử”. Ngoài ra, họ còn thành lập nhóm Zalo để thông báo, trao đổi công việc.
Bà Huyền chia sẻ: "Hiện toàn tổ có 126 hộ, 592 nhân khẩu, có 63 cơ sở kinh doanh. Trong tháng 9, tổ dân phố đã thành lập 'Tổ dân phố số'. Nhờ các đảng viên trong Chi bộ tích cực tuyên truyền, triển khai, đến nay, tổ đã có 100 hộ có người dùng điện thoại thông minh, 344/358 người dân trưởng thành dùng điện thoại thông minh. Tổ dân phố đã thiết lập kênh thông tin số để tương tác với người dân thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…. Tổ có 2 điểm lắp đặt camera an ninh. 100% hộ thanh toán các dịch vụ điện, nước, học phí, các khoản phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt. 323/344 người đã cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số YenBai-S trên thiết bị điện thoại thông minh".
Từ hiệu quả ở tổ dân phố số 5, ngay trong đầu tháng 10, tổ dân phố số 6 cũng đã thành lập và ra mắt "Tổ dân phố số”. 100% đảng viên đang sinh hoạt có sử dụng điện thoại thông minh đều cài đặt và sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử”. 100% người dân có điện thoại thông minh đều cài đặt và sử dụng các ứng dụng số: thanh toán các dịch vụ điện, nước, tiền học phí, các khoản phí, lệ phí, sử dụng ứng dụng Công dân số YenBai-S. Tổ dân phố cũng đã thiết lập kênh thông tin số để tương tác với nhân dân trong tổ thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook...
Ông Nguyễn Tiến Quân - Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số cộng đồng, tổ dân phố số 6 cho hay: "Các hộ dân trong tổ đã đồng tình, quyết tâm chung tay thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Các đơn vị phối hợp như: Viettel Yên Bái, Agribank, BIDV đã giúp người dân cài đặt, nâng cấp, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng Công dân số và VNeID; phát hu hiệu quả trong việc đăng ký tài khoản công dân điện tử và đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí”.
Tuy nhiên, để tăng cường nâng cao công tác tuyên truyền về tiện ích, lợi ích của CĐS; hướng dẫn người dân ứng dụng mạnh mẽ tiện ích của CĐS trong hoạt động mua bán, kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt; trong giải quyết các thủ tục hành chính; khám chữa bệnh, trong học tập…, Tổ CĐS cộng đồng sẽ tiếp tục đồng hành tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ.
Đồng chí Bùi Xuân Vượng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS phường Cầu Thia cho biết: "Phường đã tổ chức ra mắt thành công 2/6 "Tổ dân phố số" trên địa bàn. Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo đã phát động "Ngày thứ 7 chuyển đổi số" với phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để rà soát, vận động nhân dân cài đặt, nâng cấp các ứng dụng và sử dụng hiệu quả các ứng dụng, mở tài khoản ngân hàng giao dịch không dùng tiền mặt. Hiện nay, tại tổ 5 và tổ 6, "Tổ dân phố số" đã phát huy hiệu quả tích cực”.
Qua đó, người dân ứng dụng mạnh mẽ tiện ích của CĐS trong hoạt động mua bán, kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt; trong giải quyết các thủ tục hành chính; khám chữa bệnh, trong học tập. Đồng thời, nâng cấp, ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác cũng như trong đời sống như ứng dụng Công dân số và VNeID.
Từ nay đến hết năm, phường Cầu Thia sẽ tiếp tục tổ chức ra mắt 1 "Tổ dân phố số" nữa và trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc thành lập ở cả 6/6 tổ dân phố đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Thông qua việc thành lập các "Tổ dân phố số” ở phường Cầu Thia và ở các xã, phường trên địa bàn, thị xã Nghĩa Lộ đã nâng cao chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số (DTI) lên vị trí thứ 3, nằm trong tốp đầu về thực hiện CĐS cấp huyện trên toàn tỉnh.