Thực hiện Đề án “Phổ cập tin học cho thanh niên và nâng cao kiến thức tin học cho cán bộ Đoàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”,ệuquảtừđềánphổcậpnângcaokiếnthứctinhọkqbd u21 trong thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án đã tập trung tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, giúp phổ cập kiến thức tin học cho hàng ngàn thanh niên công nhân (TNCN), thanh niên nông thôn.
Lớp phổ cập tin học cho thanh niên nông thôn tại huyện Bắc Tân Uyên.Ảnh: N.NHƯ
Để thực hiện thành công đề án “Phổ cập tin học cho thanh niên và nâng cao kiến thức tin học cho cán bộ Đoàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”, BCĐ đề án đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nắm bắt được các nội dung của đề án. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ĐVTN đăng ký tham gia các lớp học với nhiều hình thức như thông qua báo, đài, các hoạt động lớn của Đoàn, Hội, bản tin TNCN hay qua website Tỉnh đoàn, thông qua các buổi giao ban, họp chi đoàn, chi hội, chương trình phát thanh thanh niên... BCĐ đề án tỉnh cũng đã kịp thời cung cấp băng rôn, poster tuyên truyền về đề án đến tận cơ sở Đoàn tại các điểm trung tâm của huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, trung tâm internet thanh niên, các lớp phổ cập tin học tại “vùng trắng”, địa điểm có đông TNCN… nhằm giúp ĐVTN hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của đề án và tham gia học tập.
Về hiệu quả hoạt động, 5 năm qua, đề án được thực hiện dưới 3 hình thức: Lớp phổ cập tin học do lực lượng thanh niên tình nguyện giảng dạy, lớp phổ cập do các trung tâm, trường được BCĐ đề án đặt hàng giảng dạy và lớp đào tạo chứng chỉ A. Theo đó, lớp phổ cập tin học do lực lượng thanh niên tình nguyện giảng dạy đã dạy cho khoảng 13.500 học viên, trung bình mỗi huyện, thị có 300 học viên/năm, học viên đến học tại “vùng trắng”, vùng tập trung đông thanh niên, đặc biệt là TNCN. Thời gian của khóa học là 28 tiết/4 tuần (7 tiết/1 tuần). Mỗi lớp học có từ 20 - 30 học viên, được trang bị ít nhất 20 máy/lớp và mỗi lớp có 2 thanh niên tình nguyện đứng lớp. Cách thức tổ chức là thuê phòng máy của các trường học, trung tâm tin học, đại lý internet, điểm bưu điện văn hóa xã… Đối với lớp phổ cập do các trung tâm, trường được BCĐ đề án đặt hàng giảng dạy, BCĐ đề án hợp đồng với đơn vị đào tạo tin học có tư cách pháp nhân để đưa cơ sở vật chất về vùng xa, khu vực khó khăn (khu vực chưa có các trung tâm, trường có hệ thống máy tính hoặc có nhưng không thể thuê phòng máy tính cho công tác đào tạo phổ cập tin học). Trong 5 năm qua, các lớp này đã đào tạo cho hơn 4.500 học viên kiến thức về tin học.
Hiệu quả mà đề án mang lại là giúp hàng ngàn ĐVTN, đặc biệt là TNCN, thanh niên nông thôn được tiếp cận với tin học, công nghệ thông tin để nâng cao trình độ hiểu biết, ứng dụng trong cuộc sống đời thường. Các lớp phổ cập này không chỉ dừng lại ở những kiến thức tin học văn phòng căn bản mà còn có nhiều kiến thức nâng cao như phần mềm đồ họa, photoshop, khai thác internet… giúp ĐVTN có điều kiện nâng cao kỹ năng tin học phục vụ công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hòa, TNCN xa quê đang làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát, chia sẻ: “Ở quê, gia đình khó khăn nên tôi chưa được học tin học. Vì thế, khi được tham gia lớp học này, tôi được cung cấp nhiều kiến thức hay và bổ ích”.
Nhằm nâng cao trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ Đoàn - Hội - Đội trong toàn tỉnh, đồng thời xây dựng đội ngũ hạt nhân tin học tại các xã, phường, thị trấn đạt trình độ A quốc gia về tin học, hàng năm BCĐ đề án cấp tỉnh đều xây dựng và ban hành kế hoạch về việc đào tạo cho cán bộ Đoàn trong toàn tỉnh. Theo đó, thời gian qua, BCĐ đã tổ chức được 7 lớp chứng chỉ A cho 324 cán bộ Đoàn - Hội - Đội trong toàn tỉnh. Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng BCĐ đề án, cho biết: “Trong thời gian tới, BCĐ sẽ phối hợp với các công ty có chức năng đào tạo tin học nhằm đổi mới và nâng cao các hình thức học tập cũng như giảm chi phí cho học viên; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, rà soát lại nhu cầu và tìm ra giải pháp bồi dưỡng kiến thức tin học cho cán bộ Đoàn, ĐVTN; tăng cường công tác phối hợp, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên học tin học; tiếp tục tham mưu, phối hợp triển khai hiệu quả mô hình thư viện tri thức thanh niên…”.
NGỌC NHƯ