Tuy nhiên,ảngBìnhđưasảnphẩmOCOPlênsànthươngmạiđiệntửtỷ lệ trực tuyến bên cạnh những cơ hội vẫn còn nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) lẫn đơn vị quản lý nhà nước.
Mở ra nhiều cơ hội
Cùng với phương thức mua bán truyền thống, thời gian gần đây, nhiều DN, HTX, CSSX trong tỉnh Quảng Bình đã chọn phương thức mua bán trực tuyến thông qua mạng xã hội, sàn TMĐT. Tại đây, các DN, HTX, CSSX có nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình nhằm mở rộng thị trường, dễ dàng tìm kiếm đối tác, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhằm quảng bá, mở rộng thị trường, thời gian qua, Cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương, xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã tích cực tìm kiếm, kết nối đưa sản phẩm giới thiệu trên các sàn TMĐT.
Theo ông Phan Văn Kính, chủ cơ sở cho biết, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2022, tuy nhiên lượng tiêu thụ trong tỉnh rất kém. Từ khi được các cơ quan chức năng hỗ trợ, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều.
Hiện, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương không chỉ bán hàng qua các trang mạng xã hội mà còn được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn TMĐT, như: Buudien, Voso, Shopee, quangbinhtrade…
Khi khách đặt hàng qua các sàn TMĐT, cơ sở sẽ cập nhật số liệu cụ thể và chuyển hàng đến tận tay người mua thông qua các công ty vận chuyển. Mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường khoảng 30 tấn bột cháo canh khô, cho thu nhập từ 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm theo hình thức truyền thống tại các cửa hàng hải sản riêng của công ty, việc đưa các sản phẩm thủy sản, như: Cá chình thăng hoa, cá chình tiến vua, mực một nắng, tôm, cá, mực khô… lên các sàn TMĐT và các trang mạng xã hội đã giúp cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Mai Thịnh được nhiều người biết đến và mở rộng tiêu thụ ra các thị trường lớn.
Anh Trần Mạnh Thịnh, Giám đốc công ty cho biết: Khi đưa các sản phẩm của công ty lên sàn TMĐT, chúng tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Có nhiều khách hàng ở các địa phương khác trên cả nước gọi điện đặt hàng.
Đây là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh, gọn gàng, chính xác nhất. Trên sàn TMĐT, người tiêu dùng được biết đến quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong cả nước.
Hiện, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP, trong đó, 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm OCOP 3 sao. Để giúp các DN, HTX, CSSX đưa các sản phẩm này lên sàn TMĐT, thời gian qua, các sở, ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án TMĐT được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ, tư vấn các chủ thể tham gia sàn TMĐT nhằm quảng bá, giới thiệu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Thực tế hiện nay, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đối với các DN, HTX, CSSX trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Bởi nhiều chủ thể có sản phẩm nông sản chất lượng cao vẫn chưa mặn mà với công nghệ số, kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn yếu, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
Ngoài ra, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn, như: Một số hộ sản xuất không dùng điện thoại thông minh, cấu hình điện thoại thấp dẫn đến hình ảnh đưa lên kém chất lượng…
Đơn cử như nước mắm truyền thống Hiền Dục, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Mặc dù được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng từ nhiều năm nay, sản phẩm chủ yếu bán cho các mối hàng quen biết và các cửa hàng nông sản chứ chưa tham gia một sàn TMĐT nào.
Theo bà Cao Thị Nịnh, chủ cơ sở nước mắm Hiền Dục thì cơ sở đã được đầu tư thiết bị chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời, mỗi năm sản xuất gần 50 tấn cá, xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 lít nước mắm cốt loại I. Dù đã được tập huấn các kiến thức về TMĐT nhưng do tuổi cao nên bà vẫn chưa hiểu nhiều về việc kinh doanh trên nền tảng số.
Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT.
Riêng sàn TMĐT Quảng Bình (quangbinhtrade.vn) đã có 150 doanh nghiệp thành viên tham gia và được niêm yết với 260 sản phẩm được chào bán, trong đó phần lớn là các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc sản.
Còn trên sàn TMĐT buudien.vn (trước đây là sàn Porstmart.vn) của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hiện đang có gần 100 sản phẩm nông sản của Quảng Bình tham gia. Để đưa các sản phẩm lên sàn dễ dàng hơn, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn. Tuy nhiên, đây là sàn TMĐT mới, nên người tiêu dùng chưa thân thuộc, nhiều chủ thể có sản phẩm chưa mặn mà mặc dù đã được hỗ trợ, tư vấn cách đưa sản phẩm lên sàn.
Ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục quảng bá để các DN, HTX, CSSX và người tiêu dùng biết đến sàn TMĐT. Nhân viên bưu điện cũng sẽ đồng hành cùng bà con nông dân trong việc tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình đăng ký tài khoản, lập gian hàng, đăng bán sản phẩm cùng quy trình vận chuyển, thanh toán. Sắp tới, Bưu điện tỉnh sẽ cập nhật, đưa 100% sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên sàn buudien.vn; giới thiệu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với cơ chế bán hàng ưu đãi nhất dành cho các chủ thể sản xuất…
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: “So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT đã mở thêm cơ hội mới, giúp các DN, HTX, CSSX có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các vùng, miền. Cách thức tiêu thụ này rất phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng kết nối các sàn TMĐT đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn. Riêng website ocop.quangbinh.gov.vn do chi cục quản lý đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho 100% sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.
Việc kết nối để đưa nông sản của tỉnh lên các sàn TMĐT là hướng đi hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, giúp nông dân giữ ổn định giá nông sản, hạn chế sự phụ thuộc vào thương lái. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực kết nối của các cấp, các ngành thì các DN, HTX và người dân cũng cần chủ động trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Kinh doanh qua sàn TMĐT không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển và hình ảnh quảng bá. Điều này cũng rất quan trọng, đòi hỏi các DN, HTX, CSSX phải có tư duy đổi mới nhằm tận dụng được tối đa các lợi ích của TMĐT”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho hay. |
Theo Thanh Hoa(Báo Quảng Bình)