Đối mặt với "cuộc chiến" khốc liệt ở thị trường trong nước, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc bắt đầu rục rịch mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài với nhiều dịch vụ hấp dẫn.
Mới đây, 1688.com - nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc tập đoàn Alibaba chủ yếu phục vụ nội địa đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc.
Theo đó, khi truy cập ứng dụng, người dùng Việt Nam có thể thấy các giao diện như thanh toán, vận chuyển, trả hàng... đã được thể hiện bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, nền tảng thương mại điện tử này còn tạo nhóm WhatsApp Việt Nam để hỗ trợ và cập nhật các tính năng mới.
Với thay đổi này, người Việt có thể lựa chọn và thao tác mua hàng tương tự như khi sử dụng trên các ứng dụng thương mại điện tử khác. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng hỗ trợ các loại thẻ quốc tế, ngoài kênh ví nội địa Trung Quốc là Alipay.
Ngoài ra, nhiều nội dung hướng dẫn về vận chuyển cũng được hiển thị tiếng Việt song song với tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung tiếng Việt mới chỉ giới hạn một phần nhỏ, khi chọn sản phẩm, ứng dụng vẫn sẽ chuyển về tiếng Trung Quốc khiến người dùng Việt Nam gặp khó khăn.
Trước đó, từ tháng 8, Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Đây là những động thái mới nhất của "ông lớn" bán lẻ trực tuyến Taobao nhằm chống lại sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Temu, Shein.
Chương trình này mới áp dụng cho người dùng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macao (Trung Quốc). Người bán sẽ chỉ cần vận chuyển hàng hóa đến kho hàng được chỉ định của Taobao tại Trung Quốc và bộ phận hậu cần của Alibaba, Cainiao sẽ xử lý hầu hết quy trình còn lại.
Cụ thể, tại Hong Kong (Trung Quốc), Taobao sẽ giao hàng miễn phí cho khách hàng với đơn hàng tối thiểu 99 Nhân dân tệ (CNY), tương đương 14,1 USD kể từ ngày 1/10. Bao gồm tất cả mặt hàng như phụ kiện quần áo, đồ điện tử, đồ thể thao, mỹ phẩm..., theo Yicai.
Tại Singapore, Taobao cũng đã cho ra mắt giao diện bằng tiếng Anh trên phiên bản iOS và Android để phục vụ người dùng quốc gia này. Singapore là thị trường thứ 2 mà "ông lớn" bán lẻ trực tuyến Taobao áp dụng sau thị trường lân cận là Malaysia.
Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam. Về phí vận chuyển, "ông lớn" bán lẻ trực tuyến áp dụng chính sách vận chuyển miễn phí nội địa và thu phí đối với vận chuyển đến Việt Nam.
Cụ thể, một đơn hàng khi đặt trên ứng dụng sẽ được vận chuyển về kho hàng của Taobao, quá trình vận chuyển này sẽ không mất chi phí. Sau đó, hàng từ kho sẽ được vận chuyển đến Việt Nam, quá trình này người mua sẽ phải trả phí vận chuyển.
Chẳng hạn, một đơn hàng có giá 39,9 Nhân dân tệ, tương đương hơn 140.000 đồng, sẽ mất thêm khoảng 8 Nhân dân tệ, tương đương 28.000 đồng phí vận chuyển đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, quá trình mua hàng trên trang thương mại điện tử Taobao khá phức tạp, đặc biệt trong khâu thanh toán. Không ít khách hàng cho rằng rất rủi ro khi người mua phải thanh toán trước, nhất là mua hàng từ nước ngoài, nhiều trường hợp đã xảy ra tình trạng thất lạc hàng hóa, giao sai mẫu...
Mới đây, YouTube và Shopee đã công bố hợp tác chiến lược, nhằm mục tiêu đối đầu trực tiếp với "gã khổng lồ" TikTok. Người dùng có thể mua các sản phẩm xuất hiện trên YouTube thông qua liên kết đến Shopee. Hai nền tảng này dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ sang Thái Lan và Việt Nam. Hiện tại, YouTube Shopping đã có mặt tại Hàn Quốc và Mỹ.
Tại Việt Nam, cuộc đua thương mại điện tử đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa 4 "ông lớn" gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki. Theo số liệu của Metric, trong quý II, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần.
Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (7,6% thị phần) và hơn 997 tỷ đồng (1,3% thị phần).