- Con hẻm cụt trên đường số 21 (P.8 Q. Gò Vấp TP.HCM) vắng lặng. Ở cuối hẻm,ụgiàtuổiđibộkhắpSàiGònbánbánhnuôicontậtnguyềnhận định giải ý một cụ già lưng còng tóc bạc đang ngồi nhặt từng con tép. Cụ cắt đầu, bỏ đuôi. Những con tép nằm gọn trong chảo chuẩn bị cho bữa ăn trưa...
Dường như ở khu vực này không ai không biết cụ. Cụ là Nguyễn Văn Chúm, đã 97 tuổi nhưng hàng ngày vẫn lầm lũi mưu sinh nuôi 2 người con tật nguyền.
Gian nan một mảnh đời
Cụ vừa làm xong gói tép. Từ trong nhà, một phụ nữ bước ra đỡ lấy chảo tép đem vào chế biến. Cụ rửa tay rồi ngả người trên chiếc ghế nghỉ ngơi.
"Hàng chục năm nay như thế rồi anh ạ. Kể từ khi mẹ chúng qua đời, mọi việc từ kiếm ăn đến sinh hoạt cho cả 2 đứa đều một tay tôi lo toan tất cả." Cụ Chúm chậm rãi kể lại.
Cụ Chúm làm tép chuẩn bị bữa ăn trưa |
Cụ người miền bắc. Quê tận Hà Đông. Cụ và vợ đùm túm vào nam vào những ngày trước 1954. Rồi bà vợ mất, cụ tục huyền với một người phụ nữ quê ở Mỏ Cày (Bến Tre) sinh ra được 3 người con, 2 gái một trai.
Ít tiền, cụ tìm được một căn nhà sàn nằm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cạnh cầu Bông. Ở đó, hàng ngày cụ đạp xe ba bánh chở trên đó nào lò, nào nồi niêu, hấp bánh ướt bán dạo khắp hang cùng ngõ hẹp.
Chị Loan - con gái cụ bị câm điếc - luộc rau |
Hai người con gái của cụ thật không may. Người con lớn bị tâm thần. Tuy ở thể trạng nhẹ nhưng chị vẫn không thể lao động được. Người thứ 2, sinh ra đã mang tật câm điếc.
Cuộc sống cứ thế dần trôi. Với chiếc xe ba bánh ngày đêm cụ len lỏi vào tận những khu dân cư lao động bán từng đĩa bánh kiếm tiền về nuôi vợ con. Lúc này, hai cô con gái và cậu con trai còn nhỏ, được mẹ kề cận chăm chút. Cụ chỉ đi bán mọi việc đã có tay bà quán xuyến ...
Cuộc sống cứ như thế thì cũng chẳng có gì phải bàn. Được vài năm chúng lớn lên. Hai cô con gái bệnh tật thì không nói làm gì. Chỉ có thằng con trai càng lớn càng lêu lỏng rồi sa vào nghiện ngập. Nó chết khi chưa đến tuổi thành niên.
Trò chuyện với cụ, chúng tôi không nghĩ mình đang ngồi với một cụ già đã sống gần 1 thế kỷ. Cụ vẫn khỏe. Trí óc cụ minh mẫn. Cụ còn nhớ nhiều chi tiết nhỏ trong cuộc sống.
Chuẩn bị bữa cơm trưa cho cha |
"Sau khi đứa con trai chết đi, gia đình chúng tôi gần như suy sụp. Thế nhưng, là người đầu tàu, tôi không thể để đổ vỡ cả một gia đình". Cụ tiếp tục kể cho chúng tôi, cụ đã vực tinh thần vợ con dậy. Phải vui vẻ mà sống. Ngày ngày cụ vẫn đạp xe mưu sinh. Hai cô con gái vẫn trong vòng tay yêu thương của mẹ"
"Có lẽ số tôi nó như thế anh ạ. Không biết kiếp trước tôi có nợ nần gì không mà giờ đây tôi phải trả. Vợ tôi lại qua đời sau một cơn bạo bệnh. Lúc này 2 con tôi cũng đã lớn. Một mình tôi gánh vác tất cả, từ miếng ăn đến giấc ngủ cho các con.
Rồi lệnh giải tỏa nhà sàn ven kênh. Chúng tôi phải chấp hành. Tiền đền bù đủ cho tôi mua một chỗ ở như hiện nay nhưng tồi tệ hơn nhiều. Chúng trống trước hở sau nhưng thôi có chỗ ngã cái lưng là tốt rồi..."
Hai tay hai giỏ
Trò chuyện đến đây thì chị Loan năm nay đã 48 tuổi, người con bị câm điếc của cụ đã nấu cơm xong. Chị ra dấu mời cụ dùng cơm. Bữa cơm thật đạm bạc. Canh rau muống nấu tép và một đĩa rau luộc.
"Tôi chỉ thích ăn rau. Hôm nào tôi đi ngang chợ tôi cũng mua rau về". Cụ vừa ngồi vào bàn vừa nói. Dường như thói quen của những người miền Bắc vẫn còn nơi cụ. Với tay lấy chai nước để cách đó không xa. "Anh làm với tôi một cốc nhé".
Sắp bánh vào giỏ |
Thì ra đó là chai rượu trắng. Tợp một hớp, đậy chai lại, cụ khè một tiếng rồi bưng chén cơm ăn ngon lành. "Thế còn một chị nữa đâu" - Tôi hỏi cụ.
Cụ nói : "Con Thanh nó đã 50 tuổi rồi. Nó bị tâm thần không bao giờ ăn chung với gia đình. Khi nào không còn ai nó mới mò xuống bếp lục tìm cơm. Hiện giờ nó vẫn cứ nằm trên gác...
Bữa cơm qua nhanh. Rót ly nước, cầm cây tăm cụ uống vội rồi bước nhanh ra trước cửa. Ngồi sụp xuống cụ giở tấm bạt lộ ra 2 bao bánh. Cầm 2 chiếc giỏ đến cụ xếp bánh theo từng loại ...
Mấy năm gần đây, xe ba bánh bị cấm. Hơn thế nữa, sức khỏe ngày một yếu nên không thể đạp xe bán bánh như trước. Hàng ngày tôi xách 2 giỏ bánh, gồm bánh tét và bánh giò đi chung quanh khu vực này để bán. Từ 11g trưa tôi xuất phát đi bán cho đến khi nào hết bánh thì về. Các loại bánh này chỉ thích hợp vào mùa mưa. Trời mưa tuy có ướt nhưng được cái nhanh hết. Còn mùa này thì có khi đến 9 - 10g đêm tôi mới về đến nhà.
Lưng còng vẫn xách được 2 giỏ nặng |
Lao vào cuộc mưu sinh |
Công việc mưu sinh của cụ thật vất vả. Chúng tôi phát hiện ra cụ vào một buổi tối trên đường Cây Trâm. Lúc ấy, hai giỏ bánh cụ còn nặng lắm. Thế mà cụ len lỏi vào các hẻm, chui vào những khu ổ chuột rồi trở ra hai giỏ bánh đã vơi đi phân nửa.
Chúng tôi âm thầm theo cụ. Cụ xách 2 giỏ bánh đi tiếp. Ngang qua một nhà nọ. Có tiếng gọi. Cụ dừng lại. Chị chủ nhà đon đả : "Bác bán hết chưa ? Còn nhiều không ?" Thì ra khách quen của cụ.
Cụ qua nhiều con đường trong khu vực này với chiều dài phải lên đến gần 20km. Những người ngụ hai bên đường, ai cũng có ít nhất một lần mua bánh của cụ. Chị khách quen mua vài cái bánh giò và một cây bánh tét. "Bánh tét này sang mai con cho mấy đứa nhỏ ăn sáng. Còn bánh giò, tối ông xã làm về khuya cho ổng ăn". Chị nói với cụ bằng giọng nói chân tình như con nói với cha. Có lẽ đó cũng là chút ấm áp trên bước đường gian nạn của cụ. Từ đó, chúng tôi hỏi thăm nhà cụ và đã ghé lại chứng kiến cảnh nhà buồn tẻ như trên.
Bước đi liêu xiêu vào xóm nhỏ |
Hai giỏ bánh đã đầy. Tôi xách thử một giỏ. Khá nặng, ước chừng phải 7- 8kg. Nặng như thế mà 2 tay 2 giỏ, ông cụ gần 100 tuổi này mỗi ngày xuôi ngược hàng chục km để kiếm miếng ăn, để nuôi 2 con bệnh tật.
Tôi mở hàng cho cụ, một cây bánh tét và 5 chiếc bánh giò. Chưa biết sẽ ăn thế nào đây nhưng trước mắt giúp đôi tay cụ được nhẹ nhàng hơn.
Cụ chào từ biệt tôi để lên đường. Trong cái nắng cháy da của thời tiết Sài Gòn, cụ bước đi liêu xiêu. Bên tai tôi còn văng vẳng câu nói của cụ: "Nhờ trời đến nay tuổi đã cao nhưng chưa có bệnh tật gì. Nếu lỡ tôi mất đi, 2 đứa con tôi làm sao sống đây ?".
Một chút xót xa. Âu cũng là nỗi nghiệt ngã của một con người !!!
Trần Chánh Nghĩa