Lời tòa soạn: Kỉ niệm 55 năm cuộc vận động “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (2/1966 – 2/2021),àyTiếngViệt–tạisaocầncóti so nha GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) và TS Nguyễn Thế Dương (Trường “Yêu Tiếng Việt” – Australia) gửi tới VietNamNet bài viết nêu vấn đề "Ngày Tiếng Việt: Tại sao cần có?". Dưới đây tòa soạn giới thiệu ý kiến này và mong nhận được trao đổi của bạn đọc (theo email: [email protected]). Trân trọng cảm ơn!
“Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc”
Cách đây hơn hai thế kỉ, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức Wilhelm von Humboldt đã nêu ra luận điểm nổi tiếng: “Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc”… và “đối với nền văn hóa quốc gia thì không có gì quan trọng hơn ngôn ngữ cả”.
Chữ quốc ngữ giai đoạn manh nha. Đồ họa: Diễm Anh |
Đối với bất cứ một quốc gia nào, ngôn ngữ luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Ngôn ngữ là một trong những chỉ tố quan trọng nhất để nhận diện bản sắc của một quốc gia. Ngôn ngữ cũng là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của một đất nước. Bảo tồn tiếng mẹ đẻ chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Vì tầm quan trọng như vậy mà việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh tiếng mẹ đẻ luôn được các cộng đồng quốc gia chú ý và bản thân ngôn ngữ cũng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của từng quốc gia.
Những ngày tôn vinh tiếng mẹ đẻ trên khắp thế giới
Tiếng mẹ đẻ chính là hồn cốt của dân tộc, là điều thiêng liêng gắn liền với bản sắc của mỗi quốc gia. Chính Liên Hợp Quốc cũng đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Hiện nay, nhằm thúc đẩy sự thống nhất trong đa dạng cũng như chủ nghĩa đa ngữ và đa văn hóa, Liên Hợp Quốc đã tôn vinh 7 ngôn ngữ chính là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Hoa, Bồ Đào Nha và Ả Rập trong 7 ngày khác nhau.
Ngay trong nhiều quốc gia, việc dành một ngày tôn vinh tiếng mẹ đẻ của mình đã được phê chuẩn và thực hiện. Chẳng hạn, tại bán đảo Triều Tiên, người ta kỉ niệm ngày chữ Hàn (Ngày Hangeul hay ngày Chosŏn'gŭl) vào 9 tháng 10 ở Hàn Quốc và 15 tháng 1 ở Triều Tiên nhằm tưởng niệm việc phát minh ra bảng chữ cái tiếng Triều. Tại Nhật Bản, người ta lấy ngày 12/12 hàng năm là ngày Kanji (Hán tự). Tại Đức, nhằm làm sống lại những giá trị của tiếng Đức trên toàn cầu, từ năm 2001, người Đức đã lấy ngày 11/9 hàng năm là ngày Tiếng Đức…
Ngay tại Đông Nam Á, Vua Rama IX đã phê chuẩn ngày 29/6 là ngày tôn vinh tiếng Thái nhằm thúc đẩy và nâng cao nhận thức của người dân Thái Lan về giá trị và tầm quan trọng của ngôn ngữ quốc gia.
“Ngày Tiếng Việt” - đã đến lúc cần phải có
Cũng giống như các ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt đồng hành cùng dân tộc Việt từ thuở dựng nước. Trải qua bao thăng trầm, tiếng Việt vẫn hiên ngang tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, giúp cho dân tộc ta định hình bản sắc, nền văn hiến và tránh bị đồng hóa… Đúng như nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã khái quát: “Tiếng ta còn, nước ta còn”, tiếng Việt chính là tài sản chung vô giá của đất nước và nhân dân ta.
Tiếng Việt là tài sản chung vô giá của nhân dân |
Kể từ sau năm 1945, vị thế của tiếng Việt được trân trọng, nâng cao và bảo vệ hơn bao giờ hết. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong hệ thống giao dịch hành chính nhà nước, trong giáo dục, trong các hoạt động văn hóa… Trên phương diện luật định, Hiến pháp năm 2013 quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Như vậy, tiếng Việt đã được hiến định với tư cách là ngôn ngữ quốc gia. Trên phương diện thực tiễn, đã có nhiều phong trào nhằm bảo tồn và phát triển tiếng Việt như cuộc vận động “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” do Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng.
Tiếng Việt hòa cùng sự phát triển của đất nước, là tấm gương phản ánh những biến đổi từng ngày từng giờ của chúng ta. Điều đáng tiếc là hiện nay, bên cạnh những điểm sáng, diện mạo tiếng Việt cũng có phần bị méo mó, biến dạng. Nhiều cách nói, lối nói, từ vựng mới du nhập vào tiếng Việt như là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Thế nhưng, không phải tất cả chúng đều là tích cực. Những người yêu tiếng Việt không khỏi chạnh lòng và bức xúc khi thấy nhiều lối nói, cách dùng từ lai căng, dễ dãi thậm chí phản cảm. Bên cạnh đó, những tranh cãi và cả bức xúc xung quanh đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ, những bát nháo trong thị trường từ điển tiếng Việt, những câu chuyện không dứt về phiên âm, viết hoa, chuẩn hóa chính tả… cho thấy rằng tiếng Việt hơn lúc nào hết cần được gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh bằng những hành động thiết thực và hiệu quả.
Để làm được việc đó, điều quan trọng là tiếng Việt phải được luật hóa, tức là có một bộ luật dành cho tiếng Việt. Điều này thực chất là sự cụ thể hóa của nội dung “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” trong bản Hiến pháp hiện hành. Hiện tại, Viện Ngôn ngữ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nghiên cứu về cơ sở lí luận và thực tiễn, trong lộ trình chuẩn bị và xây dựng để Luật tiếng Việt có thể được ra đời trong thời gian sớm nhất.
Một điều rất cần thiết và thiết thực nữa hiện nay là xác lập một ngày riêng: “Ngày Tiếng Việt” nhằm tôn vinh tiếng Việt. Đây sẽ là một dịp để nhắc nhở mọi người mang trong mình dòng máu Việt, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, về việc gìn giữ và phát huy giá trị của tiếng Việt trong thời đại hội nhập. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tổ chức những hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế của tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ quốc gia.
Đây cũng là ngày để mọi người dân Việt Nam vui sướng và tự hào tưởng nhớ và vinh danh những giá trị của tiếng Việt, của chữ Quốc ngữ trong quá khứ và hiện tại. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận và phác thảo ra những định hướng phát triển cho tiếng Việt trong tương lai, khắc phục những điểm bất cập để tiếng Việt mãi là một viên ngọc lung linh tỏa sáng cùng dân tộc.
Thực tế, đã có những đề xuất trước đây của các nhà chuyên môn về một ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt. Sau những sự kiện gây hoang mang trong dư luận liên quan đến tiếng Việt gần đây, đây chính là thời điểm chín muồi để hiện thực hóa và chính thức hóa một “Ngày Tiếng Việt”, nhất là khi chúng ta đang trong dịp kỉ niệm 55 năm phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (1966 – 2021) được Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động.
“Ngày Tiếng Việt” – nên chọn ngày nào?
“Ngày Tiếng Việt” dĩ nhiên cần phải gắn liền với tiếng Việt. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy rằng họ thường lựa chọn những ngày liên quan đến các danh nhân văn hóa kiệt xuất gắn liền với ngôn ngữ đó. Chẳng hạn, ngày tiếng Nga là ngày sinh của Pushkin, ngày tiếng Tây Ban Nha là ngày mất của Cervantes… Nếu theo truyền thống này thì có thể chọn ngày 3 tháng 1 (hoặc ngày 23 tháng 11 âm lịch), tức là ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, tác gia tiêu biểu của văn học nước nhà, là “Ngày Tiếng Việt”.
Một phương án khác có thể cân nhắc là ngày 25 tháng 5. Đây là ngày thành lập của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1938). Ngoài ra, có thể lựa chọn ngày 8 tháng 9. Đó là ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập (1945). Đây là phong trào đã giải quyết được giặc dốt - một trong các vấn đề cấp bách nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào những ngày đầu thành lập.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học)
TS Nguyễn Thế Dương (Trường “Yêu Tiếng Việt” – Australia)
Những bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 cách đây 20-30 năm gợi sự thương nhớ với nhiều người.