Sở GD-ĐT Nghệ An vừa ban hành kế hoạch Khảo sát năng lực giáo viên Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đây là một trong những nội dung nhằm góp phần thực hiện Đề án 'Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025,ệAnGiáoviênTiếngAnhphảlich bundes định hướng đến năm 2030'.
Theo đó, tất cả giáo viên tiếng Anh trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ tham gia khảo sát, trừ những người đã có chứng chỉ quốc tế được quy đổi đạt chuẩn theo quy định của cấp học (thời gian được tính trong vòng 5 năm, kể từ thời gian ghi trên chứng chỉ); giáo viên còn dưới 24 tháng đến tuổi nghỉ hưu, tính từ 1/3/2021.
Việc khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhằm mục đích xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định và việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, làm cơ sở để lựa chọn những giáo viên tiếng Anh có trình độ, năng lực tốt làm cốt cán cho ngành giáo dục.
Để thực hiện việc này, hiện Sở GD-ĐT Nghệ An đã yêu cầu các nhà trường và các phòng GD-ĐT tổ chức rà soát thực trạng giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cập nhật thông tin về chứng chỉ năng lực của giáo viên tiếng Anh (theo Đề án Ngoại ngữ 2020) lên phần mềm bồi dưỡng thường xuyên.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Trao đổi với VietNamNet, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết, việc khảo sát được giao cho đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế.
“Việc khảo sát để biết được năng lực thực tế của đội ngũ giáo viên theo chuẩn quốc tế, chứ không đưa vào đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng của năm. Chúng tôi ký kết với IIG tổ chức khảo sát theo dạng thức đề Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ. Các giáo viên sẽ trải qua bài thi TOEIC. Qua bài toán phân tích theo chuẩn quốc tế, chúng tôi sẽ nắm được các giáo viên của địa phương mình đang thiếu hụt những kỹ năng gì.
Từ kết quả này, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng từ năm 2021 đến 2024 và tổ chức thi để lấy chứng chỉ quốc tế”, ông Thành nói.
Ông Thành cho hay Nghệ An tổ chức việc khảo sát này không phải để so sánh các giáo viên với nhau mà quan trọng nhất là qua nắm bắt thực trạng và khuyến nghị của tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế để có các chương trình bồi dưỡng phù hợp.
“Như vậy, giáo viên còn thiếu nhiều kỹ năng thì bồi dưỡng nhiều, giáo viên thiếu ít kỹ năng hơn sẽ bồi dưỡng ít hơn. Thông tin về điểm số của giáo viên sẽ là tư liệu mật của ngành, không công bố công khai rộng rãi, tránh gây tâm lý mặc cảm không hay đối với giáo viên. Sở sẽ cân nhắc chỉ gửi dữ liệu cho từng trường có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của mình”, ông Thành nói.
Theo kế hoạch, dự kiến, từ ngày 1/8 đến 31/8/2021, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát cho toàn bộ giáo viên tiếng Anh cấp THPT và giáo dục thường xuyên.
Từ ngày 1/11 đến 30/11/2021, tổ chức khảo sát cho toàn bộ giáo viên tiếng Anh cấp THCS.
Từ ngày 1/3 đến 30/3/2022, tổ chức khảo sát cho toàn bộ giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học.
Thanh Hùng
Không ít thầy cô hoang mang, lo sẽ “gặp khó” để đạt 6.5 IELTS. Song phụ huynh và nhiều chuyên gia cho rằng điều này là cần thiết.