Lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch
Ngày 3/12,àNộidẫnnướcsôngHồngquothồisinhquotsôngTôLịchbằngcáchnàltd hom nay trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Sở Xây dựng cho biết, sông Tô Lịch có 24 cửa xả lớn và 95 cửa xả nhỏ, cơ bản sẽ được thu gom, đưa về nhà máy nước thải Yên Xá. Nhà máy này đã vận hành thử từ ngày 1/12.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cửa xả trên sông Tô Lịch nằm trong phạm vi lưu vực S3 sẽ đưa về nhà máy nước thải Phú Đô, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng nhanh nhà máy này. Sở Xây dựng đang phối hợp với Công ty Thoát nước rà soát các cửa xả để xử lý.
Về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, vị này cho hay, việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch sẽ thông qua trạm bơm Liên Mạc về trạm bơm Xuân Phương rồi qua hệ thống kênh nước thải. Nước đi qua thành phố giao lưu khu Tây Hồ Tây về đường Hoàng Quốc Việt, sau đó mới chảy vào sông Tô Lịch theo quy hoạch.
Quãng đường dẫn nước về sông Tô Lịch khoảng 8km và phải đi qua nhiều khu vực dân cư cần giải phóng mặt bằng nên Sở Xây dựng cho rằng phương án này không khả thi.
Theo đại diện Sở Xây dựng, phương án tốt nhất hiện nay là lấy nước từ sông Hồng đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đê Âu Cơ để vào hồ Tây. Tuy nhiên, đường Nhật Tân - Âu Cơ vừa được cải tạo, nâng cấp nên việc làm đường ống qua đê sẽ gặp khó khăn, cần tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Có thể sử dụng phương án khoan kích ngầm, tuy nhiên Sở Xây dựng và các đơn vị đang tính phương án làm ống ngầm đi qua đoạn đê chưa được cải tạo, nâng cấp, sau đó đưa ống ngầm vào ngõ 566 Lạc Long Quân và đi vào hồ Tây, theo đại diện Sở Xây dựng.
"Sở và các đơn vị đã khảo sát thực tế, phương án này đảm bảo yêu cầu và quãng đường ống dẫn ngắn để đưa nước về hồ Tây", đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
Vị này cho hay, khi nước sông Hồng về đến hồ Tây sẽ bổ sung cho sông Tô Lịch qua hai cửa điều tiết A, B.
"Để đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường sông Tô Lịch, chúng ta sẽ phải bổ sung các trạm bơm với công suất khoảng 3m3/s. Sở sẽ nghiên cứu trình tự thủ tục nhanh nhất để thực hiện", đại diện Sở Xây dựng nói.
Ngoài ra, Hà Nội đã giao quận Tây Hồ nghiên cứu lập dự án quản lý tổng thể hồ Tây, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao xây dựng đề án cải tạo môi trường 4 sông nội đô gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét.
Các đơn vị liên quan cần sớm thực hiện các đề án trên để đảm bảo môi trường sinh thái ở hồ Tây và 4 sông nội đô, trong đó ưu tiên làm sạch sông Tô Lịch trước, đại diện Sở Xây dựng nói.
"Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nếu giải quyết được 4 con sông trong nội đô thì sẽ đáp ứng được kỳ vọng. Nếu thực hiện được thì đến năm 2030, 100% nước thải của 12 quận nội thành và 62km2 khu vực Long Biên sẽ được xử lý", vị này khẳng định.
30.000 tỷ đồng đã "đổ" vào sông Tô Lịch nhưng không đạt kỳ vọng
Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đã có khoảng 30.000 tỷ đồng đầu tư các dự án làm sạch sông Tô Lịch nhưng đến nay chưa đạt kỳ vọng.
Giải pháp đang được đầu tư để làm sạch sông Tô Lịch hiện nay được thực hiện là xây dựng cống ngầm tách nước thải khỏi dòng sông.
Tuy nhiên, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (tách nước thải khỏi sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực Hà Đông) được khởi công từ tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD (tổng công suất 270.000m3/ngày đêm), đến nay mới chỉ có nhà máy hoàn thành và vận hành thử vào ngày 1/12.
Gói thầu làm tuyến cống ngầm dọc hai bên sông Tô Lịch đến nay hoàn thành khoảng 98%, đang hoàn trả mặt bằng và dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng 12.
Sau hơn 8 năm khởi công, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD vẫn chưa đạt kỳ vọng. Sông Tô Lịch vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân rất bức xúc.
Tại buổi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai thực hiện dự án mới đây, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, gói thầu số 2 (cống ngầm dọc sông Tô Lịch) đã cơ bản hoàn thành nhưng khi nhà máy vận hành sẽ chưa thể thu gom triệt để nước thải vào sông, nhất là đoạn thượng lưu do còn một số cửa xả chưa được thu gom vào hệ thống.
Ông Đông giao Sở Xây dựng Hà Nội tham mưu, bổ sung thu gom ngay các cửa xả vào hệ thống để đấu nối, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Nếu không kịp, phải có phương án bịt hết các cửa, tuyệt đối không để xả thải trực tiếp vào sông Tô Lịch chưa qua xử lý.
Để nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chạy hết công suất 270.000m3/ngày đêm, Hà Nội cần sớm hoàn thiện hệ thống cống bao cho sông Lừ (gói thầu số 3) và xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông (gói thầu số 4).
Đến nay, cả hai gói thầu trên vẫn chưa "hẹn ngày về đích".
Đối với việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố đã quyết định đây là dự án khẩn cấp để cải thiện môi trường Hà Nội.
Ông Thanh yêu cầu Sở Xây dựng và các sở ngành đẩy nhanh tiến độ để sau 9 tháng, đến 2/9/2025, phải hoàn thành dự án trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào.
Đặc biệt lưu ý phải tính toán phương án đảm bảo hệ sinh thái hồ Tây, ông Thanh gợi mở phương án bổ cập nước theo hai đường ống độc lập, trong đó một đường ống bổ cập nước cho hồ Tây khi cần thiết và một đường ống thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch chạy độc lập, ngầm dưới lòng hồ, tuyệt đối không được làm biến dạng hệ sinh thái hồ Tây.
Cùng với đó, ông Thanh cũng yêu cầu tiếp tục tiến hành xử lý môi trường tổng thể và đồng bộ 4 dòng sông nội đô.