Sinh thời,ệnghencủacondâutrưởngthisĩTảnĐàlich thi dau brazil thi sĩ Tản Đà từng tự trào về cuộc đời mình: “Trời sinh ra bác Tản Đà / Quê hương thì có cửa nhà thì không / Suốt đời Nam Bắc Tây Đông / Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly”. Thế nhưng, trưởng nam của nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, năm nay đã 93 tuổi, đang sống cùng vợ 90 tuổi ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), thì khác...
Duyên trời
Năm 1945, chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Xương tham gia Ban Tuyên truyền xung phong do nhà báo Nguyễn Hữu Đang phụ trách, có nhiệm vụ xây dựng và hướng dẫn các đội văn nghệ thiếu nhi kháng chiến. Được phân công về vùng nông thôn tỉnh Thái Bình, những bóng dáng giai nhân phố phường chợt nhạt nhòa khi anh quen biết cô gái 19 tuổi Ngô Thị Thủy, đội trưởng đội văn nghệ thiếu nhi. Người con gái ấy vừa xinh đẹp, nết na, lại vừa hát hay, nhưng Nguyễn Khắc Xương không biết làm cách nào để tỏ tình. Một buổi đến thăm và kiểm tra tình hình của đội, sau khi xong việc, cô Thủy bẽn lẽn đưa tặng Nguyễn Khắc Xương chiếc khăn tay. “Anh Xương ơi! Em thêu thế này có được không?”. Xương mở chiếc khăn ra, thấy họ tên mình được thêu rất đẹp trên nền vải trắng. Tình yêu hé nụ. Ba năm sau, hai người được cơ quan đứng ra tổ chức cưới.
Nhà thơ Tản Đà đã mất trước đó chín năm, nhưng gia đình rất nền nếp, phải được sự đồng ý của mẹ mới tổ chức. Nguyễn Khắc Xương và một đồng chí thay mặt cơ quan đi bộ suốt từ Thái Bình về quê tận Sơn Tây để xin phép mẹ. Không biết do xa nhà đã lâu hay mang gien lãng tử của cha mà Nguyễn Khắc Xương quên béng đường về nhà. Hỏi thăm mãi, mất một ngày mới về tới, tuy được mẹ đồng ý cho cưới vợ, nhưng anh bị mắng cho thậm tệ. “Sao con lại vô tâm thế. Mới đi mấy năm mà đã quên đường về nhà?”. Ngay sau đó, hai người lại hối hả quay về Nam Định, xin phép cha mẹ vợ tương lai. Có lần, bà Thủy kể: “Đám cưới được cơ quan tổ chức vui lắm. Nhưng mấy hôm sau giặc Pháp càn quét, hai vợ chồng chạy lạc mấy tuần lễ mới tìm thấy nhau”.
Chuẩn bị đưa vợ đi dạo. |
Ớt nào chẳng cay...
Nguyễn Khắc Xương rất đẹp trai, phong độ. Cho đến thời ông 70-80 tuổi vẫn còn nhiều bà, nhiều cô mê vẻ đẹp phong trần của ông. Lúc còn công tác ở cơ quan văn hóa kháng chiến thì khỏi phải nói, bà Thủy giữ chồng còn hơn giữ... trẻ con. Bà bảo, không khéo giữ, chắc mất chồng lâu rồi. Ông thì thanh minh, mình chỉ “đào hoa” chứ không “lẳng lơ”. Mỹ nhân thì tự cổ chí kim ai mà không thích, ông chỉ thích chứ không bỏ vợ con mà chạy theo.
Những năm 1950-1952, khi ông chuyển về Sở Công an Hải Phòng, công tác trong đội phòng chống gián điệp vì giỏi tiếng Pháp, bà Thủy lúc ấy vừa nuôi con vừa hoạt động du kích kháng chiến. Tuy xa chồng nhưng bà rất yên tâm vì tin môi trường công tác mới sẽ giúp chồng tránh xa cạm bẫy. Ai ngờ, “tai nạn đầu đời” của chàng trai tài hoa lại xảy ra ngay ở cơ quan công an. Năm 1952, đơn vị giao cho Nguyễn Khắc Xương hỏi cung một nữ điệp báo của Pháp. Cô gái này không những xinh đẹp mà còn giỏi chơi piano, giỏi tiếng Pháp, thuộc làu thơ Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Huy Cận. Hỏi cung “địch” được một ngày, ông chuyển sang hỏi chuyện văn chương và đụng ngay một người tâm đầu ý hợp.
Cuộc hỏi cung biến thành đàm đạo văn chương, thậm chí Nguyễn Khắc Xương còn giở nghề xem tướng số của cha ra để có cơ hội cầm tay cô gái mà xem bói. Người bảo vệ bên ngoài nghe được câu chuyện, báo cáo cấp trên, thế là Nguyễn Khắc Xương bị kiểm điểm, phê bình “tóe khói”. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông tâm sự với cánh nhà văn trẻ: “Một mỹ nhân cùng với hệ tư tưởng như hố sâu ngăn cách, mình bị kiểm điểm là đáng thôi. Nhưng từ đó, mình buộc phải dằn lòng, phải vật lộn với chính mình để giữ được sự trung thành với sự nghiệp và chung thủy với vợ. Những lúc mình sắp trượt ngã, lại nhớ đến vụ hỏi cung nọ, thế là tỉnh hẳn ra”.
Sau đận ấy, Nguyễn Khắc Xương được chuyển về “thủ đô văn hóa kháng chiến” ở Hạ Hòa (Phú Thọ). Hòa bình, ông chính thức là cán bộ văn hóa Phú Thọ, cùng với nhà thơ Bút Tre - Đặng Văn Đăng - lúc đó là Trưởng ty Văn hóa, vận động thành lập Chi hội Văn hóa dân gian. Biết rõ năng lực của Nguyễn Khắc Xương, lãnh đạo Ty Văn hóa cho tự do đi điền dã khắp tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Vậy mà đến mấy lần cơ quan phải tiếp những vị khách không mời đến tìm Nguyễn Khắc Xương, toàn khách… đẹp.
Có cô là kỹ sư, cô là giáo viên, cô ở lâm trường. Họ đều khai với cơ quan là “trót yêu” con trai trưởng của cụ Tản Đà, có người còn nói mình đã có thai với ông. Bà Thủy lại bị một cơn tá hỏa, suýt ngất xỉu vì ghen. Cơ quan vội gọi Nguyễn Khắc Xương về để đối chất. Có cô vừa thấy ông đã nhào tới ôm cổ, khóc nức nở vì… nhớ. Tuy nhiên, sau đối chất, các cô thừa nhận là đã liều mạng tìm đến vì mê thơ và danh tiếng Tản Đà, nên mê luôn Nguyễn Khắc Xương, chứ thực ra chưa có gì nghiêm trọng xảy ra.
"Người đẹp của tôi"
Vợ chồng nhà văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đã mấy chục năm sống trong căn nhà nhỏ tại phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì. Hai người có với nhau đến bảy người con, nhưng hiện chỉ còn ba người con gái. Những người con trai của ông bà, người thì ốm bệnh qua đời, người hy sinh trong chiến tranh. Những năm ngoài bảy mươi, ông còn khỏe, thường nổi hứng đi đây đó khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu thêm văn hóa dân gian. Lúc thì xuống Hải Phòng thăm bạn thời kháng chiến, lúc vào tận Kon Tum thăm mộ con trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Hiển, về nhà lại cặm cụi viết. Ông đã có những tác phẩm đồ sộ như Tản Đà toàn tập hay Các lễ hội văn hóa dân gian ở Phú Thọ. Năm 2012, ba tập sách Truyền thuyết Hùng Vương; Tục ngữ ca dao dân ca Vĩnh Phú và Hát xoan Phú Thọ của ông đã được trao giải thưởng Nhà nước.
Ông rất thương vợ, thường ngậm ngùi nói về bà: “Ngày xưa bà ấy xinh đẹp và giỏi giang lắm. Bà ấy từng có thời tham gia du kích, tham gia kháng chiến rất hăng hái, vậy mà giờ trở nên dặt dẹo thế này. Bà ấy mắc bệnh tâm thần đã lâu, thỉnh thoảng lại đi lang thang ở những con ngõ quanh nhà, bị lạc đường, được những người hàng xóm tốt bụng đưa về nhà”.
Thương vợ, Nguyễn Khắc Xương bỏ hẳn thú vui điền dã, ở nhà chăm sóc bà, chiều chiều đẩy xe lăn đưa bà đi dạo trong hẻm phố. Cô thôn nữ xinh đẹp hát hay, múa giỏi ngày xưa giờ là bà lão bị liệt ngồi một chỗ, lẩn thẩn hát một câu chèo hay ngâm một câu thơ chợt nhớ. Thỉnh thoảng ông lại cúi xuống âu yếm bà, khen: “Ôi! Người đẹp của tôi”.
Phùng Phương Quý(Phunuonline)