Trên đường đời tấp nập,ềphụcủathầycôthờibaocấthi đấu c1 thi thoảng tôi may mắn được gặp lại một số thầy cô từng dạy mình thời cấp 1 (nay gọi là Tiểu học). Hầu hết các thầy cô dạy tôi thời ấy nay đã cao tuổi nên mắt mờ, chân yếu, chẳng còn nhận ra cậu học trò “cá biệt” của mình nữa. Cũng đúng thôi, trong sự nghiệp “trồng người” của mình, các thầy cô đã miệt mài, cần mẫn vững tay chèo lái biết bao “chuyến đò” đưa lớp lớp học sinh qua sông đi tìm bến bờ tri thức thì khó lòng nhớ nổi hết tên tuổi, nét mặt và tính cách của lũ học trò.
Trong trí nhớ của tôi, thời bao cấp các thầy cô quê tôi thật gần gũi, thật tình cảm và cũng thật lam lũ. Ngày ấy, cuộc sống của thầy cô thật sự rất nghèo. Lương chỉ ba cọc ba đồng, lại chẳng được cấp ruộng nương chi cả. Con cái, gia đình giáo viên ăn theo chế độ tem phiếu của bố mẹ, mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn 13 kg gạo.
Thời ấy, chẳng có khái niệm dạy thêm nên thầy cô cũng chẳng có thêm đồng ra đồng vào nào từ cái nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Để cải thiện kinh tế gia đình còn chồng chất khó khăn, một số thầy cô đã tự tìm cho mình “nghề phụ” sau những phấn trắng, bảng đen. Trong các thầy cô của tôi, người đạp xe lên tận miền núi Tương Dương, Con Cuông mua nứa thồ về rồi cặm cụi chẻ ra để đan các vật dụng thường dùng như thúng, mủng, dần, sàng hoặc Đó, Lừ đơm tôm tép bán cho người dân trong xã và các vùng lân cận; người tranh thủ những hôm trống tiết lại lật đà lật đật xuống chợ Vẹo buôn bán nước mắm, dầu hỏa, ruốc hôi, hoa quả… Nói chung nghề gì lương thiện, các thầy cô trường tôi làm cả.
Tôi còn nhớ vài ba đứa nhà khá giả học lớp 4A bên cạnh lớp tôi thi thoảng lại len lén lấy tay che mũi mỗi khi cô Thành “nước mắm” đi qua ở hành lang lớp trong giờ ra chơi. Chẳng là ngoài nghề đi dạy, cô còn làm thêm nghề bán nước mắm nữa. Tuy người cô thấp nhỏ, gầy tong teo nhưng sau gác ba ga chiếc xe đạp cà tàng của cô luôn đeo hai can nhựa màu vàng khá to đựng nước mắm.
Còn nhớ sáng 20/11/1984, chúng tôi đang tung tăng đi bộ lên trường để dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam thì gặp cô Thành “nước mắm” đang còng lưng dồn sức đạp xe leo dốc. Trời mưa phùn trơn trượt, sình lầy nên chiếc lốp xe quấn chằng chịt dây cao su cứ “ăn vạ”, chỉ nhích từng tí một. Thấy xe có chiều hướng tụt dốc, chao nghiêng rất nguy hiểm nên chúng tôi vội vàng chạy đến hợp sức đẩy giúp cô. Mùi nước mắm rỉ ra từ chiếc nắp can rơi vào áo rất khó chịu khiến đôi đứa quay mắt ra hướng khác nhưng tay thì vẫn để lên sau đuôi xe. Lên đến đỉnh dốc, cô vừa thở, vừa cảm ơn lũ học trò chúng tôi, nhưng ánh mắt có vẻ rất ngượng ngùng.
Cô bảo ngày nào cũng phải dậy từ tầm 3 giờ sáng lầm lũi đạp xe xuống tận huyện Diễn Châu cách nhà mấy chục cây số lấy nước mắm về bán lẻ để còn kịp về giờ lên lớp. Nhà đông con, chồng lại mất sớm vì bạo bệnh, một nách cô phải gồng gánh đến cạn kiệt sức lực.
Khoảng năm 1985, xã có chủ trương tạo điều kiện cho thầy cô “khai hoang” khu đất ở Đập Trơn để trồng lúa. Nghe tin ấy cả trường đều mừng rỡ. Đất ở đây màu đen sì và óng ánh như bùn than ngâm nước lâu ngày vậy, rất cằn cỗi. Cây lúa cấy xuống cứ bị héo úa, tong teo khó bề sống nổi nếu không được “ưu tiên” chăm sóc đầy đủ. Mỗi lần đến mùa làm đất để cấy lúa, các thầy cô vì không có trâu bò để cày nên phải lấy cuốc, vét để làm tơi đất, trông hết sức vất vả.
Khó khăn là thế, nhưng cô Thành và các thầy cô đều rất tâm huyết với nghề mình đã lựa chọn và hết mực thương yêu học trò.
Mái trường thân yêu nay vẫn ở chỗ cũ, đã được xây dựng khang trang hơn, hiện đại hơn. Nhưng lòng tôi cứ nhưng nhức nhớ về những khó khăn và tình cảm của các thầy cô thời bao cấp. Thương lắm và cũng biết ơn thật nhiều. Ước thêm một lần được nghe mùi nước mắm khi cô Thành lướt qua nơi hành lang của lớp./.
Nguyễn Tâm Quang (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong, Nghệ An)
Buổi đầu tiên đi dạy tôi cũng rung động như cậu bé trong ngày đầu tiên đi học của nhà văn Thanh Tịnh…