Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng,ưtưởnglấycầnlàmgốctrongxâydựngchủnghĩaxãhộkét quả bóng đá anh Chiến sỹ thi đua lần thứ 4 tại Hà Nội tháng 1-1967. Ảnh tư liệu. (Nguồn: TTXVN)
Cách đây 55 năm, ngày 16-1-1960, trong bài “Lấy cần làm gốc” đăng trên báo Nhân dân số 2130, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích vắn tắt về chủ nghĩa xã hội và khẳng định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy cần làm gốc. Cần là lao động: lao động cần cù và sáng tạo”.
Mở đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, không còn người bóc lột người.”
Đồng thời, Người phân tích cách nhìn phiến diện cho rằng: chủ nghĩa xã hội là sự chia đều của cải sẵn có trong xã hội cho mọi người cùng hưởng. Hồ Chủ Tịch cho rằng nếu chúng ta thực hiện chủ nghĩa xã hội theo kiểu đó, thì mức sống của chúng ta sẽ hết sức tồi tàn! Giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cách mạng thắng lợi, đã giành lại ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ, đường sắt, bến tàu, v.v…trong tay của giai cấp bóc lột. Nhưng nếu chỉ như thế, thì chưa thể có “no ấm cho mọi người.”
Vì ruộng đất, máy móc tự nó không đẻ ra của cải cho chúng ta. Điều quan trọng là sau khi làm chủ được nó, chúng ta phải biết bắt nó đẻ ra của cải ngày càng nhanh, càng nhiều, để đời sống chúng ta ngày càng dồi dào. Cho nên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy cần làm gốc.
Theo Người, Cần là lao động: lao động siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Đức tính Cần chỉ có được khi mọi người ý thức rõ và thực hành thường xuyên.
Để thực hành nội dung Cần thì phải siêng năng, từ siêng học, siêng nghĩ đến siêng làm, siêng hoạt động, siêng học hỏi đồng chí, đồng nghiệp, học hỏi nhân dân. Người khẳng định: “Siêng học tập thì mau biết/Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định sẽ thành công.”
Cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà còn phải sáng tạo, phải có phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý. Người chỉ rõ: “Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu như không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít.”
Cần cũng không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.
Hồ Chủ Tịch khẳng định: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác” và sẽ có tội với đồng bào, với Tổ quốc, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc.
Để cho đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác chỉ rõ không chỉ mỗi cá nhân mà cả nước đều phải thực hiện tốt chữ Cần. Người cũng đưa ra thí dụ rất đơn giản để mọi người thấy được ý nghĩa kinh tế lớn lao của chữ Cần, đó là nếu mỗi người trong 10 triệu thanh niên có sức làm việc mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì: mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ.
Cứ tính mỗi giờ làm là đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã thêm được 3.600 triệu đồng. Số tiền đó sẽ giúp kháng chiến ắt mau thắng lợi, kiến quốc ắt mau thành công. Như vậy, nếu cả nước cần cù thì “việc gì, thì khó khăn mấy, cũng làm được.”
Trong điều kiện đất nước hiện nay, mỗi người Việt Nam không được phép quên đi truyền thống cần cù đã có bao từ đời nay của dân tộc, không được phép quên đi lời dạy “Lấy cần làm gốc” của Người.
Đó không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, mà quan trọng hơn, còn tăng thêm nội lực cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Theo TTXVN