Hoàn thành nhiệm vụ tưởng như… bất khả thi
Từ giữa năm 2021,ànthànhchỉtiêucơbảngiaiđoạnxâydựngChínhphủđiệntửkqbd nhật bản khi dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề trên toàn quốc, người dân và doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã có thể ngồi tại nhà, truy cập vào Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ Dichvucong.thainguyen.gov.vn, hay sử dụng tiện ích dịch vụ công trên ứng dụng C-ThaiNguyen để chọn thực hiện hơn 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã được cung cấp. Địa phương này nằm trong nhóm khoảng 10 bộ, tỉnh sớm hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4.
Nói về kết quả này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhận định: Việc tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện ở mức 4 sau khoảng 4 tháng triển khai đã vượt xa mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hơn thế, tại thời điểm tháng 12/2020, khi Nghị quyết 01 được ban hành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 của Thái Nguyên mới chỉ đạt 35%.
Trên phạm vi toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã sớm xác định một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được trong năm 2021 là đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4. Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), với kết quả của năm 2020 mới chỉ đạt hơn 30%, tưởng chừng đây là mục tiêu bất khả thi. Thế nhưng tính đến giữa tháng 12/2021, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được các bộ, ngành, địa phương cung cấp trực tuyến mức 4 đã đạt mức 96%, tiệm cận mục tiêu đề ra.
Thực tế cho thấy, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, trong đó có việc các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người dân trên môi trường trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, giai đoạn giãn cách diện rộng, nhiều địa phương đã tạm dừng giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công tỉnh hoặc dịch vụ bưu chính công ích. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong 2 năm 2020 và 2021, dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã có bước phát triển vượt bậc, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 năm 2020 tăng gấp gần 3 lần so với năm 2019; và năm 2021 gấp hơn 3 lần tỷ lệ đạt được năm 2020, gấp tới hơn 8,9 lần so với kết quả đạt được tính đến cuối năm 2019.
Mặt khác, chuyển đổi số cũng đã đưa đến những điều kiện kỹ thuật, công nghệ cần thiết để các tỉnh, thành phố có thể triển khai đồng loạt dịch vụ công, thay vì làm rời rạc, đơn lẻ các dịch vụ như giai đoạn trước. Là cơ quan thường trực về chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các bộ, tỉnh chuẩn hóa quy trình triển khai các nền tảng để có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, tiết kiệm.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã lưu ý rõ, một điểm quan trọng để đẩy nhanh quá trình cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 là sử dùng nền tảng Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật cũng như khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định. Nhờ vậy, việc thiết lập một dịch vụ công mới được thực hiện trên cơ sở tùy biến các biểu mẫu và quy trình xử lý điện tử, các tài nguyên sử dụng chung được tận dụng tối đa, và người dùng tại các đơn vị có thể chủ động khởi tạo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên môi trường mạng.
Rõ ràng là, với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh và làm trên nền tảng, cộng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, các mục tiêu cao, tưởng như khó khả thi cũng hoàn toàn có thể đạt được.
Tạo đà tăng tốc phát triển Chính phủ số
Việc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức cao nhất - mức 4 đã giúp Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu cơ bản nhất của Chính phủ điện tử, tạo đà tăng tốc phát triển Chính phủ số.
Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021 chính là kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hành động trong thập niên tới. Chiến lược này đã đặt ra sứ mệnh và mục tiêu cao, đó là: Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
Tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng cho người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, niềm tin và đồng thuận xã hội. Chính phủ số cũng chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến. |
Một trong 5 nhóm mục tiêu chính của chặng đường phát triển Chính phủ số đến năm 2025 là cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người dân. Theo đó, cơ quan nhà nước sẽ cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc.
Việc cung cấp dịch vụ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Trong ngắn hạn, mặc dù đã hoàn thành một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, song đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, các bộ, ngành, địa phương thời gian tới cần đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến, thể hiện ở 2 chỉ tiêu: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến. Hai chỉ tiêu này của toàn quốc hiện còn thấp.
“Trong năm 2022, chúng ta cần cố gắng nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và đặc biệt là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến. Có như vậy dịch vụ công trực tuyến mới thực sự thiết thực, đi vào cuộc sống”, đại diện Bộ TT&TT khuyến nghị.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ làm cho nền kinh tế năng động hơn, phát triển nhanh hơn và góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, có thể tới 1%. Việt Nam đã đặt mục tiêu có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025; và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.