Thanh xuân gắn với quán chè
Dưới cơn mưa tầm tã,ươngQuáUkhôngvợconhơnnămbánmónănđượckhennứcnởtỷ số 7m ông Nguyễn Văn Thể (76 tuổi, quận 1, TPHCM) bỏ dép, một tay lần dò kéo dây cố định bạt nhựa che xe chè. Thế nhưng, nước mưa vẫn tạt vào làm xe chè và mấy chiếc ghế con ướt nhẹp.
Cả người ướt sũng nhưng ông Thể không cáu bẳn, nhăn nhó. Ông loay hoay đội mưa làm hết việc này đến việc khác. Hễ có thực khách vào quán, ông lại niềm nở chào bằng nụ cười hào sảng.
Tính cách vui vẻ của ông Thể đã níu chân không biết bao nhiêu thực khách. Nhiều người còn nói vui, ông chính là “đặc sản” của quán.
Đứng nép vào vách tường tránh mưa, ông Thể kể về cơ duyên mở quán bán chè. Lúc học lớp 10, ông thường ra quán chè của chị hàng xóm bưng phụ.
Thấy ông hiền hậu, chủ quán thương như em út trong nhà. Người này nhiệt tình truyền nghề, động viên ông mở quán bán riêng.
Học nghề xong, ông Thể rủ chị gái bán chè. Hai người trang bị một chiếc xe đẩy tự chế và mấy chiếc ghế con.
Ban đầu, chị em ông bán chè ở quận Phú Nhuận, rồi chuyển sang đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1. Năm 2014, họ về bán gần ngã tư Mai Thị Lựu - Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, quận 1).
Về đây, ông Thể buôn bán đắt hàng hơn. Quán bán từ 12h đến 18h30 nhưng tới khoảng 15h đã hết veo chè.
Thực khách thấy ông cụt một tay lại vui tính nên đặt biệt danh Dương Quá. Đó là nhân vật trong bộ tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệpcủa nhà văn Kim Dung (Trung Quốc).
Khoảng 5 năm trước, ông Thể quyết định lấy biệt danh Dương Quá đặt tên cho quán chè. Do tên quán khá đặc biệt nên nhiều thực khách tò mò tìm đến, nhất là sau khi ông nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ban đầu, thực khách đến để biết mặt “Dương Quá” nhưng đâu ngờ mê luôn hương vị chè của quán.
Tuổi già không con, còn cháu
Trước đây, ông Thể bán chè cùng chị gái. Khi cả hai lớn tuổi, chị Nguyễn Thị Nữ (55 tuổi, TPHCM) là cháu dâu của ông, đứng ra buôn bán.
Lúc chưa ra quán bán, chị Nữ hỗ trợ ông Thể và mẹ chồng nấu chè ở nhà. Hiện, chị đã nắm rõ các công đoạn, bí quyết nấu chè thơm ngon.
Chị Nữ chia sẻ: “Tôi phụ cậu chồng bán chè được khoảng 10 năm rồi. Hồi trước dịch Covid-19, mỗi ngày quán bán khoảng 300 ly, giờ chỉ còn 100 ly.
Thực sự, quán còn trụ được đã quá may mắn. Bây giờ, chúng tôi bán cho khách quen, chứ khách mới hiếm lắm”.
Chàng trai Trần Đức Tôn (24 tuổi, TPHCM) là khách hàng thân thiết của quán chè Dương Quá. Tôn đã thưởng thức đủ các loại chè ở quán và đặc biệt thích vị thanh ngọt, thơm nhẹ của chè đậu thập cẩm.
Món chè đậu thập cẩm kèm củ năng, cơm dừa của quán đặc biệt hút khách. Đậu đỏ, đậu đen được nấu mềm, ngọt vừa, vị bùi hấp dẫn. Củ năng và cơm dừa dẻo ngọt, thơm mùi lá dứa xanh.
Tôn cho biết: “Giá cả mỗi ly chè ở đây rất bình dân, từ 15.000 – 20.000 đồng nhưng hương vị không ở đâu sánh bằng.
Sau giờ tan làm, tôi thường ngồi ăn chè ở đây, ngắm phố phường nhộn nhịp. Cảm giác thú vị đến khó tả”.
Chị Nguyễn Thu Cúc cũng là khách hàng quen thuộc của quán chè Dương Quá. Dù trời mưa tầm tã, chị vẫn tranh thủ ghé quán chè mua 5 ly mang về nhà.
Chị Cúc nói: "Mẹ và chồng con tôi rất thích ăn chè ở quán chú Thể. Chú khuyết một tay nhưng nấu chè ngon lắm. Chú tốt tính, hài hước nên ai cũng thương".
Ngoài thực khách đến ăn tại chỗ, số lượng khách đặt chè qua điện thoại, nhờ ông Thể giao đến tận nơi khá nhiều. Ông có thể chở đến 40 ly chè và giao cho khách ở cách quán khoảng dưới 2km bằng chiếc xe đạp cũ kỹ.
Dù có thế hệ tiếp nối nhưng ngày nắng hay mưa, ông Thể vẫn chăm chỉ ra quán phụ cháu dâu tiếp khách, giao chè,…
Ông không có vợ con nên niềm vui chỉ quanh quẩn bên quán chè. Hễ có khách đặt chè, ông đạp xe đi giao hàng rồi thong thả ngắm phố phường.
Người dân trên các con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Thủ, Đinh Tiên Hoàng (quận 1)... đã quá quen với hình ảnh ông lão bán chè gầy nhom mỗi ngày lượn phố mấy vòng.
Lúc vắng khách, ông tìm bạn bè gần đó tán gẫu. Từ bảo vệ các công ty đến chủ quán hủ tiếu, nước mía... gần quán chè, đều thích trò chuyện, nghe ông Thể kể chuyện Sài Gòn xưa. Thỉnh thoảng, câu chuyện đang hồi gay cấn thì chị Nữ lại í ới gọi ông về giao chè.
Ông kể đủ thứ nhưng ít khi nhắc đến chuyện tình cảm của mình. Thời trẻ, ông mải phụ chị gái bán chè, lo cho các cháu ăn học. Mặc dù, ông cũng có vài mối tình nhưng không đủ duyên thành vợ chồng.
“Nhiều cô muốn cưới mà không hiểu sao, tôi cứ làm thinh, ngó lơ người ta. Cho nên, trời phạt cho tôi ế đến già”, ông Thể dí dỏm.
Bao năm lẻ bóng nhưng ông Thể không cô đơn, được các cháu thay nhau phụng dưỡng.
Chị Nữ tâm sự: “Từ lúc về làm dâu, tôi mới biết chồng và các anh em khác được cậu Thể nuôi nấng. Cậu không vợ con, bao nhiêu tình thương và tiền bạc đều dành cho các cháu.
Ngày trước, cậu nuôi chúng tôi, bây giờ mấy anh em tôi chung tay lo lắng cho cậu lúc trăm tuổi.
Tôi thấy cậu lớn tuổi, khuyên cậu ở nhà nhưng cậu cứ nhất quyết ra quán. Cậu bảo cả đời buôn bán, quen cảnh náo nhiệt, ở nhà hiu quạnh”.