Sau này tôi hay nói rằng "nhờ ông mà tôi còn sống đến nay". Nhưng sếp khoát tay nói: "Anh thật sự nghĩ vậy à?àntaycủlịch thi đấu indonesia Không! không có tôi thì có người khác giúp anh. Tôi chẳng làm gì quan trọng đâu". Câu đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Tất cả chúng ta được sinh ra và tồn tại trong thế giới này để phụng sự từ những điều rất ư nhỏ bé. Nó không quan trọng như ta tưởng. Những thi đua, giải thưởng "nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất" trong giới khoa học chúng tôi hay chức danh của ai dù nghe khá "kêu" chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lĩnh vực nhất định. Song điều đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng hơn số đông. Tôi nghĩ tâm lý đó có phần tự huyễn hoặc.
Thế giới này quá rộng lớn và càng ngày càng lớn hơn, tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác. Nếu một mai chúng ta mất đi, người khác vẫn sống. Không chúng ta làm, thì có người khác làm, y như sếp tôi nói. Không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác.
Tư duy "tôi và chúng ta" này cũng có thể áp dụng để nhìn nhận việc phòng chống dịch bệnh ở quy mô cá nhân và cộng đồng.
Giáo sư Goeffrey Rose từ đầu thập niên 1980 đã nêu "Tiên đề Rose". Ông quan sát và phân tích rằng những biện pháp y tế công cộng có thể không đem lại lợi ích rõ ràng cho một cá nhân nhưng lại có hiệu quả rất lớn trong cộng đồng. Ví dụ, nếu mỗi chúng ta tìm cách giảm cholesterol dù chỉ 5% - mức rất thấp, lợi ích phòng chống bệnh tim mạch cho cá nhân ta sẽ không cao, nhưng lại giúp giảm rất lớn số ca bệnh trong cả nước. Đó là nghịch lý ít người nhận ra.
Lý do: đa số người mắc bệnh tim mạch thuộc nhóm có nồng độ cholesterol bình thường chứ không phải ở nhóm có cholesterol cao. Thử tưởng tượng, cộng đồng có 100 người có nồng độ cholesterol cao và 900 người có cholesterol bình thường. Giả định rằng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nhóm cholesterol cao là 10% và nhóm cholesterol bình thường là 5%. Số người mắc bệnh tim mạch ở nhóm cholesterol cao là 10, nhưng ở nhóm cholesterol bình thường là 45. Như vậy, đa số người mắc bệnh tim mạch có cholesterol bình thường. Do đó, nếu can thiệp vào nhóm người cholesterol cao thì chỉ giảm một số ít ca bệnh. Chiến lược y tế hữu hiệu là giảm cholesterol cho cả hai nhóm có cholesterol cao và thấp.
Đây chính là một nghịch lý trong y tế công cộng mà tôi thử dựa vào đó trả lời câu hỏi quan trọng hiện nay: vaccine Covid-19 có phải cây đũa thần với mỗi chúng ta không?
Các tình nguyện viên tại Việt Nam và hơn 100 ngàn tình nguyện viên trên thế giới đã tiêm thử vaccine. Nhiều người đang nghĩ rằng những ai đã tiêm vaccine này sẽ miễn nhiễm với đại dịch.
Nhưng không hẳn thế. Khi xem xét các nghiên cứu khoa học về ba vaccine Pfizer, Moderna và Oxford đã công bố quốc tế trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet, Nature và New England Journal of Medicine, tôi thấy rằng tiêm vaccine có thể chẳng đem lại lợi ích nhiều cho một cá nhân, nhưng có lợi lớn cho cộng đồng.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy trong số 1.000 người không tiêm vaccine, có 17 người bị nhiễm. Nhưng nếu 1.000 người này được tiêm vaccine, số người bị nhiễm giảm xuống còn 5 người. Nói cách khác, nguy cơ nhiễm ở nhóm được tiêm vaccine thấp hơn nhóm không được tiêm.
Nếu bạn đi tiêm vacccine và hỏi bác sĩ: "tôi sẽ không bị nhiễm chứ"? Bác sĩ trả lời rằng, "tôi không dám nói bạn không bị nhiễm, tôi chỉ dám nói xác suất bạn bị nhiễm thấp hơn người không tiêm vaccine".
Và bác sĩ giải thích thêm, trong 1.000 người được tiêm vaccine sẽ có 5 người bị nhiễm, 995 người không bị. Nhưng dù được tiêm vaccine rồi, bạn vẫn có thể thuộc số 5 người bị nhiễm này. Lý do: không bao giờ có vaccine bảo vệ 100%.
Nhưng nếu 1.000 người này gồm cả bạn không được tiêm, sẽ có 17 người bị nhiễm. Việc bạn sẽ nằm trong số 17 người bị nhiễm hay 983 người không bị nhiễm tùy thuộc sự "may mắn" của bạn, không bác sĩ nào trả lời được.
Dù bạn có được tiêm hay không được tiêm vaccine, bạn vẫn có thể bị nhiễm hay miễn nhiễm Covid-19. Chỉ khác là: bạn nằm trong nhóm 5 người hoặc 17 người có thể bị nhiễm hay trong số đông còn lại (995 người và 983 người) của cộng đồng 1.000 người kia. Nhưng tôi không bao giờ dám nói trước bạn thuộc số ít bị nhiễm hay số đông miễn nhiễm.
Chắc bạn sẽ hoang mang. Nhưng, không có điều gì chắc chắn trong y khoa. Và hiệu quả vaccine là ở đó: giảm nguy cơ bị nhiễm trong một cộng đồng.
Số ca nhiễm bệnh giảm từ 17 người xuống còn 5 người, nếu 1.000 người đều được tiêm vaccine, có thể coi là "không hề lớn". Nó cũng không biến khả năng nhiễm bệnh của bạn còn 0% vì vaccine không bảo vệ tuyệt đối. Nhưng, cả cộng đồng tiêm vaccine thì sẽ tạo ra hiệu ứng cực kỳ lớn. Nó có nghĩa là: tuyệt đại đa số dân, gồm người tiêm và không tiêm vaccine, ít bị nhiễm hơn.
Và có thể hiểu thêm: khi bạn tình nguyện tiêm hay bạn được tiêm vaccine có nghĩa là bạn đã làm một việc tích cực cho xã hội, vì bạn giúp giảm dịch bệnh trong cộng đồng. Nó giống như khi bạn giảm tốc độ lái xe, cá nhân bạn chẳng hưởng lợi gì nhiều, thậm chí về nhà trễ hơn một chút, song bạn đang giúp cộng đồng giảm tai nạn giao thông. Một người tuân thủ tốc độ khi tham gia giao thông thì với cá nhân anh ta, xác suất bị tai nạn chỉ giảm một chút - anh ta vẫn bình an như mọi ngày. Nhưng khi người lái xe toàn thành phố cùng giảm tốc độ hôm đó, thì giá trị vô cùng, có thể không có tai nạn giao thông.
Tiêm vaccine có ý nghĩa tương tự: giúp cộng đồng hơn là giúp cho cá nhân.
Đây chính là một nghịch lý trong y tế công cộng theo "Tiên đề Rose", dù vaccine là tin mừng cho loài người. Vì thế, tới đây, nếu bạn được chọn tiêm vaccine hay không, cũng đừng lấy chuyện đó làm bức xúc. Bởi thực ra bạn cũng không "bị thiệt" nhiều so với người khác.
Mấy tuần nay tôi đọc cuốn sách về nhà vật lý lừng danh Richard Feynman và thích lắm. Một trong những câu tôi thích: nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình, vì bạn là người dễ huyễn hoặc nhất. Tôi thấy trong đại dịch, câu này cũng rất đúng, theo nghĩa, không nên quá đề cao một việc đơn lẻ hay ai đó, bởi mọi thành qủa đều nhờ sự góp công của hơn một cá thể. Và càng không tự đánh giá mình quá quan trọng hơn người khác.
Có thể quan điểm này "khó lọt tai", song lý thuyết "Bàn tay vô hình" của Adam Smith đã cho rằng tất cả chúng ta làm việc đầu tiên là vì lợi ích của chính bản thân ta. Ta lao động trước hết là vì có thu nhập để tồn tại, qua đó đóng góp cho xã hội. Nên, thay vì hỏi "có biết tôi là ai không", "tôi phải được gì", hãy hỏi "ta đã phụng sự gì cho mình và cho đời?".
Nguyễn Văn Tuấn
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn