Họ dẫn đường cho từng tốp xe máy hồi hương bất đắc dĩ. Hầu hết các cặp vợ chồng ngồi trên xe máy đều rất trẻ,ầnmướnởBìnhDươkèo bóng đá hôm nay trực tiếp có khi chở thêm đứa con nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh. Gương mặt họ mệt mỏi sau quãng đường dài.
Vài đứa trẻ ngủ gục trên xe máy khiến tôi nhớ đến một em bé. Ở Tứ giác Long Xuyên, tình cờ tôi chụp được bức ảnh em đang ngồi chơi bên kinh xáng và đem dự cuộc thi nhiếp ảnh địa phương.
Gương mặt em bầu bĩnh, má dính mấy vệt bùn, vài sợi tóc bị mồ hôi kéo quệt xuống trán. Đặc biệt là đôi mắt đen huyền, tròn xoe, sáng nhưng buồn. Tôi đặt tên là "Em bé đồng bằng".
Tôi không quan tâm nhiều đến giải thưởng, chỉ nhớ hoàn cảnh của em. Lúc tôi giơ máy lên chụp hình, người phụ nữ trung niên đi đến, tôi chào và hỏi dì có phải mẹ của bé không. Dì nói "Không, là bà ngoại, ba má nó đi mần mướn ở Bình Dương hết rồi".
Rồi dì kéo vạt áo lau mấy vệt bùn và mồ hôi trên mặt em. Miệng kể, ba mẹ nó đi hơn bốn năm nay rồi, sanh thằng nhỏ này được sáu tháng là vợ chồng nó đi, mỗi năm chỉ về nhà được mấy ngày Tết.
Em bốn tuổi rồi mà chỉ gọi được tiếng "má", "ba" và "ngoại". Dì mời vô nhà uống nước, tôi vốn quen với sự chân thành của dân miền Tây nên theo dì về nhà.
Căn nhà sàn lợp bằng lá dừa nước, từ sau ra trước trống huơ trống hoác. Có lẽ chiếc tivi cũ để trên nóc tủ quần áo là thứ quý nhất. Nhà dì có ba đứa con, lấy vợ lấy chồng xong kéo nhau đi TP HCM và Bình Dương làm hết, sanh được đứa nào thì gởi về ông bà nuôi rồi chúng đi tiếp.
"Đứa nào cũng nói ráng làm dành dụm được chừng chục triệu rồi về quê luôn, nhưng mấy năm trời có thấy đứa nào về đâu", dì kể, "người lớn chịu cực không sao, chỉ tội nghiệp con nít". Dì nói rồi nhìn thằng bé đang nằm võng. Nó chờ cuộc gọi của ba má nó từ Bình Dương.
Hồi Tết ba má nó về, đưa cho cái điện thoại để mỗi ngày "gọi về nói chiện". Buổi trưa thì gọi chừng nửa tiếng, mà cũng không phải nói nữa, vì thằng nhỏ có nói được gì đâu, chủ yếu nhìn nhau cho đỡ nhớ. Có khi má nó ở đầu bên kia khóc thút thít.
Khắp miền Tây này, cảnh như gia đình dì kể sao cho hết. Ở quê tôi, không đếm nổi các cặp vợ chồng trẻ đi làm ăn xa, gởi con cho ông bà. Bọn trẻ dường như lúc nào cũng thiếu thốn hơi ấm và giáo dục của cha mẹ.
Nếu không, cả gia đình dắt díu nhau lên thành phố, nhiều ngôi nhà khóa cửa, quây kín bằng chà gai, bỏ mặc bàn thờ tổ tiên, mồ mả ông bà. Căn nhà vốn dĩ là tổ ấm của người Việt, thì ở xứ này, đôi khi nó như một trạm dừng chân. Bởi bà con mỗi năm gần như 360 ngày đã ở trọ làm mướn trên thành phố, chỉ vài ngày về lại ngôi nhà của mình ở quê, dọn dẹp lau chùi, thắp vài nén nhang trên bàn thờ gia tiên, ăn ngủ chưa kịp quen chỗ đã lật đật ra đi.
Miền Tây là vùng duy nhất trong cả nước số người xuất cư nhiều hơn nhập cư. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần đầu tiên đưa ra con số 1,3 triệu người miền Tây đã ly hương lên Đông Nam Bộ trong thập kỷ qua. Số người này nhiều hơn dân cư của một tỉnh của Đồng bằng, không chỉ người lao động chân tay tìm việc trong công xưởng mà trí thức cũng bỏ quê đi tìm đất hứa.
Thế nhưng, khi "vùng đất hứa" TP HCM quay trở lại bình thường mới sau đợt dịch tàn khốc, vì sao dân miền Tây vẫn muốn đổ về quê?
Câu trả lời có lẽ chỉ cần nhìn từ nay đến Tết thôi, họ chưa hết ám ảnh cảnh thiếu việc làm, không dám tin sẽ sớm được đảm bảo đời sống cho cả gia đình, nhiều sợ phải ăn cái Tết phong tỏa trên thành phố. Về quê tá túc một thời gian để lành vết thương rồi tới đâu hay tới đó là giải pháp tốt nhất mà họ có.
Đây không phải đợt hồi hương đầu tiên trong đại dịch, nhưng dường như nhiều tỉnh miền Tây vẫn chưa sẵn sàng nhận hết đồng bào, có lẽ vì bị động. Các tỉnh tiếp tục kiến nghị chính phủ có chỉ thị yêu cầu TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai "không để người dân tự về quê sau 30/9". Bạc Liêu nói họ không nhận người về tự phát. Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã liên hệ với các địa phương nhờ hỗ trợ chốt chặn và vận động các trường hợp tự phát trở về quê quay lại nơi xuất phát. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng dòng người nếu tiếp tục về sẽ "quá sức chịu đựng" của tỉnh, và rằng "về quê lúc này là cực kỳ khó khăn cho quê nhà". Nhiều người về quê phải tự trả phí cách ly và xét nghiệm.
Dù nguồn lao động để phục hồi sản xuất cho TP HCM đang thiếu, dù các tỉnh có thể quá tải nếu đón một lúc nhiều người hồi hương, nhưng theo tôi: bắt buộc phải đón dân về để họ nguôi ngoai ám ảnh của những ngày phong toả.
Sau chỉ đạo của Chính phủ "các tỉnh nghiên cứu đưa dân về", nhiều nơi đã đón hàng triệu dân về an toàn, không gây bùng dịch trong vài tháng qua nhờ sự tổ chức đưa đón theo từng đợt, cách ly có quy củ và trật tự như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định...
Các tỉnh miền Tây có làm được như vậy không, điều này phụ thuộc bản lĩnh và năng lực lãnh đạo địa phương. Duy trì chính sách kém thuận lợi cho người dân của mình hồi hương có lẽ không phải một cách tiếp cận hay bởi vì nhu cầu là có thật, người dân vẫn tìm mọi cách để về.
Song song với phương án phối hợp với TP HCM tiếp đón người về giãn ra theo đợt, lãnh đạo các tỉnh miền Tây hoàn toàn có thể cấp bách tạo công ăn việc làm ngay tại chỗ cho dân. Miền Tây hoàn toàn có thể biến thách thức của đợt "hồi hương" lần này thành cơ hội giảm nạn di dân cực đoan, và đây cũng là giải pháp sống còn cho kinh tế vùng.
Làm gì để giữ lực lượng lao động ở lại vùng đất này?
Hàng chục khu công nghiệp như Cái Cui ở Hậu Giang, Bình Hòa, Bình Long ở An Giang, khu công nghiệp Năm Căn ở Cà Mau, Trà Nóc, Thốt Nốt ở Cần Thơ... có thể nhân cơ hội này mở rộng quy mô nếu địa phương có chính sách ưu đãi đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương, cải thiện hạ tầng giao thông cho sản xuất. Việc này cũng khớp với mệnh lệnh phải đẩy nhanh đầu tư công tuần trước của chính phủ.
Nguồn lao động ở miền Tây không thiếu, chỉ thiếu nơi đào tạo và sử dụng họ. Nếu các nhà máy thân thiện môi trường được mở cùng chính sách thích ứng với bình thường mới, chính người nơi đây sẽ quay về khởi nghiệp.
Dòng xe máy hồi hương chỉ là một biểu hiện của vấn đề nhức nhối nhiều năm. Với thế hệ sau và xã hội, những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ trong suốt tuổi thơ chắc hẳn sẽ đối mặt với một tương lai khó khăn hơn. Sự cố kết văn hóa, nhất là văn hóa gia đình đang bị phá vỡ nghiêm trọng khi các thành viên hầu như mỗi năm chỉ gặp nhau đôi lần. Các phong tục cũng dần bị lãng quên do làm ăn xa xứ, con người ta không thể nào giữ gìn đất lề quê thói.
Người miền Tây chúng tôi từ lâu không còn muốn nghe ca ngợi nơi đây là "vựa lúa" hay "thủ phủ hoa màu" nữa. Bà con xóm tôi nói, nếu nhà nước hỗ trợ mình phương án làm ăn, cực khổ chịu được hết, miễn được bám đất, bám quê.
Trương Chí Hùng
Những cuộc hồi hương
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn