Bài cuối: Đất anh hùng viết tiếp kỳ tích
> Bài 2: Trước thời khắc lịch sử
> Bài 1: Ngược dòng thời gianHết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,ầuTiếtorino – monza người dân Dầu Tiếng lại tiếp tục đương đầu với cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, chiến trường Dầu Tiếng là nơi đối đầu quyết liệt giữa ta và địch. Chân lý cuối cùng cũng chiến thắng, quân dân Dầu Tiếng anh dũng kiên cường từng bước làm thất bại thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ, đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, xây dựng lại quê hương giàu đẹp. Không chỉ vậy, Công ty Cao su Dầu Tiếng - cái nôi của phong trào cách mạng - còn vươn ra ngoài làm giàu cho người nông dân nước bạn Lào.
Phát huy lợi thế về cao su, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã tăng cường đầu tư qua nước bạn Lào. Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Minh Sang (bìa trái) cùng đoàn cán bộ tỉnh Bình Dương tìm hiểu sản phẩm mủ cao su, kết quả của hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Chămpasắc (Lào)
Vượt qua mất mát
Những ngày này về Dầu Tiếng nghe tiếng xe máy, tiếng cười xen lẫn những giọng nói của những người nông dân ngày nào cần mẫn, vai áo thấm đẫm mùi sương đêm mới khâm phục tình yêu lao động của những người con đất anh hùng. Những con đường thênh thang, xe cộ đua chen, Dầu Tiếng bây giờ chính thức chia tay với quá khứ đói nghèo; xóa sạch bóng dáng những người dân với đôi mắt lo âu, với trăm điều toan tính chống chọi với đói nghèo.
Dù vậy, sự hy sinh mất mát của nhân dân, của cách mạng là rất lớn. Sau ngày giải phóng, nhiều hậu quả phức tạp do cuộc chiến tranh xâm lược để lại, cùng với những vấn đề mới nảy sinh trước những yêu cầu phát triển đất nước không thể cùng một lúc giải quyết: tất cả các làng công nhân, đồn điền bị tàn phá hoàn toàn, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực.
Cuộc tổng tiến công chống đói nghèo vô cùng khốc liệt: Đất đai cằn cỗi đầy bom đạn; những thói quen, tập tục, hậu quả của chính sách “khai hóa”; bệnh công thần mệt mỏi sau chiến tranh… không kém phần ác liệt trong những ngày đầu hàn gắn vết thương chiến tranh đẩy người dân vào cảnh cùng cực. Người dân Dầu Tiếng một lần nữa bước vào cuộc đấu tranh mới, một cuộc đấu tranh chống đói nghèo, xây dựng quê hương trong vô vàn khó khăn.
Trong bộn bề công việc, cùng lúc phải tập trung giải quyết, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng xác định rõ nhiệm vụ cấp bách là động viên nhân dân tham gia cùng các đoàn thể quần chúng, bảo vệ thành quả cách mạng, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh khai hoang phục hóa, phục hồi sản xuất nông nghiệp, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách.
Thế rồi một lần nữa tinh thần chịu đựng gian khổ, tự lực cánh sinh và ý chí ngoan cường bền bỉ của người dân Dầu Tiếng được khơi dậy. Nhà nhà, người người xắn tay “phẫu thuật chỉnh hình” lại cho đất. Người dân phải đổ mồ hôi tới hàng chục năm ròng rã tiến công vào xóa đói giảm nghèo, mọi người dân Dầu Tiếng hăm hở nô nức thi đua. Họ không ngừng trăn trở, suy nghĩ tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Kết quả của những trăn trở đó là Dầu Tiếng giờ đây phủ khắp màu xanh của rừng cao su thẳng tắp, xanh biếc bạt ngàn. Đất bom đạn nhường chỗ cho những dòng nhựa trắng thấm đượm mồ hôi người dân Dầu Tiếng. 29.000 ha cao su do Nhà nước quản lý, hơn 20.000 ha cao su tiểu điền đã phủ khắp Dầu Tiếng là một kỳ tích không dễ mấy nơi có được.
Tin tưởng vào ngày mai
Hai danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang” và “Anh hùng Lao động” là sự ghi nhận công lao của nhân dân và tập thể lao động của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Những danh hiệu vinh quang này đã và sẽ là động lực để Dầu Tiếng không ngừng vươn lên viết tiếp những kỳ tích mang lại sự phồn vinh cho quê hương.
Chủ tịch UBND xã Định An Hoàng Thị Thư tâm sự, ngày xưa nghe nói đến Bàu Dầu, Đồng Sến là ớn lạnh, bom đạn tàn phá, đất đai cằn cỗi. Nhưng giờ đây người dân ở nhà đẹp, đi xe hơi, cho con đi học tại các trường danh tiếng tại TP.HCM khi vừa mới sang cấp trung học. Tiếp nối truyền thống cách mạng, nhiều người dân không ngừng học tập, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Anh Trần Bá Lợi (con đồng chí Trần Văn Lắc, biệt danh Tám Núi) là điển hình sinh động. Từ một công nhân cạo mủ cao su, anh không ngừng phấn đấu học tập, lao động không biết mệt mỏi, giờ được giao giữ chức Giám đốc Nông trường Cao su Trần Văn Lưu, một trong những nông trường lớn, đóng góp rất nhiều cho địa phương. “Nhiệm vụ trước mắt của xã là tập trung xây dựng thành công xã nông thôn mới. Chính sách này được người dân hết sức đồng tình, hưởng ứng...”, Chủ tịch UBND xã Định An Hoàng Thị Thư chia sẻ.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Định Thành Trần Khắc Quân cho biết, xã chỉ còn 0,5 % hộ nghèo. Chưa dám nói là xã giàu, nhưng người dân ở đây đang dần có cuộc sống sung túc, ấm no.
Giờ đến tận vùng xa xôi nhất của Dầu Tiếng, những con đường nông thôn được trải nhựa rộng khắp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cả 2 mùa mưa - nắng không ngừng được mở ra. Hàng rào cây xanh trước cửa mỗi nhà được người dân tỉa tót, hình thành dáng dấp ấp văn hóa, xã nông thôn mới. Rồi bên các con đường ấy, những ngôi biệt thự khang trang cứ đua chen nhau vươn lên thể hiện một cuộc sống đầy đủ hơn.
Không chỉ làm giàu từ cao su, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Dầu Tiếng quyết tâm khai thác lợi thế của địa phương không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Dầu Tiếng có hồ Than Thở cùng với núi Cậu và lòng hồ Dầu Tiếng, một trong 3 cảnh quan du lịch tạo thành tam giác cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đẹp lạ thường, là món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Dầu Tiếng. Hàng năm có hàng ngàn lượt khách ghé qua đây. Dầu Tiếng hôm nay đã thật sự thay da đổi thịt, mang một diện mạo mới, khang trang, tươi đẹp, đáp ứng nguyện vọng, ước muốn của các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với truyền thống của quê hương cách mạnh anh hùng.
Tất cả đổi thay đó có sự đóng góp rất lớn của những bàn tay lao động hăng say, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí kiên cường, bền bỉ đấu tranh tiếp tục được phát huy, họ liên tục viết tiếp những kỳ tích phi thường, nhất là trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống công nhân và các họat động xã hội.
Không chỉ vun đắp làm giàu, làm rạng danh cho quê hương Dầu Tiếng, từ giữa năm 2007 đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã triển khai dự án trồng 10.000 ha cây cao su ở tỉnh Chămpasắc (Lào). Công ty không chỉ đem đến cho cuộc sống người nông dân Lào nhiều đổi thay, ấm no hạnh phúc mà còn chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, bảo đảm chế độ chính sách cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống... Dự án trồng 10.000 ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho nước bạn Lào, cho nông dân Lào, qua đó còn góp phần giao lưu, trao đổi văn hóa, thúc đẩy và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc anh em Việt Nam - Lào.
HÒA NHÂN - TRÍ DŨNG