Vội vã, khẩn trương, gấp gáp là những từ dùng để miêu tả không khí trong quán bánh canh nhỏ, nằm ở mặt tiền con đường một chiều Nguyễn Phi Khanh (quận 1, TP.HCM). Quán bánh canh một giờ này đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ khách hàng trong hơn 30 năm qua. |
Dụng cụ bán hàng đơn giản chỉ là chiếc quang gánh nhỏ, bên trong đặt chiếc nồi chứa bánh canh và nước dùng, cùng một số chén, đĩa đựng gia vị. Gánh bánh canh được bán bởi các anh chị em ruột của bà Phỉ (61 tuổi, ngoài cùng bên trái). Trong đó, bà Phỉ mới chỉ bán chính được gần 10 năm nay. Trước đó, người ngồi bán chính là chị ruột của bà, nay đã chuyển sang phụ bán do vấn đề sức khoẻ. |
Ngày nào cũng vậy, quán chỉ mở bán đúng một giờ, trong khoảng 15-16h. Thế nhưng, ngay từ 14h30 đã có khách hàng đến xếp hàng để chờ quán mở cửa. Khung cảnh tấp nập xếp hàng chờ vào ăn hoặc mua mang về này kéo dài trong suốt một giờ quán hoạt động. |
Một tô bánh canh có giò, móng được bán với giá 45.000 đồng, bánh canh không được bán với giá 15.000 đồng/tô, cao hơn một số hàng bánh canh bình dân khác. Chủ quán cho biết một nồi bánh canh có thể bán được tối đa là 300 phần, với số tiền doanh thu tối đa khoảng 13,5 triệu đồng, chưa kể doanh thu đến từ nước uống. |
Có không ít khách hàng đi ôtô sang tìm đến quán để thưởng thức món bánh canh tại đây. Tuy nhiên, họ chỉ có thể mua mang về chứ không thể ngồi ăn tại chỗ vì quán không có chỗ đỗ ôtô, trong khi đường Nguyễn Phi Khanh rất hẹp. |
"Lần đầu tôi tìm đến đây để ăn bánh canh vì được bạn bè giới thiệu. Thời gian chờ đợi có lâu một chút nhưng tôi không thấy có vấn đề, và thấy thú vị", Nguyễn Hải Huyền (ngụ quận 7, người đi trên xế sang) cho hay. |
Theo bà Phỉ, bí quyết khiến hàng bánh canh của bà luôn đắt khách là ở chất lượng. Nguyên liệu làm nên tô bánh canh đều được bà lựa chọn kĩ càng, từ miếng giò, móng heo, cho đến hành, tiêu, nước mắm... Các chị em của bà Phỉ chuẩn bị nồi bánh canh này từ sáng sớm, đến chiều thì mang ra bán. |
Lượng người tìm đến quán không ngớt trong suốt một giờ đồng hồ. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa, cầm tô bánh canh để thưởng thức ngay tại chỗ. |
Lượng người mua bánh canh mang về cũng rất nhiều. "Quán chỉ bán một giờ, một nồi là nghỉ vì sức khoẻ chúng tôi không cho phép bán nhiều hơn. Từ ngày xưa, chị tôi bán đã như vậy", bà Phỉ tâm sự. |
Trong không khí tấp nập của quán, người ăn vừa xuýt xoa thưởng thức tô bánh canh nóng hổi. Người bán cũng mệt lả do lượng khách hàng đông, phải hoạt động liên tục. |
Anh Mai Anh Tuấn (ngụ quận 1) cho hay anh đã là khách hàng quen thuộc tại quán được mười mấy năm nay, từ lúc quán còn ở đường Nguyễn Văn Giai (quận 1), trước khi được dời sang địa điểm này. |
"Điều làm nên sự đặc biệt của tô bánh canh tại đây chính là phần nước dùng ngọt thanh. Nhiều người ăn ở đây thường húp hết nước dùng. Tôi cũng vậy!", anh Tuấn chia sẻ. |
Khách hàng đến quán ngồi tràn cả ra lề đường, trên những chiếc ghế nhựa để thưởng thức bánh canh. Có khách là người lao động chân tay, nhưng cũng không ít nhân viên văn phòng hoặc chủ doanh nghiệp. |
Đúng 16h, tất cả dụng cụ bán bánh canh sẽ được thu gọn và cho lên xe đẩy để gửi ở một nhà dân gần đó, kết thúc một giờ bán bánh canh tấp nập. |
Chủ một nhà hàng Nhật Bản gây bất ngờ khi đưa ra quyết định từ chối phục vụ khách nội địa vì “cách cư xử tệ”, thay vào đó, họ chỉ bán hàng cho khách nước ngoài.