Anh ta vừa rời đi,ánniềnhận định real betis vs bạn tôi - người có kinh nghiệm mua bán xe cũ, được tôi rủ tham gia "thương vụ" này - lầm bầm trách móc: "Ông thật thà như thế, làm sao bán được xe?".
Rồi anh rủ tôi đến mấy đại lý xe cũ, chỉ ra những chiếc tương tự xe tôi, được chủ cửa hàng mua về, cho đi spa đánh bóng bẩy lên rồi bày bán lại. Khi chúng tôi hỏi, nhân viên sale chỉ cung cấp những thông tin như xe được giữ gìn tốt, một đời chủ, số dặm đi còn ít... tuyệt nhiên không nói đến việc có va chạm, thủy kích hay hư hỏng gì không.
Tôi không phải người kinh doanh, tôi chỉ muốn bán một chiếc xe cũ. Tôi biết rõ đặc điểm vận hành chiếc xe và những bộ phận từng phải sửa chữa, thay thế của nó. Những thông tin này sẽ hữu ích cho người mua, nên tôi muốn chia sẻ với họ, dù tôi cũng hiểu, thật thà như thế, chiếc xe của tôi sẽ bị trả giá thấp, thậm chí không bán được.
Tình trạng này xảy ra với hầu hết người bán hàng, với hầu hết mặt hàng trên thị trường. Người bán nắm rõ về hàng hóa của mình, còn người mua chỉ biết được sau khi đã sử dụng. Đặc biệt nó xảy ra nhiều hơn với những thị trường chưa minh bạch, thiếu thông tin hay những nơi mới xây dựng kinh tế thị trường. Ở đó, thông tin ít hơn, kiến thức người mua cũng ít hơn, công cụ giám sát của nhà nước chưa mạnh nên thông tin của hai bên chưa tương đồng. Đó chính là hiện tượng bất cân xứng thông tin - một trong những thất bại thị trường cơ bản.
Thông tin bất cân xứng xảy ra khi một bên trong giao dịch hoặc một bên trong thỏa thuận biết nhiều hơn bên kia. Người bán đưa ra những món hàng mà người mua không biết và không dễ đánh giá chất lượng.
Để giải quyết tình trạng bất cân xứng này, vai trò của nhà nước là đặt thêm các cơ quan giám sát, giúp thị trường minh bạch hơn, như lực lượng quản lý thị trường, hội bảo vệ người tiêu dùng. Nhà nước cũng đặt ra các quy định, nhãn mác, là cơ sở để các nhà cung cấp cam kết về chất lượng và có thể bị tẩy chay nếu hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn.
Chi phí hoạt động của những cơ quan giám sát, các hội bảo vệ càng cao sẽ càng làm suy giảm phúc lợi xã hội và gây ra tổn thất vô ích. Nhưng nếu những cơ chế này không hiệu quả, hàng tốt có nguy cơ bị loại khỏi thị trường và hàng xấu lên ngôi.
Quay lại thị trường xe mà tôi đang bán. Giả định về hai loại xe trên thị trường này: loại hàng tốt(nhờ bảo quản tốt, số dặm xe không bị tua lại), tức là thông tin mà người bán đưa ra là chân thực; và loại hàng kém(do tai nạn nhiều, số dặm xe bị khai gian). Giá xe tốt là 500 triệu, giá xe kém thấp hơn, chỉ đáng 300 triệu. Nhưng người mua khó phân biệt hàng tốt và hàng kém. Vì thế, người bán luôn có động cơ để nói dối về tình trạng thật của chiếc xe và đòi giá của chiếc xe kém tương đương giá chiếc xe tốt. Người mua chọn giải pháp bảo vệ mình là trả giá thấp, với giao dịch đạt được ở mức giữa, tức 400 triệu đồng. Đây là trường hợp kinh điển về "lựa chọn bất lợi" (adverse selection) do thông tin bị che đậy.
Mức giá này làm cho người mua hài lòng vì tưởng mua được xe tốt với giá rẻ. Và nó làm cho người bán xe tốt không có khả năng kinh doanh và dần bị loại ra khỏi thị trường. Đấy là lúc "hàng giả đá hàng thật".
Báo Tuổi Trẻ vừa phản ánh việc những siêu thị, cửa hàng thực phẩm trưng biển bán rau tiêu chuẩn VietGap nhưng thực chất là rau được mua từ chợ, dán nhãn rồi bán với giá cao hơn. Đây cũng là một thực tế của hiện tượng bất cân xứng thông tin dẫn đến gian lận của các cơ sở kinh doanh.
Trong những thị trường bất cân xứng thông tin, vị thế của người tiêu dùng rất yếu ớt. Họ nhiều lần phải chi tiền để mua niềm tin và có thể bị lừa "trắng bụng". Tù mù về chất lượng rau và hàng hóa trên thị trường nói chung, họ chấp nhận một phần tiền thuế do mình đóng góp được dùng chi trả cho các hội quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Họ chấp nhận trả cao hơn giá trị thực của sản phẩm để mua mặt hàng dán nhãn tiêu chuẩn.
Câu chuyện về đường đi lắt léo của rau đã không còn là thực trạng mới, nó chỉ nhắc lại một tồn tại cũ: cơ quan quản lý thị trường thiếu năng lực, tắc trách hoặc vì cả hai lý do này, đã không hoàn thành chức phận của mình. Việc kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh gian lận đáng lẽ cần thực hiện thường xuyên và công minh. Tội lừa dối khách hàng, quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự hiện hành là căn cứ có thể áp dụng cho những hành vi vi phạm trong trường hợp gian lận rau không rõ nguồn gốc.
Mớ rau con cá không phải là khoản thất thoát lớn nên người mua không dành thời gian để tố cáo đến hội bảo vệ người tiêu dùng. Chưa kể các hội này vốn cũng thường không có hành động nào đáng kể để đứng về những người mua yếu thế.
Trong bối cảnh đó - tức bối cảnh hoạt động yếu ớt của cơ quan quản lý thị trường và các hội bảo vệ người tiêu dùng - tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết hình thành cơ chế khuyến khích để người tiêu dùng, cộng đồng có thể tố cáo những cơ sở kinh doanh gian lận.
Nâng cao vai trò của cộng đồng mà cụ thể là sự giám sát của báo chí, giúp đặt những đơn vị kinh doanh dưới hàng triệu con mắt của người mua, của xã hội, sẽ làm người bán e ngại mà bớt gian lận đi, từ đó nâng cao tính minh bạch và làm giảm hiện tượng bất cân xứng thông tin.
Nhưng tất nhiên, mong đợi chính đáng của tôi là tình trạng bất cân xứng thông tin giữa phải được giải quyết bằng việc cơ quan quản lý thị trường thực hiện đúng và đầy đủ phận sự của mình. Những siêu thị, cửa hàng và người bán cần thiết lập hàng rào ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... Khi đó người tiêu dùng có kiến thức, kỹ năng sẽ tự tin lựa chọn những món hàng phù hợp với chất lượng và giá cả mong muốn.
Vũ Ngọc Bảo
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn