- Lời tòa soạn:VietNamNet nhận được bài viết của nghiên cứu sinh Phạm Hiệp,ócnhìnkhácvềđạihọcphilợinhuậnởMỹket qua vong loai c1 đề cập tới "Một số khía cạnh ít được phổ biến và có nhiều điểm trái chiều với quan điểm chung của phần đông giới chuyên môn cũng như công chúng đối với giáo dục ĐH tư thục tại Mỹ".
Sau lời đề dẫn, bài viết được chia thành 2 kỳ. Kỳ 1 tóm tắt một số điểm bất cập của khối phi lợi nhuận; kỳ 2 đưa ra một số lý giải, phân tích.Để có thêm một góc nhìn, dưới đây VietNamNet giới thiệu nội dung bài viết.
ĐH Stanford - một trong số các trường thuộc khối Ivy League |
Đề dẫn:Một trong những đặc điểm quan trọng của giáo dục đại học toàn cầu hơn 30 năm qua là sự phát triển nhanh chóng của khu vực đại học tư thục, bao gồm cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Năm 2012, trên toàn thế giới, 56% số trường đại học là trường đại học tư, cung cấp dịch vụ đào tạo cho 31% tổng số sinh viên. Con số tương ứng tại khu vực Châu Á còn có phần “nhỉnh” hơn đôi chút (60% và 35%).
Việt Nam cũng nằm trong xu thế không thể đảo ngược kể trên. Tuy vậy, mặc dù giáo dục ĐH tư thục ra đời cũng khá lâu (từ 1989), nhưng cho đến nay, mức độ phát triển của khu vực này còn ở mức độ khá khiêm tốn so với thế giới. Năm 2013, cả nước chỉ có 83 trường ĐH, CĐ tư thục hoặc dân lập trong tổng số 421 trường trong cả nước (tỷ lệ 19%), đào tạo hơn 300.000 sinh viên trong tổng số gần 2 triệu sinh viên (tỷ lệ 15.6%). Nguyên nhân chính của việc này là do chúng ta vẫn chưa có một hệ thống chính sách đồng bộ, tường minh nhằm khuyến khích hai thành tố (cả phi lợi nhuận và vị lợi nhuận) của khu vực này phát triển lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng.
Trong các thảo luận về chủ đề nói trên trong những suốt hơn một năm qua trên các phương tiện truyền thông, các nhà nghiên cứu, giáo dục và giới chuyên môn thường lấy ví dụ về Mỹ, nơi được thừa nhận có hệ thống giáo dục đại học tư ra đời sớm và phát triển nhất trên thế giới, làm hình mẫu để so sánh và học tập.
Một cảm nhận chung là giáo dục đại học vị lợi nhuận tại Mỹ có chất lượng đang ngày càng bị “xói mòn” và ngược lại, giáo dục đại học phi lợi nhuận cần mới thực sự đem lại chất lượng cho người học. Chùm bài viết gồm 2 kỳ này đem đến một góc nhìn khác so với "cảm nhận chung" nói trên.
Mặt trái của đại học phi lợi nhuận
Nước Mỹ nổi tiếng với hệ thống giáo dục đại học phi lợi nhuận uy tín và có chất lượng bậc nhất thế giới.Việc được đi học tại các trường đại học này là ước mơ của hàng triệu sinh viên trong cũng như ngoài nước Mỹ. Điều này có được phần lớn là nhờ hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh cũng như tầm nhìn và nỗ lực của các nhà giáo dục.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, hệ thống này bắt đầu xuất hiện một số mặt trái, mà ngoài giới chuyên môn, không phải ai cũng biết đến. Dưới đây, xin được tóm tắt một số vấn đề chính:
Mặt trái thứ nhất là việc nhiều đại học tư phi lợi nhuận thu học phí quá cao. Phe ủng hộ lập luận: học phí (của đại học phi lợi nhuận) là hợp lý bởi nó tương ứng với chất lượng đào tạo và với cơ chế “không chia cổ tức cho cổ đông”, họ sẽ không có động lực thu phí cao bằng mọi giá giống như khu vực đại học vị lợi nhuận. Phe phản đối bác bỏ luận điểm này, họ chỉ ra rằng thực tế, đại học phi lợi nhuậnthu phí quá cao một cách bất hợp lý. Một ví dụ mà phe phản đối thường lấy để minh hoạ là việc các trường thuộc nhóm Ivy League (các đại học tư phi lợi nhuận hàng đầu tại Bờ Đông nước Mỹ), nơi có học phí lên tới 40.000-60.000 USD/năm gấp 2-4 lần mức học phí tương ứng tại các trường đại học công hoặc đại học tư vị lợi nhuận tại nước này. Ví dụ khác là việc sinh viên quốc tế hoặc trong nhiều trường hợp là sinh viên từ các Bang khác đến học tại các trường tư phi lợi nhuận thường bị thu phí gấp 1,5-2 lần sinh viên bản địa trong khi các đối tượng sinh viên này đều chỉ thụ hưởng một chương trình đào tạo như nhau.
Một góc ĐH Harvard |
Mặt trái thứ hai là vấn đề bất bình đẳng, xuất phát từ chính bất cập thứ nhất. Vì học phí cao, con em các gia đình có thu nhập thấp sẽ ít có cơ hội được đi học tại các trường tư phi lợi nhuận. Một khảo sát mới đây của Hiệp hội quốc gia các nhà quản lý kinh doanh khối Đại học và Cao đẳng (National Association of College and University Business Officers) cho thấy chỉ 16% sinh viên thuộc các trường tư phi lợi nhuận hàng đầu hưởng trợ cấp từ chương trình Pell Grant (chương trình của Chính Phủ Mỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên nhà nghèo). Cũng theo nghiên cứu này, con số tương ứng đối với Đại học Texas tại El Paso, Đại học California tại Riverside và Đại học California tại Berkeley (là những đại học công có chất lượng tương đương các đại học tư phi lợi nhuận hàng đầu) là 59, 53 và 33%. Thực trạng này đang có xu hướng trầm trọng hơn trong những năm gần đây khi nhiều trường tư phi lợi nhuận bắt đầu áp dụng chính sách ưu tiên cho con em các gia đình có nhiều đóng góp tài chính, hiến tặng cho trường.
Mặt trái thứ ba là tình trạng chi tiêu bất hợp lý, hoang phí và thiếu hiệu quả tại các trường đại học tư phi lợi nhuận. Với học phí cao cộng với nguồn hiến tặng dồi dào từ phía xã hội (các cựu sinh viên, doanh nghiệp, người hảo tâm …), các trường đại học tư phi lợi nhuận luôn có nguồn lực tài chính vượt trội hơn hẳn so với khu vực đại học khác (đại học công và đại học tư vị lợi nhuận). Với nguồn lực như vậy, bên cạnh những khoản chi tiêu đúng địa chỉ, phe phản đối đã chỉ ra việc xuất hiện ngày càng nhiều những khoản chi hoang phí và thiếu hiệu quả tại các trường đại học tư phi lợi nhuận. Một bài viết trên tờ The Atlantic đăng tháng 10 năm ngoái chỉ ra trường hợp Đại học Princeton bỏ tới 30 triệu USD chỉ để xây dựng một khu ký túc xá “xa hoa” với sức chứa vỏn vẹn 500 sinh viên (trung bình 60.000 USD/đầu sinh viên).
Mặt trái thứ tư là sự mất cân đối trong đầu tư của nhà nước giữa học sinh trường tư phi lợi nhuận và trường công. Nhầm tưởng chung từ xã hội là các đại học tư phi lợi nhuận tự lo phát triển ngân sách từ nguồn “xã hội hoá” như nguồn hiến tặng của các cá nhân, tổ chức mà không có hỗ trợ nhà nước. Tuy vậy, với chính sách miễn thuế đối với các khoản hiến tặng đối đại học tư phi lợi nhuận, vô hình chung, với mỗi khoản tiền thu được từ hiến tặng, nhà nước cũng sẽ trợ cấp một phần một cách gián tiếp thông qua hình thức miễn thuế. Ví dụ, khoản tiền 30 triệu để xây ký túc xá tại Đại học Princeton ở trên trong thực tế được tài trợ bởi bà Meg Whitman, chủ tịch eBay. Với khoản tiền này thì bà Whitman sẽ được miễn thuế 10 triệu. Tức là, về bản chất, trong 30 triệu tiền xây ký túc xá của Đại học Princeton, bà Whitman chỉ tài trợ 2/3, 1/3 còn lại thực tế là từ tiền thuế của dân. Có thể thấy cơ chế khuyến khích hiến tặng cho trường đại học tư phi lợi nhuận hiện vẫn có lỗ hổng khiến cho việc miễn thuế có thể được áp dụng vào những khoản đầu tư không thực sự cần thiết. GS. Robert Reich, trong một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một nghịch lý: trung bình một năm sinh viên của Đại học Princeton (một trường tư phi lợi nhuận) được nhà nước đầu tư qua đường miễn thuế lên tới 50.000 USD, gấp hơn 10 lần con số tương ứng của trường công thong thường (khoảng 4.000 USD).
(Tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Vũ Thị Phương Anh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Tp. HCM; ThS. Trần Ngọc Diệp, Trường ĐH Victoria Weillington, New Zealand đã đọc góp ý)
(* Toàn bộ nội dung của bài viết này chỉ phản ánh quan điểm của tác giả)
Kỳ 2: Án oan đối với đại học tư vị lợi nhuận?