Tôi là người rất nể phục các kiện tướng cờ vua. Bởi với tôi,ĐạikiệntướngcờVuaĐàoThiênHảivàmộttriếtlýcủagiáodụbd tl hôm nay cờ vua vượt qua giới hạn của một môn thể thao. Nó là hình thức biểu lộ một trí thông minh đặc biệt và cách tư duy đa tầng và đầy trí tưởng tượng của một con người. Còn với đại kiện tướng cờ vua đầu tiên của Việt Nam Đào Thiên Hải, tôi nể phục anh gấp đôi bởi những điều khác nữa trong cuộc sống và quan niệm của anh với cờ vua.
Đào Thiên Hải, đại kiện tướng cờ Vua đầu tiên của Việt Nam |
Chắc những người yêu môn cờ vua còn nhớ năm 2001, ấn bản đặc biệt của Newsweek đã đưa lên trang bìa nhân vật của mình: đó chính là đại kiện tướng Đào Thiên Hải cùng với một bài viết công phu về sự xuất hiện và thành công của anh trong làng cờ vua thế giới.
Không ít người hiểu rằng, một khi Newsweek đưa nhân vật hay sự kiện nào đó lên trang bìa thì nhân vật đó hay sự kiện đó đã mang tính nhân loại. Bởi trước đó, năm 2000, đại kiện tướng Đào Thiên Hải đã trở thành nhà vô địch khu vực 3.2A. Đây là tiếp nối của một loạt thành tích trước đó: vô địch U16 thế giới, huy chương bạc châu Á, lọt vào top 60 thế giới, huy chương bạc Đại hội thể thao trí tuệ thế giới.
Ngày đó, trong con mắt của các chuyên gia khổng lồ về cờ vua và trong con mắt của những kẻ mê môn này thì những ông Hoàng , bà Chúa của cờ vua không phải là những người xuất thân từ những vùng lạc hậu, kém phát triển trên thế giới như Việt Nam. Bởi thế mà họ thực sự choáng khi một người giành vị trí trong cuộc đọ sức của những kẻ thông minh và tư duy phức tạp nhất thế giới lại đến từ một đất nước nghèo, triền miên chiến tranh như Việt Nam.
Hồi còn trẻ, nghe về cờ vua với những đại kiện tướng trên thế giới giống như như là nghe các câu chuyện về những siêu nhân đầy huyền thoại như Garry Kasparov mà tôi gọi là Hoàng đế cờ vua thế giới. Tôi không thể tượng tượng được và chính Đào Thiên Hải cũng không bao giờ tưởng tượng được rằng: đến một ngày, một cậu bé từ Sa Đéc xa xôi lại có thể ngồi xuống và đấu với Hoàng đế cờ vua thế giới (trong giải ngôi sao châu Á thi đấu với ngôi sao châu Âu).
Trước kia, tôi đã nghĩ đó là thứ thuộc về những vùng đất khác của thế giới như châu Âu. Tôi không nghĩ đến một ngày lại có người Việt Nam bước vào sân chơi này và thành nhà vô địch, được Hoàng đế cờ vua thế giới đồng ý giao đấu và Newsweek – một tạp chí uy danh hàng đầu thế giới – đưa lên trang bìa của mình. Và tôi nghĩ, con đường của Việt Nam đi ra thế giới, hiện diện và xác lập vị thế của mình trên thế giới chỉ bằng con đường của sự sáng tạo và chiều sâu tư duy cùng những vẻ đẹp thẳm sâu của văn hóa dân tộc.
Đào Thiên Hải trong một lần cùng các kỳ thủ Việt Nam thi đấu quốc tế |
Tập trung và tập trung. Đấy là điểm quan trọng vô cùng trong khi chơi cờ vua mà đại kiện tướng Đào Thiên Hải luôn nhắc tới như một mệnh lệnh và như một nguyên lý sống còn. Thường là giữa người vô địch và người đứng sau nhà vô địch sẽ không có sự chênh lệch nào về chuyên môn nhưng sự tập trung sẽ là bước quyết định cuối cùng để đưa một người lên ngai vàng.
Khả năng tập trung trong khi chơi cờ vua là khả năng thiền tuyệt đối. Khả năng này tạo lên kết quả cho mọi hoạt động mang tính tư duy và sáng tạo và trong cuộc sống cũng vậy. Khi chúng ta đánh mất sự tập trung là lúc chúng ta phá hỏng cả một hệ thống tư duy đã hoặc đang được thiết lập lúc đó và dân chúng ta đi lạc đường hoặc thất bại.
Một điều tôi suy nghĩ nhiều về quan niệm của đại kiện tướng Đào Thiên Hải về cờ vua chính là một triết lý sống. Đó là điều làm tôi nể phục anh ngoài nể phục tài năng chơi cờ của anh. Mỗi lần bước vào một cuộc đấu là mỗi lần người chơi cờ bước vào một thách thức. Bàn cờ được bày ra như một cuộc sống và người chơi phải hình dung toàn bộ sự biến động của cuộc sống đó với khả năng tư duy cao độ, chính xác cùng với trí tưởng tượng kỳ lạ về tương lai (những bước đi tiếp theo) của ván cờ. Mọi cái gọi là cuộc chơi đều có thắng bại.
Việc bại trong cuộc đời của một vận động viên chơi cờ vua là chuyện không ít. Bởi mỗi cuộc chơi cuối cùng chỉ còn một người đi tới chiến thắng và tất cả những người còn lại dù ở vị trí nào cũng là người bại trận. Nhưng sự thất bại từ một môn thể thao đã cho Đào Thiên Hải những thành công trong cuộc đời mình. Thành công ấy là việc anh nhận ra con đường của đời sống và chân lý của nó.
Cách bước vào cuộc chơi cho anh trải nghiệm tư thế chuẩn bị của một con người bước vào cuộc sống với những thách thức và những bất ngờ khôn lường được phía trước và cách thua trận cho họ khả năng kiểm soát tâm lý và ý chí để vượt qua những bất trắc và những thất bại trong cuộc đời của họ. Đại kiện tướng cờ vua Đào Thiên Hải nhận thấy rằng: rất ít những vận động viên chơi cờ vua rơi vào tuyệt vọng trong cuộc sống để dẫn đến những hành vi tồi tệ như buông xuôi cuộc sống của mình hoặc đi tới tự tử.
Đội trưởng Đào Thiên Hải cùng tuyển nam Việt Nam chuẩn bị đấu tuyển Pháp ở giải cờ vua đồng đội thế giới 2018 |
Đây cũng là một phát hiện của anh. Phát hiện ấy gợi mở cho một hướng giáo dục con người. Bởi chúng ta hầu như không chú ý đến việc dạy những môn tạo cho trẻ có tập luyện tư duy logic, gợi mở trí tưởng tượng và suy đoán, trải nghiệm những thử thách, rèn luyện ý chí và kiểm soát bản thân mà chúng ta quá thiên về những bộ môn hoặc cách truyền đạt cách ‘’kiếm sống ‘’ đơn thuần cho trẻ.
“Mừng em và con trở về nhà, anh yêu em và con nhiều lắm!”. Đấy là những dòng chữ của đại kiện tướng Đào Thiên Hải khi đón vợ và con trai đầu từ phòng sanh bệnh viện về nhà. Đứng về văn học, những dòng chữ đó gợi mở rất nhiều. Nó làm ta thực sự xúc động và nó mang tinh thần gắn kết mạnh mẽ. Và đấy cũng là một trong những bí mật quan trọng của những người nổi tiếng mà họ cân bằng được đời sống tinh thần của mình khi họ lên đến đỉnh vinh quang. Có quá nhiều người khi đã trở nên danh tiếng thì cũng là lúc họ đánh mất gia đình và rơi vào những bi kịch của đời sống cá nhân.
Trong hầu hết những tác phẩm văn học hay điện ảnh nói về những anh hùng đều dựng lên giấc mơ cuối cùng của họ là được trở về nhà với những người thân yêu và được sống một cuộc sống bình dị và yêu thương. Điều mà tôi nể phục đại kiện tướng Đào Thiên Hải ngoài tài năng của anh chính là điều này. Thế giới đang rã rời bởi hiện thực cho thấy con người đang xa rời gia đình nhỏ bé của mình.
Cũng chính vì điều ấy mà vợ anh, một vận động viên cờ vua của đội tuyển thành phố Hồ Chí Minh đã rời bỏ thi đấu để giúp anh chăm sóc gia đình riêng của họ. Và tôi có cảm giác mỗi khi Đào Thiên Hải bước vào thi đấu là anh thi đấu cho cả vợ mình. Tình yêu của người vợ, sự hy sinh của người vợ đã làm cho anh đầy cảm hứng và ý chí thi đấu. Mỗi chuyến đi thi đấu xa, anh đều mua hoa tặng vợ. Một hành động tưởng đơn giản nhưng đó có thể coi là một nguyên lý sống, một nghi lễ của tình yêu.
Trước mỗi trận đấu, Đào Thiên Hải nghĩ về ngôi nhà của mình với những người thương yêu. Và sau mỗi trận đấu dù thành công hay thất bại anh khao khát trở về nhà càng sớm càng tốt. Câu chuyện này của anh là câu chuyện mà tôi luôn xúc động và suy ngẫm. Khi một con người không biết trở về thì sẽ không biết ra đi hoặc không biết sẽ đi về đâu.
Triết lý giáo dục của Đào Thiên Hải khi mở trường đào tạo cờ vua cho trẻ em là không áp đặt, mong có học trò giỏi hơn mình thì thầy càng mừng |
Giờ đây, đại kiện tướng Đào Thiên Hải đã mở một trường đào tạo cờ vua cho trẻ em. Hồi còn thi đấu đỉnh cao, anh không bao giờ nhận dạy thêm cờ vua cho bất cứ ai cho dù thù lao rất cao mà cuộc sống gia đình lại phải chi phí quá nhiều chuyện. Nhưng nếu lúc đó anh chỉ lo dạy thêm thì sự tập trung cao độ nhất và chuyên nghiệp nhất sẽ bị pha loãng và sẽ dễ dàng phản bội anh. Nhưng giờ đây, anh đang thực hiện một trong những giấc mơ lớn của mình là tạo ra một trường phái cờ vua Việt. Sự nghiệp cờ vua của Đào Thiên Hải chủ yếu là tự học.
Nhưng lĩnh vực này với anh cần có một sự đào tạo cơ bản và khoa học nhất. Khi thi đấu, anh ước mơ “đánh bại” mọi đối thủ. Nhưng khi làm thấy, anh mơ ước tất cả học sinh của mình đều đánh bại mình. Như thế nghĩa là cờ vua Việt đang lớn mạnh, đang tạo ra những vị thế lớn hơn trên thế giới.
Đại kiện tướng Đào Thiên Hải tâm sự :“Nếu là vận động viên, tôi sẽ chỉ phải tập trung vào ván cờ. Nhưng là một huán luyện viên, tôi còn phải nắm bắt tâm lý của học trò, làm việc được với phụ huynh các em, đặc biệt những em đang trong độ tuổi dậy thì càng phức tạp. Nhưng tôi thấy cũng không có gì phức tạp lắm. Từng tiếp xúc nhiều vận động viên nhí, tôi chỉ cần nói chuyện một chút là nắm bắt rõ tính cách của từng cô cậu học trò, qua đó đưa ra phương pháp huấn luyện thích hợp”.
Tôi lại muốn nói về giáo dục qua những tâm sự giản dị nhưng cốt lõi của nguyên lý giáo dục của Đào Thiên Hải. Khi người thầy không hiểu được những gì đang diễn ra tâm hồn của một đứa trẻ học trò mình thì hiệu quả của giáo dục ấy chỉ đạt được 50 % thậm chí là thất bại hoàn toàn. Một trong những điều quan trọng nhất của giáo dục là lắng nghe được tiếng nói đang vang lên trong tâm hồn của học sinh.
Đấy chính là một trong những lỗi của nền giao dục chúng ta hiện nay. Những người dạy hay quản lý nghành giáo dục chỉ nghe những đòi hỏi và yêu cầu của họ chứ không lắng nghe những gì đang cất tiếng trong tâm hồn đầy bí mật của một đứa trẻ. Một phương pháp hay có thể nói là nghệ thuật của giáo dục của Đào Thiên Hải là không áp đặt cách thi đấu của mình đối với học trò. Anh quan niệm: ”Tôi nghĩ tên tuổi của một ông thầy cũng không quan trọng mấy khi huấn luyện đâu. Nhiều em nhỏ tuy ít tuổi nhưng thông minh, sâu sắc, chúng chỉ thực sự tôn trọng hoàn toàn thầy mình nếu chúng ta thuyết phục được chúng, chứ không phải là áp đặt”.
Vì cách nhìn chiến lược và khoa học ấy, anh khuyến khích sự tự do sáng tạo. Đấy là cách anh mở cửa cho mọi năng lực tiềm ẩn trong môi xhocj trò của mình được phát lộ và thăng hoa. Anh chống lại những trò “khôn vặt” trong thi đấu mà hướng học trò bước vào con đường lớn của nghệ thuật cờ với tư duy lớn và bản lĩnh. Chỉ như thế thì mới mong một ngày nào đó nước Việt sẽ sinh ra Hoàng đế cờ vua thế giới.
Hoàng Lê