Ô nhiễm không khí gần đây trở thành chủ đề được những người dân sinh sống ở Hà Nội quan tâm khi Thủ đô liên tục xuất hiện trong top những thành phố ô nhiễm không khí,ợchồngbánnhàHàNộitỷđồngvềVũngTàulàmnhàvườnquottrốnkhóibụkqbd daegu bụi mịn nhất thế giới theo đánh giá của IQAir (ứng dụng của tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ).
Theo chị Lê Thị Thu Trang (44 tuổi), 3 năm trước, chị đã cảm nhận được những ảnh hưởng do ô nhiễm không khí tới sức khỏe gia đình và đưa ra một quyết định quan trọng.
Chị Trang sinh ra ở Hà Nội, vợ chồng chị Trang từng trải qua hơn 10 lần chuyển nhà khi sinh sống trong khu vực nội đô.
Để các con có không gian sống tốt hơn, chị từng chi số tiền lớn mua một căn biệt thự gần Đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Căn nhà khá rộng, xung quanh có tiện ích, cây xanh, hồ điều hòa nhưng chị vẫn không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, mỏi mệt bởi khói bụi, ô nhiễm không khí.
Người phụ nữ 44 tuổi chia sẻ, năm 2019, Tổng cục Môi trường thống kê TP Hà Nội trải qua ít nhất 5 đợt ô nhiễm không khí. Các đợt ô nhiễm bụi mịn ở Thủ đô diễn ra chủ yếu vào những tháng mùa đông, với chỉ số PM 2.5 đều vượt ngưỡng nhiều lần.
Cảnh báo về ô nhiễm không khí ở Hà Nội xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khiến nỗi lo sợ trong chị Trang ngày một lớn.
"Khi đi tập thể dục ở công viên, tôi thấy mọi người đều phải bịt khẩu trang kín mít. Nhiều ngày liền, trời Hà Nội mù mịt, đi ra đường tôi không dám hít thở sâu. Tôi thường cảm thấy mệt mỏi dù đi khám sức khỏe tổng quát không tìm ra bệnh gì", chị Trang chia sẻ.
Mẹ của chị Trang đã có tuổi nên càng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Mỗi khi nồng độ bụi mịn tăng cao, bà thường bị ho kéo dài. Sáu con của chị cũng không tránh khỏi những lần bị ốm, phải nghỉ học vì viêm hô hấp.
Chị Trang và các thành viên trong gia đình thường hạn chế ra ngoài và những ngày Hà Nội khói bụi mù mịt, đóng kín cửa nhà, bật máy lọc không khí. Tuy nhiên, chị Trang cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế. Chị nhận ra, có kinh tế, bản thân thành công nhưng phải sống trong bầu không khí kém trong lành thì chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội trở thành vấn đề báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người thân trong gia đình, vợ chồng chị Trang nghĩ đến việc tìm kiếm một môi trường sống trong lành hơn. "Tôi nhận ra rằng sức khỏe và sự phát triển của các con quan trọng hơn tất cả", chị chia sẻ.
Vợ chồng chị bán nhà với giá 10 tỷ đồng rồi cùng nhau rời khỏi Thủ đô.
Trước đó, chị Trang có dịp đi công tác ở nhiều tỉnh thành. Một lần, chị tình cờ ghé qua huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khung cảnh yên bình, bầu không khí trong lành khiến chị bị thu hút.
Vợ chồng chị Trang vì thế chuyển vào huyện Châu Đức sinh sống. Cả hai mua một mảnh đất rộng 3.000m2 có sẵn căn nhà 160m2 và nhiều cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít Thái... Trong khu đất còn có ao cá nhỏ, vườn cây xanh mát bao quanh.
Quá trình chuyển nhà không hề đơn giản. Từ việc thích nghi với nhịp sống chậm rãi, đến việc tìm kiếm các dịch vụ cơ bản như trường học, bệnh viện, gia đình chị từng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chị dần vượt qua những khó khăn ban đầu ấy.
Một năm sau khi chị Trang chuyển nhà, mẹ chị cũng bán căn nhà ở quận Hai Bà Trưng để vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống.
Chuyển về nơi ở mới, chị Trang cảm nhận rõ sự thay đổi sức khỏe và tinh thần. "Sáng sớm mở cửa, thay vì tiếng xe cộ ầm ầm, không khí đầy bụi mịn, ô nhiễm của Hà Nội, tôi có thể nghe tiếng chim hót, ngửi mùi cỏ cây và cảm thấy mình tràn đầy năng lượng. Đây là điều mà tôi chưa từng có ở Hà Nội", chị kể.
Chị Trang vẫn giữ thói quen cài đặt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trong máy điện thoại. Chị nhận thấy, số ngày Bà Rịa - Vũng Tàu có cảnh báo màu cam (Chỉ số ô nhiễm không khí không tốt cho người nhạy cảm) không quá nhiều, thay vào đó chỉ số màu xanh (0-50: Không khí tốt) và màu vàng (50-100: Không khí ở mức độ vừa phải) chiếm đa số.
Trong khi đó, chỉ số này ở Hà Nội vào những dịp cuối năm luôn ở mức màu đỏ (150-200: Không khí có hại cho sức khỏe) và màu tím (200-300: Không khí cực kì ô nhiễm).