Theo hãng tin Yonhap, cuộc điều tra được giao cho nhóm điều tra an ninh thuộc Văn phòng Điều tra Quốc gia của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sau khi có 2 đơn khiếu nại được đệ trình.
Một đơn khiếu nại do đảng Tái thiết Hàn Quốc đệ trình, trong khi đơn còn lại do một nhóm gồm 59 nhà hoạt động đệ trình.
Các đơn kiện không chỉ cáo buộc Tổng thống Yoon Suk-yeol, mà còn cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tham mưu trưởng Lục quân tướng Park An-su và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min về tội phản quốc và các cáo buộc liên quan khác về vai trò của họ trong việc ban hành và sau đó là dỡ bỏ thiết quân luật hôm 3/12.
Cơ quan công tố và Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao cũng đã nhận được các khiếu nại cáo buộc Tổng thống Yoon về tội phản quốc và đang xem xét liệu có nên tiến hành điều tra riêng hay chuyển giao cho cảnh sát.
Văn phòng Công tố viên Trung tâm Seoul đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun sau khi xuất hiện đơn khiếu nại.
Sáng sớm hôm nay 5/12, các đảng đối lập đã nộp đề nghị luận tội Tổng thống Yoon lên Quốc hội và cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào những ngày tới. Để có thể gom đủ 200/300 phiếu nhằm thông qua dự luật luận tội ông Yoon, phe đối lập sẽ cần 8 nghị sĩ của đảng PPP cầm quyền ủng hộ đề nghị của họ.
Đảng PPP của Tổng thống Yoon tuyên bố, toàn bộ 108 nghị sĩ của đảng sẽ đoàn kết và từ chối luận tội ông. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng PPP cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Yoon rời khỏi đảng.
Đảng Dân chủ, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, có kế hoạch bỏ phiếu luận tội ông Yoon vào lúc 19h, theo giờ địa phương, vào ngày 7/12, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin.
Nếu động thái này được thông qua, ông Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết. Nếu các thẩm phán chấp thuận, ông Yoon sẽ bị luận tội và cuộc bầu cử mới phải diễn ra trong vòng 60 ngày.
Tại một cuộc họp do Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo triệu tập hôm 4/12, hầu hết bộ trưởng trong nội các, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho, đã đề nghị từ chức tập thể để nhận trách nhiệm sau lệnh thiết quân luật gây tranh cãi của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Các trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon gồm Chánh Văn phòng Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won-sik, Chánh Văn phòng phụ trách Chính sách Sung Tae-yoon cùng 7 trợ lý cấp cao khác đã đệ đơn từ chức.
Theo Yonhap