Phó Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tổ chức một cuộc họp báo chung tại Washington vào ngày 26/9, trước cuộc họp kín của hai nhà lãnh đạo.
Ông Zelensky cảm ơn bà Harris vì cam kết của bà đối với Ukraine, đồng thời bày tỏ sự cảm kích với Mỹ "vì đã hỗ trợ Ukraine".
Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Harris nhắc lại sự ủng hộ của bà đối với Ukraine, đồng thời cảnh báo chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ dẫn đến các hành động cứng rắn hơn nữa.
Phó Tổng thống Mỹ cho biết mọi quyết định cuối cùng liên quan tới cuộc xung đột đều phụ thuộc vào Ukraine.
"Tuy nhiên có một số người ở Mỹ lại muốn Ukraine phải nhượng bộ những phần lãnh thổ rộng lớn có chủ quyền của mình, yêu cầu Ukraine chấp nhận vị thế trung lập và yêu cầu Ukraine từ bỏ các mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác để chấm dứt xung đột", bà Harris nói.
Theo bà Harris, "đây không phải là đề xuất cho hòa bình, mà là đề xuất đầu hàng, điều này rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được".
Mặc dù bà Harris không nêu tên bất kỳ ai, một số thành viên trong đảng Cộng hòa, được cho là bao gồm ứng cử viên tổng thống Donald Trump, đã gợi ý rằng Ukraine có thể nhượng lại lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Tại một cuộc mít tinh vào ngày 24/9, ông Trump một lần nữa tuyên bố sẽ đưa Mỹ "thoát khỏi" cuộc chiến ở Ukraine nếu ông được bầu làm tổng thống.
Trong những ngày gần đây, ông Trump đã đưa ra những tuyên bố gay gắt hơn khi chỉ trích Tổng thống Zelensky cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. Ông tuyên bố rằng Tổng thống Zelensky muốn đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và gọi ông là "người bán hàng vĩ đại nhất thế giới".
Ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa J.D. Vance cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 9 rằng, kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine của Trump có thể bao gồm việc thiết lập một khu phi quân sự đặc biệt giữa Ukraine và Nga. Theo đó, Ukraine sẽ giữ được chủ quyền của mình, nhưng đồng thời sẽ phải đảm bảo với Nga rằng họ sẽ không gia nhập NATO hoặc bất kỳ tổ chức đồng minh nào khác.
Tổng thống Séc Petr Pavel từng bình luận với New York Times rằng Ukraine nên chấp nhận khả năng một số lãnh thổ của nước này có thể "tạm thời" nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau khi xung đột kết thúc.
Ông Pavel tin rằng một động thái "thỏa hiệp" tạm thời về lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát là có thể chấp nhận được nếu điều đó cho phép cuộc chiến chấm dứt.
Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Theo Tổng thống Zelensky, tính đến cuối tháng 8, Nga đã kiểm soát khoảng 27% lãnh thổ Ukraine.
Các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine được quân đội Nga kiểm soát một phần. Nga tuyên bố đã sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này mặc dù không kiểm soát hoàn toàn.
Moscow cũng kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.
Nga đã kêu gọi quân đội Ukraine rời khỏi các vùng lãnh thổ này như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất này.
Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tổ chức dựa trên công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Zelensky, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.
Theo Hill