Nhắc đến đặc sản Đắk Nông không thể không kể đến những món ăn chế biến từ cá lăng sông Sêrêpốk. Cá lăng thuộc họ cá da trơn,đặcsảnĐắkNôngthơmngonlạmiệthụy điển vs thường sống ở các khúc sông có nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trong đó, có cá lăng đuôi đỏ thường sống ở sông Sêrêpốk, chảy qua địa bàn huyện Krông Nô và huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Thịt cá lăng ở đây nổi tiếng béo, săn chắc, có vị ngọt, thường được sơ chế sạch sẽ và biến tấu thành nhiều món ngon như cá lăng hấp, cháo cá lăng, chả cá lăng,… Trong đó, hai món phổ biến và được ưa chuộng hơn cả là cá lăng nướng và lẩu cá lăng măng chua.
Cá lăng nướng và lẩu cá lăng là hai món ngon hút khách ở Đắk Nông (Ảnh: Mỹ Lan Quán)
Nếu có dịp du lịch Đắk Nông, du khách có thể tìm và thưởng thức các món đặc sản thơm ngon từ cá lăng sông Sêrêpốk tại một số nhà hàng địa phương như Điền Trang Hoa Mai 2 (đường Điện Biên Phủ, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa), Nhà hàng Tây Nguyên (530 Tôn Đức Thắng, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông),…
Canh thụt là món đặc sản độc đáo, lạ miệng của bà con dân tộc M’Nông và người Mạ ở tỉnh Đắk Nông. Món ăn này được chế biến từ các nguyên liệu “cây nhà lá vườn” đặc trưng của vùng đất này như lá bép (hay còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng với các loại cá suối.
Sở dĩ có tên gọi là canh thụt bởi trước đây, người dân địa phương khi đi làm thường nấu canh trong những ống tre, ống nứa mọc trong rừng. Khi nấu, họ phải dùng đũa khuấy đều các nguyên liệu cho chín mềm.
Khi chín, canh thụt sẽ có độ đặc sánh và dẻo khá lạ miệng. Thực khách nếm thử một miếng sẽ cảm nhận được vị đắng, cay, bùi, béo… hòa quyện vào nhau (Ảnh: Thị Lam, Nguyễn Thị Vui)
Hiện nay, món canh thụt của người Đắk Nông được nhiều thực khách biết đến và thưởng thức. Để phù hợp với khẩu vị mọi người, bà con nơi đây còn kết hợp canh thụt với các nguyên liệu khác như lòng non, sườn heo, cá hộp…
Món canh chua kiến vàng được bà con dân tộc Ê-đê ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) sáng tạo và lưu truyền suốt nhiều năm nay.
Kiến vàng thường sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Đến mùa mưa, người dân địa phương lại đi “săn” kiến vàng vì thời điểm này chúng bắt đầu làm tổ và đẻ trứng.
Để làm được món canh này, ngoài kiến vàng, người ta còn kết hợp với các nguyên liệu khác như tôm, cá, cua sông, hoa “djam tang”, ngò gai, củ nén. Thay vì dùng lá giang hay me như các món canh chua ở vùng miền khác, người Ê-đê sử dụng kiến vàng giúp món ăn có vị chua lạ miệng hơn, ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Giống như một số tỉnh thành khác ở khu vực Tây Nguyên, heo tại Đắk Nông cũng được người dân địa phương chăn thả tự nhiên nên ít mỡ, da mỏng, thịt dày, mềm và có độ ngọt dịu, khi chế biến có mùi thơm.
Cách tẩm ướp, chế biến đặc biệt cũng là bí quyết giúp món thịt heo rẫy ở vùng đất này càng thêm hút khách hơn. Theo đó, trước khi nướng, người ta phải quét một lớp hỗn hợp mạch nha, nước cốt chanh lên bề mặt thịt heo. Cách này giúp thịt sau khi nướng vừa có mùi thơm, vừa có màu sắc bắt mắt.
Ngoài các món ăn kể trên, vùng đất Đắk Nông còn nổi tiếng với nhiều loại cà phê, hạt tiêu và trái cây khác, du khách có thể lựa chọn và mua về làm quà cho bạn bè, người thân khi du lịch nơi đây như cà phê Đức Lập, hạt tiêu Đắk N’rung, bơ sáp Đắk Mil,…
Phan Đậu