Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên đã có hiệu lực vào ngày 4/12, khi hai bên ký nghị định thư về việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
"Quan hệ Triều Tiên - Nga dựa trên hiệp ước sẽ là một công cụ an ninh mạnh mẽ thúc đẩy phúc lợi của người dân hai nước, hạ nhiệt tình hình khu vực và đảm bảo ổn định chiến lược quốc tế", KCNA đưa tin.
Theo KCNA, hiệp ước "sẽ đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực độc lập và công bằng mà không có sự thống trị, khuất phục và bá quyền".
Triều Tiên cho biết hiệp ước đóng vai trò là "khuôn khổ pháp lý" sẽ giúp đưa quan hệ song phương lên một tầm chiến lược mới, bảo vệ vững chắc môi trường an ninh khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi ích chung của hai quốc gia.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng hồi tháng 6, hai bên đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên nhằm thay thế một số thỏa thuận trước đó giữa 2 nước.
Hiệp ước phác thảo sự hợp tác chiến lược toàn diện mà 2 nước dự định duy trì, bao gồm cả các vấn đề an ninh quốc gia. Hiệp ước nêu rõ rằng không bên nào sẽ ký kết các hiệp ước với bên thứ ba xâm phạm chủ quyền của bên kia.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong 2 quốc gia, quốc gia còn lại cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả các phương tiện quân sự, như được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, hiệp ước sẽ đưa quan hệ giữa Nga và Triều Tiên lên một tầm cao mới và góp phần "tạo ra một hệ thống quốc tế đa cực công bằng".
"Đây là một hiệp ước mở, không có bất cứ điều khoản bí mật nào. Mọi thứ đều được viết rõ ràng", ông Rudenko nói.
Hiệp ước được công bố trong bối cảnh Triều Tiên được cho là đã gửi hàng nghìn binh lính tới Nga để triển khai trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận quân đội Triều Tiên đã được triển khai tới Nga và các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân sự 2 nước đã diễn ra ở tỉnh Kursk của Nga, nơi Kiev mở chiến dịch đột kích hồi đầu tháng 8.
Mỹ và đồng minh cũng cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến chống lại Ukraine và đổi lấy viện trợ công nghệ cho các chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Mỹ và Ukraine cáo buộc Triều Tiên đã cung cấp cho Moscow các tên lửa đạn đạo, trong số đó có các tên lửa được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Ukraine từ cuối năm ngoái.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, Tổng thống Putin cho biết Nga và Triều Tiên sẽ tự quyết định việc có áp dụng điều khoản hỗ trợ quân sự của hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện hay không và áp dụng như thế nào.
Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Yonhap