Con gái kết hôn mà không được sự đồng ý của cha,ễVuLannàybạncócòndiễmphúcđượcởgầnmẹchakhôu21 wigan sau đó lại li hôn. Hai cha con vì thế mà không nhìn mặt nhau.
Con gái nghèo khó, chật vật nuôi đứa con nhỏ. Mẹ thương con gái, khuyên con nhân những lúc cha đi vắng thì dắt con đến nhà ăn bữa cơm. Vậy là con gái nhân lúc cha đi vắng, thường xuyên dắt con về nhà.
Cho đến một hôm trời mưa to, cha vội vã trở về nhà, con gái vội vã rời đi, hai cha con gặp nhau ở trong sân. Tránh cũng không được, người cha bối rối nói: “Lần sau về nhà ăn cơm không cần phải lén lén lút lút nữa, hại cha mưa to cũng phải đi ra ngoài”. Nghe đến đó, cô con gái ôm cha bật khóc.
Tôi không nhớ đã đọc câu chuyện này ở đâu, nhưng luôn vương mãi hình ảnh một người cha, lòng dù giận con nhưng tim lại đầy yêu thương xót xa. Vì biết con sợ mình không dám đối mặt, nên dù trời nắng hay trời mưa cha cũng thường kiếm cớ đi ra ngoài để con mình có thể trở về nhà ăn một bữa cơm vội.
Nếu không có bữa gặp hôm đó, đến bao giờ cha mới có thể nói “con hãy tự nhiên về nhà đi, cha không giận con nữa”. Đến bao giờ để con gái hiểu rằng, dù mình có bao nhiêu ương bướng, vấp ngã sai lầm, cha vẫn thương mình vô điều kiện.
Tận trong thâm tâm mỗi người, chúng ta luôn cho rằng cha không thương con bằng mẹ. Cha không đủ nhẹ nhàng cảm thông, cha cứng nhắc và nghiêm khắc. Vậy nên mỗi lúc có chuyện buồn vui gì những đứa con cũng chọn tìm về thủ thỉ cùng mẹ, sai lầm vấp ngã cũng chỉ dám nói cho mẹ hay. Chuyện của những đứa con, nhất là những chuyện nghiêm trọng “tày đình” cha thường là người biết sau cùng, do mẹ không thể giấu mà kể lại. Và sau đó, sẽ là sự giận dữ của cha, sự bênh vực của mẹ. Cha, nhiều khi thật đáng sợ, thật khó gần biết bao nhiêu.
Nhưng, nếu mẹ yêu con bằng tình thương yếu mềm, thì cha yêu con bằng tình yêu nghiêm khắc. Nếu mẹ luôn muốn dang tay đỡ cho con khỏi ngã thì cha sẽ dạy cho con đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, vững vàng mà bước đi.
Cha - người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất của mỗi chúng ta. Cha không dạy ta thành người tài giỏi, nhưng cha dạy ta cách làm một người tử tế. Cha không phạt ta đứng ở góc lớp, không phạt ta bằng cách viết bản kiểm điểm mà cha phạt ta bằng đòn roi. Cha nghiêm khắc hơn tất cả mọi người thầy nhưng sẵn sàng bao dung với mọi lỗi lầm của ta dẫu hết thảy người đời quay lưng ghét bỏ. Cha cười khi ta vui và cười cả khi ta khóc. Không phải cha vô tâm, cha chỉ cố tỏ ra mình cứng rắn để khi ta yếu đuối nhất có thể yên tâm dựa vào.
Chỉ tiếc là, những đứa con như chúng ta thật khó khăn để nhận ra điều đó, mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều đó. Khi ta nhận ra, là khi ta đã vấp ngã trầy trật giữa đời. Khi ta nhận ra là khi ta đã bị những cay nghiệt của cuộc sống này dập vùi tơi tả. Khi ta nhận ra được điều đó là khi cha ta đã thật già. Và có thể, cha đã không còn nữa.
Một mùa Vu Lan nữa lại về, lại những nỗi niềm của những ai đang còn cha, những ai đang còn mẹ, lại những yêu thương luyến nhớ dâng trào. Lại sẽ có người cài lên trên ngực mình bông hồng đỏ mà nhìn ai đó ngẩn ngơ run tay nhấc lên bông hồng trắng. Yêu thương thật gần, nhưng có thể thật xa xôi.
Có một cụ già nơi tôi ở, cụ sống một mình vì các con đều chọn lập nghiệp phương xa. Một lần cụ nói với tôi: “Bà bỏ ông đi trước, gia tài của ông là bốn đứa con. Cuộc đời ông đã đi qua mưa bom bão đạn, bao nhiêu ngày mưa ngày nắng, đã trải qua không biết bao nhiêu giông gió bão bùng. Chúng nó giờ trưởng thành cả rồi, cũng lo cho ông chu đáo lắm. Lúc nào chúng nó cũng gọi điện hỏi: “Bố hết tiền tiêu chưa? Bố thiếu gì, cần gì bảo con mua cho”. Cháu xem, ông từng này tuổi rồi còn sợ nghèo đói túng thiếu hay sao. Bệnh tật ông cũng không sợ. Ông chỉ sợ cô đơn thôi”.
Người trẻ, khi buồn tủi cô đơn có thể chạy ra ngoài tìm vui bằng đủ cách. Người già, họ tìm vui ở nơi đâu nếu không phải là nơi con cháu vui vầy?
Chữ 'Vu lan', ta gọi đầy đủ là 'Vu-lan-bồn' là phiên âm từ chữ Ullambana (thuộc cổ ngữ của nước Ấn Độ).