Tỉ lệ ung thư tiền liệt tuyến ngày càng gia tăng, để phòng tránh căn bệnh này, nam giới trung niên cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh. Ảnh: V.M. |
Dù cũng có những nghiên cứu cho thấy nếu vận động cơ thể thường xuyên thì nguy cơ khởi phát ung thư tuyến tiền liệt sẽ giảm đi, nhưng cũng có một số nghiên cứu lại cho ra kết quả không có mối tương quan đáng kể nào giữa chúng.
Thậm chí, có cả báo cáo cho rằng nguy cơ khởi phát ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng lên nếu lượng vận động tăng lên. Có báo cáo đưa ra kết quả: khi vận động ở cường độ cao, nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt giảm 80%, và cũng có những báo cáo có kết quả hoàn toàn trái ngược: Nguy cơ bị ung thư tăng 220%.
Theo một nghiên cứu gần đây, nếu những người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt tập vận động với cường độ cao thì tỉ lệ khởi phát ung thư giảm 52% so với những người không vận động. Tuy nhiên lại không có khác biệt gì lớn trong trường hợp của những người không có tiền sử gia đình bị ung thư.
Người ta cũng quan sát được rằng ở những bệnh nhân đã bị ung thư tuyến tiền liệt thì việc tăng cường vận động cũng có xu hướng làm chậm sự tiến triển của ung thư.
Cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào loại hình vận động. Các hoạt động do công việc yêu cầu cũng làm giảm nguy cơ khởi phát ung thư tuyến tiền liệt. Các hoạt động như đi bộ thư giãn cũng có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ khởi phát cũng như tốc độ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, với lượng vận động của công việc nhà thì nguy cơ mắc ung thư không giảm đi. Không có sự khác biệt đáng kể giữa tập thể dục nhịp điệu và tập thể dục để tăng cơ, nhưng hiệu quả của chúng tỉ lệ thuận với lượng vận động.
Năm 1988, có một nghiên cứu khảo sát các cựu sinh viên trường đại học Harvard, Mỹ. Kết quả là, trong nhóm cựu sinh viên trên 70 tuổi, số trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt ở những người vận động tiêu hao khoảng 4000 kcal/tuần so với những người vận động tiêu hao dưới 1000 kcal/tuần có tỉ lệ là 2:1, một sự khác biệt rất rõ ràng.
Ngoài ra còn có những nghiên cứu khác về vận động và ung thư tuyến tiền liệt. PSA (prostate specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) là một chỉ số biểu thị sức khỏe tuyến tiền liệt được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990. Kiểm tra chỉ số PSA định kỳ có thể phát hiện ung thư từ giai đoạn đầu, nhờ đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ảnh hưởng của vận động đối với ung thư đại tràng và ung thư trực tràng là khác nhau.
Một phân tích với 9.747 bệnh nhân ung thư đại tràng (4.933 nam và 4.814 nữ) trên khắp nước Mỹ và châu Âu đã cho kết quả: Càng vận động nhiều thì nguy cơ khởi phát ung thư đại tràng càng thấp.
Kết quả này thu được sau khi so sánh mối tương quan giữa vận động và tỉ lệ khởi phát ung thư đại tràng, hoàn toàn không tính đến các yếu tố có thể gây ung thư khác như chỉ số thể chất, hút thuốc, uống rượu, thói quen ăn uống, có dùng aspirin hay không, có thường xuyên khám tầm soát ung thư đại tràng hay không, đã đến tuổi mãn kinh hay chưa, có sử dụng các loại hormone bổ sung sau mãn kinh hay không, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng hay không v.v..
Hầu hết nội dung các nghiên cứu là về thời gian vui chơi giải trí và vận động do công việc yêu cầu. Chỉ cần vận động ở mức thư giãn cũng có thể giảm nguy cơ khởi phát ung thư đại tràng, và nguy cơ khởi phát ung thư đại tràng càng giảm khi vận động nhiều hơn. Cũng có nghiên cứu cho rằng để giảm thiểu nguy cơ khởi phát ung thư đại tràng thì cần phải vận động với cường độ tương đối cao.
Trường hợp của ung thư trực tràng thì lại thu được những kết quả trái ngược với ung thư đại tràng. Dù không có nhiều báo cáo cho thấy vận động làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư trực tràng, nhưng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng vận động và nguy cơ khởi phát ung thư trực tràng tỉ lệ nghịch với nhau. Kết quả của một vài nghiên cứu gần đây lại cho thấy có vận động hay không cũng chẳng quan hệ gì đặc biệt với việc khởi phát ung thư trực tràng.